Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền trên thị trường chứng khoán gần đây tỏ ra thận trọng
VN-Index lao dốc; Lãi vay mua nhà khó sớm giảm; Thị trường có thể chịu tác động tâm lý từ những tin đồn chưa kiểm chứng; Dòng tiền chờ nhập cuộc; Nhận diện cơ hội đầu tư mới; Trái phiếu chính phủ Trung Quốc kém hấp dẫn nhà đầu tư ngoại là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 13/2 giảm 150.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,45 – 67,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng 3,8 USD lên 1.865,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt và lùi về gần 1.855 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,74 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.628 đồng/USD, tăng 2 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.430 – 23.770 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua nhích nhẹ dần lên 22.900 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giằng co nhẹ, trước khi có nhịp giảm về gần 22.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,11 USD (-1,39%), xuống 78,61 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,12 USD (-1,30%), xuống 85,27 USD/thùng.
VN-Index lao dốc
Áp lực bán dần gia tăng từ sớm, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng khiến VN-Index thủng mốc 1.050 điểm.
Diễn biến có phần tiêu cực hơn sau giờ nghỉ trưa, khi lực bán lan rộng với gánh nặng lớn đến từ nhóm bluechip đã đẩy VN-Index mất gần 25 điểm về sát 1.030 điểm khi bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, với số mã nằm sàn la liệt.
Khi VN-Index có dấu hiệu lao dốc quá đà, vượt ra ngoài dải Bollinger Bands ở khu vực 1.034 điểm, lực cầu đã tham gia khá tốt trong đợt khớp lệnh ATC, giúp thị trường bật hồi và lấy lại vùng 1.040 điểm.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4,96 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 55,61 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 13/2: VN-Index giảm 11,6 điểm (-1,1%), xuống 1.043,7 điểm; HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,92%) xuống 204,49 điểm; UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,18%) xuống 77,2 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall phân hóa nhẹ trong phiên thứ Sáu (10/2), khi nhà đầu tư đã xem xét đợt nâng lãi suất gần đây nhất, dữ liệu kinh tế và những nhận định gần đây từ các quan chức Fed.
Đáng chú ý nhất trong phiên này là cổ phiếu nền tảng gọi xe Lyft bốc hơi hơn 36%, sau báo cáo tài chính quý IV/2022 gây thất vọng.
Những báo cáo kinh doanh mới nhất về một quý mà Phố Wall xem là kém hiệu quả. Với gần 70% công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận, khoảng 70% trong số đó có lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Trong tuần, Dow Jones mất 0,17%, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,11% và 2,41%
Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Dow Jones tăng 169,39 điểm (+0,50%), lên 33.869,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,96 điểm (+0,22%), lên 4.090,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 71,46 điểm (-0,61%), xuống 11.718,12 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do các cổ phiếu công nghệ lớn chịu ảnh hưởng của chỉ số Nasdaq trên Phố Wall trong phiên trước đó, trong khi cổ phiếu của các công ty có triển vọng thu nhập mờ nhạt cũng đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,88% xuống 27.427,32 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,47% xuống 1.977,67 điểm.
Cổ phiếu các công ty công nghệ đều giảm, như nhà sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron giảm 4,39%, trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, theo sau là Advantest giảm 1,57%, trong khi SoftBank Group mất 1,12%.
Ở những nơi khác, cổ phiếu Shiseido giảm 3,97% sau khi nhà sản xuất mỹ phẩm dự báo lợi nhuận ròng trong năm giảm 18%.
Tương tự, Olympus mất 2,25% sau khi nhà sản xuất thiết bị y tế hạ dự báo lợi nhuận ròng hàng năm.
Mức giảm bị hạn chế khi Honda Motor tăng 4,54%, sau khi nhà sản xuất ô tô này công bố lợi nhuận hoạt động trong quý thứ ba tăng 22% so với dự kiến.
Chứng khoán Trung Quốc tăng khi nhu cầu tín dụng hồi phục mạnh trong tháng 1 đã nâng cao tâm lý thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,72% lên 3.284,16 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,91% lên 4.143,57 điểm.
