Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên tốt nhất trong gần 5 tháng
VN-Index tăng trở lại gần 30 điểm; Ngân hàng công bố lợi nhuận quý III/2022: Bức tranh nhiều 'gam' sáng; Thận trọng với những biến số; Chuyển động trong thị trường nhiễu động; Fed sẽ không xoay chuyển khỏi việc tăng lãi suất cho đến khi một trong ba điều này xảy ra…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/10 không đổi so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 65,90 – 66,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 2,7 USD xuống mức 1.666,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích nhẹ lên gần 1.670 USD/ounce và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 113,14 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.480 đồng/USD, tăng 29 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.800 – 24.080 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm xuống gần 19.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã nhích nhẹ và lên trên 19.100 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,09 USD (+0,10%), lên 89,44 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,31 USD (+0,33%), lên 94,60 USD/thùng.
VN-Index hồi phục mạnh
Sau ít phút đầu mở cửa thận trọng, lực cầu bất ngờ gia tăng kéo VN-Index tăng hơn 30 điểm, lên trên 1.035 điểm với thanh khoản được cải thiện.
Bước vào phiên chiều, sau nhịp lùi nhẹ đầu phiên, VN-Index lấy lại đà tăng, tiến sát mốc 1.040 điểm khi nhà đầu tư không thể đặt mua được các mã đã tăng trần phiên sáng, chuyển hướng sang gom các mã khác tại nhóm thép, bất động sản, phân bón…
Tuy nhiên, một số mã đầu ngành ngân hàng, VIC, cùng một số cổ phiếu bất động sản bị xả xuống mức sàn như HDC, TEG, NBB, DRH khiến VN-Index hạ nhiệt, đóng cửa dưới ngưỡng 1.035 điểm, tăng hơn 28 điểm, mức tăng tốt nhất về điểm số kể từ phiên 25/5/2022.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 52,23 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 1.299,51 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 12/10: VN-Index tăng 28,61 điểm (+2,84%), lên 1.034,81 điểm; HNX-Index tăng 4,65 điểm (+2,13%), lên 223,43 điểm; UPCoM-Index tăng 0,99 điểm (+1,27%), lên 78,94 điểm
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall biến động nhẹ trong ngày thứ Ba (11/10), với Dow Jones nhích nhẹ, trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm, với việc Ngân hàng Trung ương Anh rằng sẽ chỉ hỗ trợ thị trường trái phiếu trong ba ngày nữa, thêm vào những lo lắng thị trường vào cuối phiên.
Giao dịch trên thị trường khá mỏng, do các nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý thứ ba sẽ khởi động vào cuối tuần.
Hiện tại, giới đầu tư sẽ chờ đợi một số báo cáo quan trọng từ nay đến cuối tuần, với báo cáo giá sản xuất (PPI), chỉ số giá tiêu dùng tháng 9, doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ.
Kết thúc phiên 11/10, chỉ số Dow Jones tăng 36,31 điểm (+0,12%), lên 29.239,19 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,55 điểm (-0,65%), xuống 3.588,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 115,91 điểm (-1,10%), xuống 10.426,19 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giằng co nhẹ và đóng cửa giảm nhẹ, do giới đầu tư thận trọng trước dữ liệu CPI quan trọng của Mỹ trong tuần này.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,02% xuống 26.396,83 điểm. Chỉ số Topix mất 0,12% xuống 1.869,00 điểm.
Cổ phiếu giảm điểm lớn nhất trên Nikkei 225 là nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Tokyo Electron Ltd, giảm 4,39% trong bối cảnh ngành công nghiệp chip đang gặp nhiều khó khăn. Chỉ số chất bán dẫn Philadelphia đã giảm trong 4 phiên liên tiếp.
Nhìn chung, thị trường thiếu định hướng khi chờ đợi báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) vào thứ Năm tại Mỹ.
Chiến lược gia của một công ty chứng khoán trong nước cho biết: “Chỉ số CPI từ trước đến nay thường xuyên gây ra sóng gió nên rất nhiều nhà đầu tư muốn chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.
