Thị trường tài chính 24h: Đà tăng ngắn hạn của cổ phiếu bất động sản đang yếu dần

VN-Index tiếp tục nhích nhẹ; Lãi suất có thể giảm tiếp, nhưng không mạnh; Bank - chứng – thép khó làm 'lớn chuyện'; Cần kiên nhẫn với 'cổ đất'; Điểm cốt lõi để chợ trái phiếu hoạt động tốt; Đường cong lợi suất của Mỹ đảo ngược sâu nhất kể từ năm 1981…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 5/7 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,35 – 66,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 4 USD lên 1.925,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ xoay nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,19 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.823 đồng/USD, tăng 9 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.550 – 23.920 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 31.100 USD, thì sang phiên hôm nay đã giảm khá mạnh và về 30.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,49 USD (+2,13%), lên 71,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,12 USD (-0,20%), xuống 76,10 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ

Dòng tiền tiếp tục luân chuyển và nhóm cổ phiếu chứng khoán trở nên yếu đà, thay vào đó là những con sóng khác tiếp sức cho đà tăng của thị trường.

Bên cạnh dòng tiền chưa đủ mạnh để giúp VN-Index bật cao và chạm được vùng đỉnh mới 1.140 điểm trong năm nay, áp lực bán có chút gia tăng về cuối phiên khiến thị trường thu hẹp biên độ. Sàn HOSE may mắn giữ sắc nhờ diễn biến tích cực ở một số cổ phiếu bluechip ngược dòng thị trường.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 0,55 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 164,61 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 5/7: VN-Index tăng 2,62 điểm (+0,23%), lên 1.134,62 điểm; HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,4%) xuống 227,84 điểm; UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,14%), xuống 85,41 điểm.

Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày Quốc khánh.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư chốt lời sau một đợt tăng gần đây, với Fast Retailing gây áp lực lớn nhất khi công bố doanh số tháng 6 giảm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 mất 0,25% xuống 33.338,70 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,01% xuống 2.306,03 điểm.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing giảm 2,54% và là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, sau khi báo cáo doanh số bán hàng giảm 3,4% trong tháng 6.

Trái lại, cổ phiếu Daiichi Sankyo tăng 6,82% để trở thành cổ phiếu tăng hàng đầu trên Nikkei 225 sau khi giảm gần 15% trong phiên trước đó.

Công ty vận tải biển Kawasaki Kisen Kaisha tăng 5,58% và nâng ngành vận tải biển tăng 3,42% và là ngành hoạt động tốt nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động dịch vụ của nước này chỉ tăng với tốc độ chậm nhất trong 5 tháng vào tháng Sáu, trong khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang cũng làm sứt mẻ tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,69% xuống 3.222,95 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,77% xuống 3.868,81 điểm.

S&P Global và Caixin cho biết chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 6/2023 chỉ đạt 50,5 điểm, so với mức 50,9 điểm của tháng 5/2023.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cũng vừa công bố chỉ số PMI ngành sản xuất chính thức của nước này trong tháng 6/2023 là 49 điểm, so với mức 48,8 điểm của tháng 5/2023.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tuần này, nhưng căng thẳng leo thang trong không gian công nghệ, với việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu hai kim loại sản xuất chip và Washington được cho là hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây đã đè nặng lên tâm lý rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, cổ phiếu của một số công ty kim loại Trung Quốc đã tăng phiên thứ hai do lo ngại về nguồn cung có thể khiến giá của hai kim loại này tăng cao hơn.

Theo đó, các cổ phiếu như Yunnan Lincang, Xinyuan Germanium Industry Co và Yunnan Chihong Zinc &; Germanium Co đều tăng 10%. Trong khi chỉ số ngành đất hiếm tăng 3,4%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau khi Goldman Sachs hạ cấp một số ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,57% xuống 19.110,38 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 6.489,94 6.613,40 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông giảm 3,6% sau khi Goldman Sachs hạ cấp một số ngân hàng.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc giảm 1,9%, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc mất 2,9%. Ngân hàng Công nghiệp giảm 0,5%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do dữ liệu đáng báo động của Trung Quốc và sự thận trọng trước biên bản cuộc họp của Fed vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 14,31 điểm, tương đương 0,55% xuống 2.579,00 điểm.

Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tăng với tốc độ chậm nhất trong 5 tháng vào tháng 6, một cuộc khảo sát độc lập cho thấy, khi nhu cầu suy yếu đè nặng lên đà phục hồi sau đại dịch.

Kết thúc phiên 5/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 83,82 điểm (-0,25%), xuống 33.338,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,40 điểm (-0,69%), xuống 3.222,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 305,30 điểm (-1,57%), xuống 19.110,38 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 14,31 điểm (-0,55%), xuống 2.579,00 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất có thể giảm tiếp, nhưng không mạnh

Mặt bằng lãi suất được nhận định sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng dồi dào, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn chậm và Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất điều hành lần thứ năm trong quý III/2023..>> Chi tiết

- Bank - chứng – thép khó làm “lớn chuyện”

Trước khi bước vào nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tháng 6, thị trường chứng khoán đã có sóng hồi phục khá tốt, trong đó các cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép không nằm ngoài xu hướng chung. Tuy vậy, khó có thể kỳ vọng sóng tăng mạnh của bộ ba này trong ngắn hạn..>> Chi tiết

- Cần kiên nhẫn với "cổ đất"

Nhiều thông tin đang hỗ trợ cho cổ phiếu bất động sản như các giải pháp gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án, thị trường trái phiếu đã ổn định hơn và dòng tiền tiếp tục đổ vào các cổ phiếu bất động sản có tên tuổi trong nửa cuối tháng 6 với kỳ vọng thị trường địa ốc đang tạo đáy để bước vào chu kỳ mới. Nhưng đà tăng giá ngắn hạn đang yếu dần..>> Chi tiết

- Điểm cốt lõi để chợ trái phiếu hoạt động tốt

Nhà đầu tư cần được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và tình hình tài chính của tổ chức phát hành. Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Hoạt, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS)..>> Chi tiết

- Đường cong lợi suất của Mỹ đảo ngược sâu nhất kể từ năm 1981 cho chúng ta biết điều gì?

Kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để chế ngự lạm phát cao đã khiến đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đảo ngược sâu nhất kể từ năm 1981 vào thứ Hai (3/7), một lần nữa làm nổi bật điều mà nhiều nhà đầu tư xem là tín hiệu suy thoái kinh tế..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-da-tang-ngan-han-cua-co-phieu-bat-dong-san-dang-yeu-dan-post325210.html