Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tiếp tục đi lùi

VN-Index tiếp tục giảm; Tỷ giá sẽ ổn định dần; Minh bạch phải là nhu cầu tự thân!; Áp lực ở ngưỡng 1.300 điểm; 'Rũ bỏ' lành mạnh…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/6 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 28,5 USD lên 2.332,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhanh về gần 2.315 USD, trước khi bật nhẹ lên vùng 2.320 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,53 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.259 đồng/USD, tăng 10 đồng so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.231 – 25.471 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ gần 66.100 USD lên 66.500 USD thì sang ngày hôm nay đã chững lại và lùi về gần 66.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,05 USD (+0,06%), lên 78,50 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 82,63 USD/thùng.

VN-Index tiếp tục giảm

Thị trường đã nhanh chóng lấy lại trạng thái cân bằng và VN-Index chỉ biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, diễn biến có chút kém khả quan của nhóm bluechip khiến chỉ số lùi về dưới tham chiếu và rung lắc, giằng co quanh 1.275 điểm cho đến khi đóng cửa.

Điểm tích cực chính là dòng tiền vẫn tham gia khá sôi động và trong phiên hôm nay đã trở lại với nhóm cổ phiếu thép, tiếp sức cho đà tăng mạnh của nhiều mã trong ngành.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 27,68 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 847,06 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/6: VN-Index giảm 5,14 điểm (-0,4%), xuống 1.274,77 điểm; HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,33%), xuống 243,16 điểm; UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 98,09 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên thứ Sáu (14/6), khi giới đầu tư chậm lại sau những báo cáo về lạm phát, tiêu dùng và niềm tin kinh doanh trong tuần.

Báo cáo khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 6 giảm còn 65,6 điểm, giảm từ mức 69,1 điểm trong tháng 5 và thấp hơn nhiều so với dự báo 71,5 điểm.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,5%, nhưng S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,6% và 3,2% trong tuần.

Kết thúc phiên 14/6: Chỉ số Dow Jones giảm 57,91 điểm (-0,15%), xuống 38.589,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,14 điểm (-0,04%), xuống 5.431,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 21,32 điểm (+0,12%), lên 17.688,88 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, khi tâm lý thận trọng dâng cao bởi lo ngại về tăng trưởng kinh tế cả trong và ngoài nước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,8% xuống 38.102,44 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,7% xuống 2.700,01 điểm.

Gần như tất cả 33 nhóm ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đều giảm, dẫn đầu là sự sụt giảm 3,5% của bất động sản.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô giảm 2,6%, với Toyota Motor giảm gần 3%, khi vẫn đang chịu ảnh hưởng từ bê bối chứng nhận gần đây. Đài truyền hình quốc gia NHK đưa tin Toyota sẽ gia hạn tạm dừng sản xuất đối với các mẫu xe bị ảnh hưởng thêm ít nhất một tháng đến cuối tháng 7.

Chủ tịch Toyota và gia đình Akio Toyoda đang phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cho nhiệm kỳ tiếp theo trong cuộc họp cổ đông thường niên vào thứ Ba.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi loạt dữ liệu yếu kém hơn dự kiến và lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản chính đối với nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,55% xuống 3.015,89 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,15% xuống 3.536,20 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 5 của Trung Quốc tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với tốc độ 6,7% trong tháng 4 và thấp hơn kỳ vọng tăng 6% của các nhà phân tích.

Điểm tích cực là doanh số bán lẻ trong tháng 5 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức tăng 2,3% trong tháng 4 và đánh dấu mức đà tăng nhanh nhất kể từ tháng 2, và cao dự báo tăng 3% của các nhà phân tích.

Mặc dù vậy, giá nhà mới của Trung Quốc tiếp tục giảm, với tốc độ nhanh nhất trong hơn 9 năm vào tháng 5, cho thấy lĩnh vực bất động sản đang vẫn đang vật lộn để hồi phục, bất chấp những nỗ lực của chính phủ để kiềm chế tình trạng dư cung và hỗ trợ các nhà phát triển đang có dư nợ lớn.

Trong một động thái khác, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt kỳ hạn một năm ở mức 2,5%, dập tắt hy vọng nới lỏng tiền tệ khi nền kinh tế đang gặp thách thức hồi phục do cuộc khủng hoảng bất động sản.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, khi dữ liệu bán lẻ của Trung Quốc mang lại điểm sáng trong một loạt các số liệu kinh tế không mấy khả quan, mặc dù sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế khi căng thẳng thương mại gia tăng với Liên minh châu Âu (EU).

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng không đáng kể lên 17.942,15 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,03% lên 6.376,84 điểm.

Tim Waterer, Giám đốc phân tích thị trường tại KCM Trade, cho biết: “Số liệu doanh số bán lẻ ở Đại lục tốt hơn cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang phục hồi. Nhưng các con số sản xuất công nghiệp đáng thất vọng và là lời nhắc nhở rằng con đường phục hồi nền kinh tế của Trung Quốc vẫn còn gập ghềnh”.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, với các công ty thương mại điện tử kéo lùi, trong khi các nhà đầu tư thận trọng trước các chỉ số kinh tế chính sẽ công bố vào cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 14,32 điểm, tương đương 0,52%, xuống 2.744,10 điểm.

Cổ phiếu Naver Search và Kakao lần lượt giảm 2,2% và 3,42%, khiến lĩnh vực dịch vụ trở thành chỉ số phụ giảm mạnh nhất.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết dữ liệu kinh tế của Mỹ, chẳng hạn như doanh số bán lẻ, sẽ là động lực thị trường được theo dõi chặt chẽ nhất trong tuần này. Trong khi Hàn Quốc sẽ công bố dữ liệu xuất khẩu 20 ngày đầu tháng 6 vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 15/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 712,12 điểm (-1,83%), xuống 38.102,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,74 điểm (-0,55%), xuống 3.015,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,66 điểm (-0,03%), xuống 17.936,12 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 14,32 điểm (-0,52%), xuống 2.744,10 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá sẽ ổn định dần

Dù còn áp lực trong ngắn hạn, nhưng tỷ giá được dự báo sẽ dần đi vào ổn định trong thời gian tới, nhất là khi giá vàng trong nước đang được kéo gần với thế giới..>> Chi tiết

- Minh bạch phải là nhu cầu tự thân!

Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam 2024 vừa được tổ chức là một trong những sản phẩm mới nhất nằm trong định hướng tăng cường nội dung đa phương tiện với hàm lượng thông tin chuyên sâu có tính phân tích, dự báo cao mà Báo Đầu tư đang theo đuổi để thích ứng với sự thay đổi trong cách mà bạn đọc “tiêu thụ” thông tin..>> Chi tiết

- Áp lực ở ngưỡng 1.300 điểm

Sau 2 ngày VN-Index ở trên ngưỡng 1.300 điểm, chỉ số chung trong phiên cuối tuần qua đã lùi xuống dưới 1.280 điểm..>> Chi tiết

- “Rũ bỏ” lành mạnh

VN-Index lại thêm một tuần “lỡ hẹn” với mốc 1.300 điểm, dù có những thời điểm thị trường tạo được cảm giác vượt ngưỡng này một cách vững vàng..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-chung-khoan-tiep-tuc-di-lui-post347517.html