Thị trường tài chính 24h: Cơ hội trên thị trường chứng khoán từ nay cho đến cuối năm rất sáng
VN-Index tăng nhẹ; 'Lãi suất cho vay sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động'; Chọn cổ phiếu, thay vì chọn ngành!; Nhận diện động lực nửa cuối năm; Goldman Sachs: Thị trường dầu có nguy cơ thiếu nguồn cung…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 25/6 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 12,6 USD lên 2.334,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt và lùi về gần 2.325 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,51 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.253 đồng/USD, giảm 9 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.245 – 25.465 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ gần 63.800 USD xuống 60.200 USD thì sang ngày hôm nay đã hồi phục dần và lên 61.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,32 USD (-0,39%), xuống 81,31 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,36 USD (-0,42%), xuống 85,65 USD/thùng.
VN-Index tăng nhẹ
Sau những nỗ lực hồi phục bất thành vào cuối phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều nới thêm đôi chút đà giảm và lùi về sát mốc 1.250 điểm.
Tại ngưỡng điểm này, lực cầu tìm đến một số cổ phiếu bluechi giúp VN-Index bật tăng nhanh lên gần 1.260 điểm, nhưng đứng trước áp lực bán thường trực, thị trường nhanh chóng quay trở lại trạng thái giằng co, rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 1.255 điểm cho đến khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 12,1 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 663,35 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 25/6: VN-Index tăng 2,44 điểm (+0,19%), lên 1.256,56 điểm; HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,19%), lên 240,19 điểm; UpCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,23%), xuống 98,83 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tiếp tục chia đôi ngả trong phiên thứ Hai (24/6), khi Dow Jones tăng tích cực, còn S&P 500 và Nasdaq Composite chịu sức ép bởi cổ phiếu Nvidia tiếp tục lùi bước.
Cổ phiếu Nvidia lao dốc, mất 6,7% và ghi nhận ngày giảm ngày thứ ba liên tiếp, khi giới đầu tư tiếp tục có động thái chốt lời những cổ phiếu liên quan đến ngành bán dẫn và AI.
Trong khi đó, Dow Jones được hỗ trợ bởi các công ty lớn như JPMorgan Chase tăng 1,3%, hay như Goldman Sachs và Chevron khi đều tăng hơn 2%.
Kết thúc phiên 24/6: Chỉ số Dow Jones tăng 260,88 điểm (+0,67%), lên 39.411,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,75 điểm (-0,31%), xuống 5.447,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 192,54 điểm (-1,09%), xuống 17.496,82 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng, khi các nhà đầu tư chuyển trọng tâm sang cổ phiếu giá trị, trong khi đồng yên yếu hơn cũng hỗ trợ cho các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,95% lên 39.173,15 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 15/4. Chỉ số Topix tăng 1,72% lên 2.787,37 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư có phần tránh xa các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo và chip, sau khi Nvidia của lao dốc đêm qua trên phố Wall và khiến chỉ số Philadelphia SE Semiconductor giảm 3,02%.
Theo đó, Disco Corp giảm 5,5% và là cổ phiếu giảm lớn nhất trên Nikkei 225, trong khi Tokyo Electron giảm 1,7%.
Trong khi đó, đồng yên yếu hơn tiếp tục hỗ trợ các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu với Toyota Motor dẫn đầu khi, tăng 4,6%.
Các nhà đầu tư cũng chọn cổ phiếu giá trị so với cổ phiếu bảo hiểm tăng 4,3% và dẫn đầu mức tăng trong số các chỉ số phụ.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, bị kéo lùi bởi cổ phiếu bán dẫn, khi các nhà đầu tư chờ đợi một số dữ liệu quan trọng để tìm kiếm dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,44% xuống 2.950,00 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,54% xuống 3.457,90 điểm.
Trong số các cổ phiếu chính, SMIC giảm 3,6%, kéo dài đà giảm sau khi Bộ Tài chính Mỹ trình bày chi tiết các kế hoạch được đề xuất để hạn chế đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực chip và công nghệ AI tại Trung Quốc.
Mặt khác, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các chỉ số kinh tế sắp tới, với sản lượng công nghiệp tháng 5 và tháng 6. Những dữ liệu này có thể cung cấp những manh mối quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và định hình các chuyển động thị trường trong tương lai.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, hồi phục sau liên tiếp ba ngày giảm và kỳ vọng gia tăng về việc cắt giảm lãi suất ở Mỹ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,25% lên 18.072,90 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,36% lên 6.464,49 điểm.
Cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc tăng, với Longfor Group Holdings tăng 2,9% và China Resources Land tăng 1,9%.
Trong số các cổ phiếu tăng mạnh khác, Mengniu Dairy tăng 4,5% và China Unicom tiến 2%.
"Chứng khoán Hồng Kông vẫn hấp dẫn và có tỷ lệ rủi ro-lợi nhuận (R/R) cao, trong bối cảnh kỳ vọng cải thiện về các nguyên tắc cơ bản trong tương lai", Kong Rong, nhà phân tích tại Tianfeng Securities, cho biết.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi các nhà giao dịch lạc quan trước Hội nghị Bộ trưởng Tài chính song phương của nước này với Nhật Bản.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 9,66 điểm, tương đương 0,35% lên 2.774,39 điểm.
Kết thúc phiên 25/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 368,50 điểm (+0,95%), lên 39.173,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,10 điểm (-0,44%), xuống 2.950,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 45,19 điểm (+0,25%), lên 18.072,90 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 9,66 điểm (+0,35%), lên 2.774,39 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- “Lãi suất cho vay sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động”
Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup..>> Chi tiết
- Chọn cổ phiếu, thay vì chọn ngành!
Trong bối cảnh thị trường cả trong và ngoài nước đang ở vùng trũng thông tin, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút ròng, tìm nhóm doanh nghiệp ngành nào an toàn và có khả năng mang lại lợi nhuận tốt để bỏ vốn trong nửa cuối năm đang là câu hỏi lớn với nhiều nhà đầu tư cá nhân, tổ chức…>> Chi tiết
- Nhận diện động lực nửa cuối năm
Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán từ nay cho đến cuối năm rất sáng, nhất là các nhóm ngành đi theo sự hồi phục kinh tế..>> Chi tiết
- Goldman Sachs: Thị trường dầu có nguy cơ thiếu nguồn cung vì còn 10 năm nữa nhu cầu mới đạt đỉnh
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung do vẫn còn phải đến một thập kỷ nữa để nhu cầu dầu đạt đỉnh..>> Chi tiết