Chứng khoán Trung Quốc phục hồi mạnh, sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng cho vay của nước này vượt kỳ vọng,
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,53% lên 3.025,51 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,52% lên 3.784,31 điểm.
Các khoản cho vay của ngân hàng mới ở Trung Quốc tăng gần gấp đôi trong tháng 9 so với tháng trước và vượt xa kỳ vọng sau khi ngân hàng trung ương, khi có hành động thúc đẩy nền kinh tế suy yếu do khủng hoảng bất động sản và sự trỗi dậy của ca nhiễm Covid-19.
Các nhà sản xuất chip Trung Quốc tăng 4,2% và cổ phiếu năng lượng mới tăng 3,8%, để dẫn đầu mức tăng trên thị trường.
Trung Quốc sẽ kiên trì với các chính sách Zero COVID để tránh mất kiểm soát đối với sự bùng phát virus tại địa phương, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản cầm quyền đã cảnh báo trong bài bình luận trong ngày thứ ba liên tiếp.
Các thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, đã thắt chặt các biện pháp phòng ngừa trong những ngày gần đây khi số ca bệnh trong nước tăng đột biến.
Chứng khoán Hồng Kông dao động quanh mức thấp nhất trong 11 năm trong bối cảnh lo ngại về chính sách zero-COVID của Trung Quốc cũng như lạm phát và suy thoái kinh tế ở nước ngoài.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,78% xuống 16.701,03 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,65% xuống 5.692,42 điểm.
Cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ giảm 0,3%, các nhà khai thác sòng bạc giảm 3,5% và các nhà phát triển bất động sản Đại lục giảm 2,4%.
Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục, dẫn đầu bởi các nhà sản xuất chip, khi các nhà đầu tư hy vọng vào việc thắt chặt tiền tệ chậm lại sau khi ngân hàng trung ương tiết lộ con đường ôn hòa hơn.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 10,40 điểm, tương đương 0,47% lên 2.202,47 điểm.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã tăng lãi suất thêm 0,5%, đúng theo dự đoán của 23 trong số 26 nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Tuy nhiên, Thống đốc BOK Rhee Chang-yong cho biết sau cuộc họp quyết định lãi suất rằng, hầu hết các thành viên hội đồng quản trị đều thấy lãi suất chính sách cuối kỳ sẽ vào khoảng 3,5%, và một số thậm chí còn thấp hơn, làm dấy lên kỳ vọng về một lộ trình thắt chặt chậm hơn ở phía trước.
Mức tăng của phiên này dẫn đầu là các nhà sản xuất chip, khi có tin tức rằng hoạt động của họ ở Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Hoa Kỳ, với Samsung Electronics tăng 0,72% trong khi SK Hynix tăng 4,21%.
Kết thúc phiên 12/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 4,42 điểm (-0,02%), xuống 26.396,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 45,71 điểm (+1,53%), lên 3.025,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 131,33 điểm (-0,78%), xuống 16.701,03 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 10,40 điểm (+0,47%), lên 2.202,47 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng công bố lợi nhuận quý III/2022: Bức tranh nhiều "gam" sáng
Một số ngân hàng bắt đầu hé lộ lợi nhuận quý III/2022 và lũy kế 9 tháng đầu năm với "gam" sáng, dù thị trường nhận định khó khăn trong quý cuối năm nay khi room tín dụng hạn chế..>> Chi tiết
- Thận trọng với những biến số
Cái khó đối với doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay là vẫn có những điểm mờ khi dự báo về rủi ro của lạm phát, tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới..>> Chi tiết
- Chuyển động trong thị trường nhiễu động
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán với một số doanh nghiệp niêm yết cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đã chuyển từ chiến lược mở rộng sang tập trung phòng thủ, nhằm ứng phó với những thay đổi của môi trường kinh doanh..>> Chi tiết
- Fed sẽ không xoay chuyển khỏi việc tăng lãi suất cho đến khi một trong ba điều này xảy ra
Khi thị trường chứng khoán biến động ngày càng tiêu cực, ngày càng có nhiều nhà đầu tư kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tránh xa con đường tăng lãi suất..>> Chi tiết