Các khoản cho vay ngân hàng mới ở Trung Quốc đã tăng vọt hơn dự kiến lên mức kỷ lục 4,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (720,21 tỷ USD) trong tháng 1, khi ngân hàng trung ương nước này tìm cách khởi động sự phục hồi của nền kinh tế lớn sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch khắc nghiệt.
"Dữ liệu tín dụng mạnh cho thị trường thấy hy vọng rằng tài chính xã hội dần chạm đáy và nền kinh tế sẽ phục hồi", các nhà phân tích tại China Merchants Securities cho biết và kỳ vọng thị trường cổ phiếu hạng A sẽ được thúc đẩy trong ngắn hạn.
Cổ phiếu của các công ty liên quan đến người tiêu dùng theo đó dẫn đầu mức tăng, với các công ty du lịch tăng 3,3% và các nhà sản xuất rượu tăng 3,9%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Nomura cảnh báo rằng, các khoản vay hộ gia đình vẫn giảm trong bối cảnh doanh số bán nhà và ô tô mới giảm, điều này có khả năng làm suy yếu khả năng mở rộng tín dụng trong tương lai.
Chứng khoán Hồng Kông bấp bênh trước căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,12% xuống 21.164,42 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,26% lên 7.144,45 điểm.
Chính quyền Joe Biden mới đây có kế hoạch cấm hoàn toàn đầu tư vào một số công ty công nghệ Trung Quốc và tăng cường giám sát những công ty khác, các nguồn tin nói với Reuters.
Trong khi đó, không khí bí ẩn địa chính trị được thêm vào bởi tin Không quân Mỹ đã bắn hạ một vật thể bay gần biên giới Canada, vật thể bay thứ tư bị bắn hạ trong tháng này.
Các quan chức từ chối cho biết liệu nó có giống với quả khinh khí cầu lớn màu trắng của Trung Quốc bị bắn rơi hồi đầu tháng hay không.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp, do cảnh báo rằng dữ liệu lạm phát của Mỹ vào cuối tuần này có thể làm suy yếu những hy vọng về việc kết thúc sớm chiến dịch thắt chặt của Fed.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 17,03 điểm, tương đương 0,69% xuống 2.452,70 điểm.
Phiên này, cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 0,16% và SK Hynix mất 3,1%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 3,69%.
Kết thúc phiên 13/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 243,66 điểm (-0,88%), xuống 27.427,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,49 điểm (+0,72%), lên 3.284,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 26,00 điểm (-0,12%), xuống 21.164,42 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 17,03 điểm (-0,69%), xuống 2.452,70 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lãi vay mua nhà khó sớm giảm
Lãi suất cao đang là rào cản đối với người có nhu cầu vay vốn mua nhà, cũng như ảnh hưởng đến khả năng trả nợ khoản vay cũ..>> Chi tiết
- Thị trường có thể chịu tác động tâm lý từ những tin đồn chưa kiểm chứng
Nếu chỉ số không retest thành công MA 20 hoặc thậm chí không giữ vững hỗ trợ 1.050 điểm, khi đó pha giảm sẽ quay trở lại với nền hỗ trợ quan trọng là khu vực 1.000 điểm..>> Chi tiết
- Dòng tiền chờ nhập cuộc
Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất huy động là một trong những thông tin tích cực, nhưng dòng tiền trên thị trường chứng khoán gần đây tỏ ra thận trọng..>> Chi tiết
- Nhận diện cơ hội đầu tư mới
Các chuyên gia đã chỉ ra một số cơ hội đầu tư tại tọa đàm về chủ đề này do Báo Đầu tư tổ chức ngày 7/2..>> Chi tiết
- Trái phiếu chính phủ Trung Quốc kém hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Các nhà đầu tư toàn cầu đang giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc, một kênh đầu tư sinh lời an toàn ổn định trong những năm diễn ra đại dịch Covid-19..>> Chi tiết