Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán khởi động năm mới đầy hứng khởi

VN-Index lập đỉnh mới; Vàng còn dư địa tăng giá trong 2022; Chứng khoán, bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư vua; Những nhóm cổ phiếu được quan tâm năm 2022; Cơn sốt IPO trong năm 2022 sẽ dịu đi sau một năm bùng nổ... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 4/1 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày 31/12. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội hồi phục và tăng trở lại 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 60,90 – 61,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 28,4 USD xuống 1.801,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng ngừng rơi và hồi lên trên 1.807 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,21 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.134 đồng/USD, giảm 11 đồng so với ngày cuối năm 2021. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.640 – 22.920 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,40 USD (+0,53%), lên 76,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,39 USD (+0,49%), lên 79,37 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 46.400 USD, thì sang ngày hôm nay đã chủ yếu giằng co quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lập đỉnh mới ngay phiên đầu năm 2022

VN-Index lập đỉnh lịch sử của chính mình sau 21 năm hoạt động ngay trong phiên đầu tiên của năm mới, năm 2022.

Trong phiên hôm nay, riêng 2 cổ phiếu VIC và VHM đã đóng góp gần 10 điểm tăng cho VN-Index trong tổng số hơn 28 điểm tăng mà sàn HOSE có được.

Điểm tích cực vẫn là nhóm VN30, với 25 mã tăng điểm đã xác nhận dòng tiền quay trở lại với các mã lớn. Thanh khoản của nhóm này đạt gần 9.500 tỷ đồng, và đây là phiên thứ ba giá trị giao dịch tăng liên tiếp.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 12,44 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 477,48 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/1: VN-Index tăng 27,30 điểm (+1,82%), lên 1.525,58 điểm; HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,02%), lên 474,1 điểm; UpCoM-Index tăng 1,03 điểm (+0,91%), lên 113,72 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng trong phiên ngày thứ Hai (03/1), khi giới đầu tư bước vào năm mới với đặt cược rằng nền kinh tế có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm Covid-19

Lợi suất trái phiếu Mỹ khởi sắc vào đầu năm mới với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 1,6%. Điều đó đã hỗ trợ nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng, với cổ phiếu Bank of America tiến 3,8%. Cổ phiếu Wells Fargo vọt 5,7% sau khi được Barclays nâng hạng.

Đáng chú ý, cổ phiếu Apple tăng 2,5% lên mức cao kỷ lục mới và đạt mức vốn hóa thị trường 3.000 tỷ USD, trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt được điều này và đã tăng gấp 3 lần giá trị trong vòng chưa đầy 4 năm.

Kết thúc phiên 3/1, chỉ số Dow Jones tăng 246,76 điểm (+0,68%), lên 36.585,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,38 điểm (+0,64%), lên 4.796,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 187,83 điểm (+1,20%), lên 15.832,80 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, khi các cổ phiếu lớn liên quan đến chip và ô tô khởi sắc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,77% lên 29.301,79 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,9% lên 2.030,22 điểm.

Nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip Tokyo Electron tăng 3,23% và đóng góp lớn nhất cho Nikkei 225, tiếp theo là Advantest tăng 3,67% và nhà sản xuất tấm wafer Shin-Etsu Chemical tăng 3,69%.

Các nhà sản xuất ô tô tăng 4,5%, trong đó Toyota vọt 6,13%, sau khi có tin rằng, Công ty đang có kế hoạch tung ra hệ điều hành của riêng có khả năng xử lý các hoạt động tiên tiến như lái xe tự động. Các mã khác như Honda Motor tăng 3,07% và Nissan Motor tăng 6,17%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm trong phiên giao dịch đầu tiên năm 2022, do sự suy yếu của cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,2% xuống 3.632,33 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,46% xuống 4.917,77 điểm.

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu mức giảm. Trong đó, Thị trường STAR kiểu Nasdaq của Thượng Hải mất 2,4%, trong khi chỉ số khởi nghiệp ChiNext giảm 1,3%.

Suy giảm tâm lý thị trường xảy ra sau khi cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc cho biết, sẽ thực hiện các quy định mới từ ngày 15/2, trong đó, có yêu cầu các công ty nền tảng có dữ liệu hơn 1 triệu người dùng phải trải qua một cuộc đánh giá bảo mật trước khi niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài.

Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, do sự yếu kém của cổ phiếu công nghệ đã được bù đắp nhờ đà phục hồi trong lĩnh vực bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,07% lên 23.289,84 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,11% xuống 8.180,16 điểm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng trở lại mạnh mẽ, với chỉ số phụ theo dõi tăng 2,8%, sau khi giảm 2,8% trong phiên trước.

Trong đó, cổ phiếu của China Evergrande Group đã có thời điểm tăng tới 10%, trước khi hạ nhiệt về cuối ngày +1,3%, sau khi cho biết lệnh của chính phủ phá dỡ 39 tòa nhà trên đảo nghỉ dưỡng Hải Nam sẽ không ảnh hưởng đến phần còn lại của dự án tại đó.

Chứng khoán Hàn Quốc ít thay đổi, khi sự lạc quan trong năm mới đã bù đắp cho việc đồng USD mạnh và các nhà đầu tư tổ chức tiếp tục bán bớt cổ phiếu sau ngày giao dịch không hưởng quyền.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,47 điểm, tương đương 0,02% lên 2.989,24 điểm.

“Các nhà đầu tư tổ chức tiếp tục bán ra kể từ ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức của nhiều công ty vào tuần trước, trong khi đồng USD mạnh lên đã hạn chế dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài,” nhà phân tích Lee Kyoung-min của Daishin Securities cho biết.

Kết thúc phiên 4/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 510,08 điểm (+1,77%), lên 29.301,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,45 điểm (-0,20%), xuống 3.632,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 15,09 điểm (+0,07%), lên 23.289,84 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 0,47 điểm (+0,02%), lên 2.989,24 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Vàng còn dư địa tăng giá trong 2022

Mặc dù các phiên cuối tháng 12/2021 giá vàng chỉ xoay quanh 1.800 USD/ounce và chưa tạo được sóng lớn so với mức 1.900 USD/ounce đã xác lập vào giữa năm 2021, song vàng vẫn được giới đầu tư chú ý trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tăng, tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp và lãi suất USD vẫn duy trì mức thấp..>> Chi tiết

- Chứng khoán, bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư vua

Năm 2022, lãi suất sẽ giữ ở mức thấp, khiến dòng tiền có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao. Chứng khoán và bất động sản là lựa chọn của giới đầu tư..>> Chi tiết

- Những nhóm cổ phiếu được quan tâm năm 2022

Các nhóm ngành kỳ vọng hưởng lợi từ kích thích kinh tế, đẩy mạnh giải ngân phát triển cơ sở hạ tầng và không ít ngành khác đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Trái phiếu doanh nghiệp năm 2022: Siết thị trường đi vào khuôn khổ

Gần 1,2 triệu tỷ đồng đang được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu. “Bom nợ” này có điểm rơi đáo hạn sau vài năm nữa, buộc cơ quan quản lý phải có nhiều động thái siết chặt..>> Chi tiết

- Cơn sốt IPO trong năm 2022 sẽ dịu đi sau một năm bùng nổ

Một số lượng kỷ lục các công ty thị trường mới nổi đã niêm yết vào năm 2021, tuy nhiên sức hấp dẫn của các cổ phiếu sau khi niêm yết đã giảm dần..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-chung-khoan-khoi-dong-nam-moi-day-hung-khoi-post288701.html