Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên lịch sử
VN-Index tiếp tục bay cao; Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận quý II/2025: Tăng nhiều hơn giảm; Để vốn ngoại trở lại nắm giữ dài hạn; Cổ tức 2025: Niềm vui chưa trọn; Tổng thống Trump: Các quốc gia sẽ đối mặt với mức thuế quan đối ứng từ 15-50%...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 25/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 119,70 – 121,70 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 18,7 USD xuống mức 3.367 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và lùi về gần 3.345 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 97,68 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 25.164 đồng/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.960 – 26.320 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm tăng từ 118.000 USD lên 118.600 USD, thì sang ngày hôm nay đã tăng tiếp lên 119.500 USD, trước khi đảo chiều giảm về 115.500 USD/BTC cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,23 USD (+0,35%), lên 66,26 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,25 USD (+0,36%), lên 69,44 USD/thùng.
VN-Index vượt 1.530 điểm
Mặc dù có chút rung lắc nhẹ trong nửa đầu phiên, nhưng dòng tiền chảy mạnh đã giúp VN-Index nhanh chóng trở lại.
Đặc biệt, đà tăng còn tích cực hơn trong phiên chiều và VN-Index có nhịp tăng hơn 14 điểm chạm mốc đỉnh 1.535 điểm.
Dù có chút rung lắc nhẹ sau đó khiến chỉ số hạ nhiệt nhẹ, nhưng đóng cửa vẫn tăng trên 1.530 điểm và xác lập mức cao mới.
Kết thúc phiên giao dịch 25/7: VN-Index tăng 10,11 điểm (+0,66%), lên 1.531,13 điểm; HNX-Index tăng 3,89 điểm (+1,55%), lên 254,56 điểm; UPCoM-Index tăng 0,61 điểm (+0,58%), lên 105,77 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Năm (24/7), khi đón nhận những kết quả kinh doanh phân hóa của các cổ phiếu lớn.
Cổ phiếu Alphabet (Google) tăng gần 1% khi kết quả kinh doanh tích cực nhờ được thúc đẩy bởi niềm tin đầu tư vào cuộc đua thống trị công nghệ AI đang được đền đáp.
Mặc dù vậy, cổ phiếu đáng chú ý lại là Tesla, với mức giảm hơn 8% sau khi Giám đốc điều hành Elon Musk cảnh báo về "một vài quý khó khăn" sắp tới khi chính phủ Mỹ cắt giảm hỗ trợ cho các nhà sản xuất xe điện.
IBM giảm hơn 7% sau khi kết quả quý II cho thấy doanh số bán hàng đáng thất vọng trong bộ phận kinh doanh cốt lõi là phần mềm.
Kết thúc phiên 24/7: Chỉ số Dow Jones giảm 316,38 điểm (-0,70%), xuống 44.693,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,44 điểm (+0,07%), lên 6.363,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 37,94 điểm (-0,18%), xuống 21.057,96 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do nhà đầu tư chốt lời sau khi thỏa thuận thương mại với Mỹ được công bố trước đó.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,88% xuống 41.456,23 điểm và tăng 4,1% trong tuần. Chỉ số Topix giảm 0,86% xuống 2.951,86 điểm.
Thỏa thuận thương mại, được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào cuối ngày thứ Ba, với thuế quan đối với hàng hóa Nhật Bản và thuế quan dành riêng cho ô tô xuống còn 15%.
Áp lực chốt lời còn đến từ các chỉ báo kỹ thuật, với RSI đã đạt 77,8 điểm vào thứ Năm, mức cao nhất kể từ khi Nikkei 225 đạt mức cao nhất mọi thời tại ngưỡng 41.889 điểm vào tháng 7/2024.
“Ngay cả cổ phiếu giá trị cũng đang trở nên đắt đỏ, khiến người ta ngày càng chú ý đến kết quả kinh doanh quý vừa qua để xem liệu mức giá đó có hợp lý hay không, ông Tatsunori Kawai, chiến lược gia tại Mitsubishi UFJ eSmart Securities, cho biết.
Ông cũng cho biết thêm, các nhà giao dịch có thể đang tỏ ra thận trọng trước thềm các cuộc họp của ngân hàng trung ương tại Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc vào tuần tới.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các nhà đầu tư chuyển sang trạng thái thận trọng trước các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sẽ diễn ra vào tuần tới.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,33% xuống 3.593,66 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,53% xuống 4.127,16 điểm.
Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Stockholm để tham gia một vòng đàm phán thương mại mới.
Thị trường cũng chờ đợi dữ liệu lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc, dự kiến vào cuối tuần này, để có cái nhìn sâu sắc về cách các công ty trong nước đang đối phó với sự bất ổn xung quanh vấn đề thuế quan, thương mại.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, với áp lực gia tăng sau khi chỉ số chạm ngưỡng cao nhất trong 3 năm rưỡi qua.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,13% xuống 25.377,41 điểm và chấm dứt chuỗi tăng 4,8% trong năm ngày trước đó và tạo đỉnh cao nhất kể từ tháng 11/2021.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng và ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp, nhưng vấn đề thuế quan vẫn đang được theo dõi sát sao.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 5,60 điểm, tương đương 0,18% lên 3.196,06 điểm và tăng 0,25% trong tuần.
Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Kim Jung-kwan đã gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick hôm thứ Năm và tái khẳng định cam kết sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ về thuế quan trước thời hạn 1/8.
Những bất ổn liên quan đến các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ đang hạn chế đà tăng của cổ phiếu Hàn Quốc, trong khi kết quả của các sự kiện lớn vào tuần tới bao gồm cuộc họp của Fed ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) nằm trong số những sự kiện được theo dõi chặt chẽ, Lee Jae-won, một nhà phân tích tại Shinhan Securities cho biết.
Kết thúc phiên 25/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 370,11 điểm (-0,88%), xuống 41.456,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,07 điểm (-0,33%), xuống 3.593,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 289,77 điểm (-1,13%), xuống 25.377,41 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 5,60 điểm (+0,18%), lên 3.196,05 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận quý II/2025: Tăng nhiều hơn giảm
Các ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm cho thấy, lợi nhuận của các nhà băng vẫn tăng trưởng đáng kể..>> Chi tiết
- Để vốn ngoại trở lại nắm giữ dài hạn
Sau gần hai năm bán ròng liên tiếp, khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng mạnh, trong bối cảnh kỳ vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ nét, cùng hàng loạt cải cách thể chế đang triển khai..>> Chi tiết
- Cổ tức 2025: Niềm vui chưa trọn
Trong khi nhiều nhà đầu tư đang hồ hởi chờ tiền cổ tức về tài khoản, không ít người lại thất vọng với tỷ lệ doanh nghiệp công bố, thậm chí phương án chia cổ tức còn bị bỏ ngỏ..>> Chi tiết
- Tổng thống Trump: Các quốc gia sẽ đối mặt với mức thuế quan đối ứng từ 15-50%
Hôm thứ Tư (23/7), Tổng thống Donald Trump cho biết mức thuế quan đối ứng của Mỹ với các đối tác thương mại của Mỹ sẽ dao động từ 15-50%..>> Chi tiết