Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán hồi phục mạnh
VN-Index trở lại trên 1.280 điểm; Ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn 'khủng'; Lãi vay giảm, doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp; Quyền chọn cổ tức, nhất cử lưỡng tiện; Cổ phiếu cao su: 'Tạm ứng tương lai'; Hàn Quốc muốn tăng sức ảnh hưởng của won…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/3 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 300.000/lượng, hiện đứng ở mức 78,30 – 80,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 6,5 USD lên 2.171,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng bật tăng và lên trên 2.190 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,07 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.994 đồng/USD, giảm 21 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.610 – 24.950 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng trở lại ngưỡng 70.000 USD thì sang phiên hôm nay đã chững lại, giằng co nhẹ trước khi vượt lên 71.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,05 USD (-0,06%), xuống 81,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,10 USD (-0,15%), xuống 86,62 USD/thùng
VN-Index lên trên 1.280 điểm
Sau phiên sáng tăng điểm khá tích cực, lực cầu có phần chững lại ngay đầu phiên chiều, nhưng đã dần khởi sắc hơn sau đó, dòng tiền cũng có sự lan tỏa tốt hơn trên bảng điện tử. Chỉ số VN-Index theo đó nhích dần lên trên 1.280 điểm khi đóng cửa, dù quá trình đi lên cũng gặp đôi chút rung lắc.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 7,83 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 213,87 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/3: VN-Index tăng 14,35 điểm (+1,13%), lên 1.282,21 điểm; HNX-Index tăng 1,22 điểm (+0,50%), lên 242,03 điểm; UpCoM-Index tăng ,11 điểm (+0,12%), lên 91,2 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Hai (25/3), khi các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc đánh giá khả năng cắt giảm lãi suất từ Fed trước dữ liệu lạm phát quan trọng sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 đã tăng trở lại, với xác suất tăng lên 71,9% theo Công cụ FedWatch, tăng từ khoảng 54,7% một tuần trước.
Dữ liệu quan trọng nhất được theo dõi tuần này chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng Hai, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Kết thúc phiên 25/3: Chỉ số Dow Jones giảm 162,26 điểm (-0,41%), xuống 39.313,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,99 điểm (-0,31%), xuống 5.218,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 44,35 điểm (-0,27%), xuống 16.384,47 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, khi mức tăng của các cổ phiếu liên quan đến chip bù đắp cho đà sụt giảm của các cổ phiếu lớn Fast Retailing và Nissan Motor.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,04% xuống 40.398,03 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,11% lên 2.780,80 điểm.
Hỗ trợ lớn nhất đối với Nikkei 225 là trong lĩnh vực bán dẫn, dẫn đầu là gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 0,54%, nhà sản xuất silicon Shin-Etsu Chemical tăng 1,45% và Screen Holdings tăng hơn 4%.
Tuy nhiên, các cổ phiếu lớn như Nissan đã giảm gần 4%, cổ phiếu Fast Retailing giảm 1,63% lại là gánh nặng của thị trường.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi giới đầu tư kỳ vọng vào việc có thêm chính sách cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,17% lên 3.031,48 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,51% lên 3.543,75 điểm.
Các nhà quản lý Trung Quốc đang thúc đẩy các ngân hàng đẩy nhanh việc phê duyệt các khoản vay mới cho các nhà phát triển bất động sản tư nhân đang gặp khó khăn về thanh khoản.
Nỗ lực này là một phần trong chính sách nhằm giải quyết tình trạng siết chặt thanh khoản và thúc đẩy niềm tin của người mua nhà, trong bối cảnh giá nhà mới tháng 2 đã giảm liên tục trong tháng thứ 8 liên tiếp.
Sáng kiến này liên quan đến cơ chế "danh sách trắng", một biện pháp hỗ trợ mới bao gồm các dự án của các nhà phát triển tư nhân và được nhà nước hậu thuẫn, nhắm mục tiêu tài chính mới lên tới 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (207,51 tỷ USD).
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi kết quả tốt hơn mong đợi từ China Merchants Bank và China Resource Land làm giảm bớt sự lo lắng về mùa báo cáo kết quả kinh doanh.
Chỉ số Hang Seng tăng 0,88% lên 16.618,32 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,23% lên 5.825,42 điểm.
Cổ phiếu bất động sản nhận động lực đến từ thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng nói rằng một số "tín hiệu tích cực" đã xuất hiện từ thị trường nhà ở và ngành công nghiệp này có nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh và ổn định trong dài hạn.
Theo đó, Longfor Group Holdings tăng 3% và China Overseas Land và Development tăng 1,3%.
Trong khi đó, China Merchants Bank tăng 4,3% l và nhà phát triển bất động sản China Resources Land tăng 2,3%.
Đáng kể khác là Baidu tăng 3,7% sau khi truyền thông đưa tin công nghệ trí tuệ nhân tạo của công ty này sẽ được áp dụng cho các sản phẩm mới của Apple.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi các nhà sản xuất chip nhích lên theo chân các cổ phiếu cùng ngành đêm qua trên Phố Wall.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 19,52 điểm, tương đương 0,71%, lên 2.757,09 điểm.
Các cổ phiếu chip như nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 2,17% và SK Hynix tăng 4,25%.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô và ngân hàng, được coi là những cổ phiếu tăng mạnh nhất từ nỗ lực cải cách doanh nghiệp của chính phủ, cũng tăng tích cực với Hyundai Motor tăng 0,42% và nhà sản xuất ô tô anh em Kia Corp tăng 2,6%.
Kết thúc phiên 26/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 16,09 điểm (-0,04%), xuống 40.398,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,18 điểm (+0,17%), lên 3.031,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 144,68 điểm (+0,88%), lên 16.618,32 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 19,52 điểm (+0,71%), lên 2.757,09 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn “khủng”
Mùa đại hội cổ đông ngân hàng gần kề, các nhà băng đua nhau lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế..>> Chi tiết
- Lãi vay giảm, doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp
Doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp để vay vốn, trong khi ngân hàng “thà dư vốn còn hơn quỳ lạy đòi nợ”, dẫn đến dòng chảy tín dụng chậm lại..>> Chi tiết
- Quyền chọn cổ tức, nhất cử lưỡng tiện
Quyền chọn cổ tức là một công cụ tiên tiến giúp giải quyết bài toán mà nhiều doanh nghiệp và Nhà nước đang gặp phải. Nên chăng hoặc là các doanh nghiệp chủ động đề xuất khi có nhu cầu hoặc là các cơ quan quản lý chủ động xây dựng hành lang pháp lý hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai..>> Chi tiết
- Cổ phiếu cao su: "Tạm ứng tương lai"
Mặc dù hoạt động kinh doanh còn khó khăn, nhưng nhờ giá cao su thiên nhiên tăng cao, giá cổ phiếu nhóm này thời gian qua có diễn biến tăng “nóng”..>> Chi tiết
- Hàn Quốc muốn tăng sức ảnh hưởng của won trên thị trường tài chính toàn cầu
Khi Hàn Quốc đang tìm cách nâng cao vị thế của đồng won trên thị trường tài chính toàn cầu, thì những biện pháp quản lý là điểm khó đối với các nhà đầu tư trong nước..>> Chi tiết