Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán loay hoay tìm hướng đi
VN-Index nhích nhẹ; Nhiều ngân hàng chịu áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận; Muôn kiểu xoay vốn của doanh nghiệp; Săn lãi kép từ doanh nghiệp trả cổ tức sớm; Lạm phát tăng trở lại có thể khiến Fed tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 15/9 tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 68,00 – 68,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 2,7 USD lên 1.910,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên trên 1.925 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,20 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.036 đồng/USD, tăng 23 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.085 – 24.425 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 26.600 USD thì sang phiên hôm nay đã chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,33 USD (+0,37%), lên 90,46 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,29 USD (+0,31%), lên 93,99 USD/thùng.
VN-Index hồi phục nhẹ
Sự khởi sắc của nhóm bluechip giúp VN-Index tăng lên gần 1.235 điểm từ sớm, nhưng VN-Index đã sớm “trở mặt” khi áp lực bán gia tăng đã đẩy chỉ số quay đầu đi xuống.
Dù vậy, lực cung chững lại đã giúp thị trường lấy lại cân bằng và thêm một lần bật lên sắc xanh, nhưng giao dịch vẫn thận trọng khiến VN-Index không thể đi xa hơn, đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 7,55 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 93,15 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 15/9: VN-Index tăng 3,55 điểm (+0,29%), lên 1.227,36 điểm; HNX-Index tăng 0,9 điểm (+0,36%), lên 252,76 điểm; UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,12%), lên 93,76 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên thứ Năm (14/9), nhờ động lực tâm lý tích cực từ phiên giao dịch đầu tiên của ARM.
Cổ phiếu của công ty thiết kế chip ARM vọt 24,7% trong phiên này và giúp hy vọng đợt chào bán công nghệ lớn nhất trong năm có thể khởi động một thị trường IPO vốn đang yên ắng.
Mặt khác, thị trường đón nhận dữ liệu về chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ, khi đã tăng 0,7% trong tháng 8, so với dự báo chỉ tăng 0,4% và trên cơ sở hàng năm ghi nhận tăng 1,6%, cao hơn so với ước tính tăng 1,2%.
Kết thúc phiên 14/9: Chỉ số Dow Jones tăng 331,58 điểm (+0,96%), lên 34.907,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,66 điểm (+0,84%), lên 4.505,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 112,47 điểm (+0,81%), lên 13.926,05 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, với cổ phiếu công nghệ dẫn đầu mức tăng sau phiên giao dịch đầu tiên khởi sắc của Arm Holdings thuộc SoftBank Group trên phố Wall đêm qua.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,1% lên 33.533,09 điểm và tăng 2,8% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 0,95% kết thúc ở mức 2.428,38 điểm và tăng 2,95% trong tuần.
"Trước hết, thị trường tăng vì Phố Wall mạnh. Đồng thời, sự ra mắt đầy tích cực của Arm đã nâng cao tâm lý nhà đầu tư và thúc đẩy họ mua cổ phiếu liên quan đến chip", Shoichi Arisawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư tại IwaiCosmo Securities, cho biết.
Cổ phiếu Arm của SoftBank Group được định giá gần 60 tỷ USD trong lần ra mắt Nasdaq mạnh mẽ chỉ sau một đêm, với cổ phiếu tăng gần 25% trong ngày giao dịch đầu tiên.
Cổ phiếu của SoftBank Group tại Nhật Bản đã có thời điểm tăng tới 5%, trước khi đóng cửa nhích 2,08%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản của nước này trở nên tồi tệ hơn trong tháng 8, ngay cả khi các dữ liệu khác của nền kinh tế cho thấy một số dấu hiệu ổn định hơn.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,28% xuống 3.117,74 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,66% xuống 3.708,78 điểm và giảm 0,8% trong tuần.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã vượt kỳ vọng trong tháng 8 nhờ nhu cầu trong nước cải thiện và dòng tiền hỗ trợ liên tục từ chính phủ đã giúp thúc đẩy sự phục hồi trong lĩnh vực này.
Sản lượng công nghiệp đã tăng 4,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy vào thứ Sáu. Số liệu này cao hơn kỳ vọng về mức tăng trưởng 4% và cao hơn mức tăng 3,7% trong tháng 7.
Mặc dù vậy, kết quả tích cực trong tháng 8 được thúc đẩy bởi cơ sở so sánh thấp, do trong tháng 8/2022 vẫn còn có nhiều vùng trong nước này vẫn bị phong tỏa do COVID.
Dữ liệu khác cũng cho thấy mức tiêu dùng của Trung Quốc đang phục hồi, với doanh số bán lẻ tăng 4,6% trong tháng 8, cao hơn nhiều so với kỳ vọng là 3% và mức tăng trưởng của tháng trước là 2,5%.
Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc cải thiện đôi chút, giảm xuống 5,2% trong tháng 8 từ mức 5,3% của tháng trước.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết họ sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) thêm 0,25% đối với tất cả các ngân hàng từ hôm nay, ngoại trừ những ngân hàng đã thực hiện tỷ lệ dự trữ 5%.
Nhưng các lĩnh vực bất động sản tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, với dữ liệu cho thấy giá nhà mới, đầu tư và bán bất động sản giảm sâu, nhấn mạnh rằng ngành này sẽ cần nhiều hỗ trợ hơn.
Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh nhất trong khoảng hai tuần sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm nay để bơm thêm thanh khoản vào hệ thống.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,75% lên 18.182,29 điểm, nhưng giảm 0,1% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,55% lên 6.309,59 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng tích cực và kết thúc tuần với hiệu suất tốt nhất trong hai tháng, khi các nhà đầu tư thở phào sau dữ liệu kinh tế Trung Quốc tốt hơn mong đợi.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 28,39 điểm, tương đương 1,10% lên 2.601,28 điểm. Chỉ số KOSPI tăng 2,1% trong tuần này.
Kết thúc phiên 15/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 364,99 điểm (+1,10%), lên 33.533,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,81 điểm (-0,28%), xuống 3.117,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 134,97 điểm (+0,75%), lên 18.182,89 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 28,39 điểm (+1,10%), lên 2.601,28 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Nhiều ngân hàng chịu áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận
Tín dụng tăng chậm dù lãi suất giảm, biên lãi ròng thu hẹp, thu nhập ngoài lãi khó tăng, nợ xấu có dấu hiệu tiếp tục tăng..., các yếu tố này đang tạo áp lực lên mục tiêu lợi nhuận năm 2023 của nhiều ngân hàng..>> Chi tiết
- Muôn kiểu xoay vốn của doanh nghiệp
Phát hành trái phiếu, cổ phiếu, thậm chí vay vốn từ công ty chứng khoán… là những cách thức các doanh nghiệp đang áp dụng để tạo nguồn vốn hoạt động..>> Chi tiết
- Săn lãi kép từ doanh nghiệp trả cổ tức sớm
Doanh nghiệp vừa trả cổ tức cao, vừa có sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh, giá cổ phiếu sẽ tăng, giúp nhà đầu tư hưởng lợi từ cổ tức và chênh lệch giá..>> Chi tiết
- Lạm phát tăng trở lại có thể khiến Fed tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay
Lạm phát nóng hơn dự kiến có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để ngỏ các lựa chọn tăng lãi suất trở lại vào tháng 11 hoặc tháng 12 sau khi dự kiến tạm dừng tăng lãi suất trong tháng này..>> Chi tiết