Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào các mã nhỏ

VN-Index tăng điểm nhẹ; Lạc quan tín dụng cuối năm; Chuyện margin; Cơ hội đầu tư nửa cuối năm; BOJ tăng lãi suất và sẵn sàng thu hẹp gói kích thích tiền tệ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 31/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 77,00 – 79,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 27,1 USD lên 2.410,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,17 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 31/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.255 đồng/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.080 – 25.420 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 66.800 xuống 66.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã ngừng rơi và giằng co nhẹ quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,03 USD (+2,72%), lên 76,76 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,88 USD (+2,39%), lên 80,51 USD/thùng.

VN-Index hồi lên trên 1.250 điểm

Thị trường tăng điểm từ sớm lên vùng 1.255 điểm với trợ lực từ các bluechip sau kết quả kinh doanh quý II khả quan, cùng dòng tiền bắt đáy chảy mạnh vào các mã vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, thị trường không khi nào là dễ đoán, lực bán đã nhanh chóng được tung vào cuối phiên, đẩy VN-Index lùi về sát tham chiếu theo hình răng cưa trước khi bật nhẹ trở lại lên trên 1.250 điểm khi đóng cửa.

Như vậy, tính chung cả tháng 7 này, chỉ số VN-Index chỉ nhích nhẹ 6,19 điểm, tương đương +0,49%.

Kết thúc phiên giao dịch 31/7: VN-Index tăng 6,45 điểm (+0,52%), lên 1.251,51 điểm; HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,22%), xuống 235,36 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,18 điểm (-0,19%), xuống 95,07 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (30/7), ảnh hưởng bởi các cổ phiếu chip và megacap.

Microsoft, được coi là công ty đi đầu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo, sẽ công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua sau khi thị trường đóng cửa. Cổ phiếu của công ty này đã giảm gần 1%.

Các cổ phiếu megacap khác như Amazon.com, Meta Platforms, Tesla cũng giảm từ 0,5% đến 4%, khi các nhà đầu tư kiềm chế đặt lệnh mua trước khi các công ty trên cũng công bố kết quả kinh doanh trong tuần.

Đáng chú ý khác là Nvidia giảm 7%, ảnh hưởng mạnh đến chỉ số bán dẫn Philadelphia SE Semiconductor giảm 3,88%.

Kết thúc phiên 30/7: Chỉ số Dow Jones tăng 200 điểm (+0,50%), lên 40.743,33 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,10 điểm (-0,50%), xuống 5.436,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 222,42 điểm (-1,28%), xuống 17.147,42 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều tăng mạnh, sau khi ngân hàng trung ương nước này quyết định tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,49% lên 39.101,82 điểm, khi trước đó có lúc giảm 1,5% trong phiên. Chỉ số Topix tăng 1,45% lên 2.794,26 điểm.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JBG) ngắn hạn tăng lên mức cao nhất trong 15 năm và cổ phiếu ngân hàng tăng vọt, sau khi khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định tăng lãi suất lần thứ hai kể từ năm 2007.

Theo đó, Lợi suất JGB kỳ hạn 2 năm đã tăng tới 8 điểm cơ bản (bps) lên 0,45% lần đầu tiên kể từ tháng 4/2009. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm tăng 8 bps lên 0,665%, cao nhất kể từ tháng 11/2009.

Chỉ số ngành ngân hàng tăng 4,7% khi lãi suất cao hơn hứa hẹn sẽ cải thiện biên lợi nhuận của ngành này.

Trong đó, Resona Holdings là cổ phiếu ngân hàng hoạt động tốt nhất trên Nikkei 225 với mức tăng 6,7%, trong khi Mizuho Financial Group tăng 5,1% và Sumitomo Mitsui Financial Group tăng 4,5%.

Cổ phiếu của các nhà xuất khẩu cũng phục hồi sau khi đồng đảo chiều giảm về ổn định quanh mức 153 yên/USD.

Cổ phiếu ngành bán dẫn cũng đảo chiều tăng về cuối phiên giao dịch, với gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 7,4% và Screen Holdings tăng 9,2%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, khi khả năng cao sẽ có thêm những hỗ trợ chính sách mới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,06% lên 2.938,75 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 2,16% lên 3.442,08 điểm.

Sự phục hồi của thị trường diễn ra sau tuyên bố từ cuộc họp Bộ Chính trị trong tuần này với cam kết ưu tiên thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và đề cập đến "điều chỉnh ngược chu kỳ", đề xuất các biện pháp nới lỏng hơn nữa.

Trong một động thái khác, Trung Quốc đã thông báo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống còn 49,4 điểm trong tháng 7 so với mức 49,5 điểm của tháng 6.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự kiến trong quý hai, với lĩnh vực tiêu dùng là mối quan tâm đặc biệt.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng do áp lực giảm phát buộc các doanh nghiệp phải giảm giá mọi thứ, từ ô tô và thực phẩm đến quần áo.

Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh, sau khi dữ liệu PMI yếu kém của Trung Quốc đã giúp tăng kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,25% lên 17.383,25 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,28% lên 6.123,00 điểm.

Các nhà kinh tế của Nomura cho biết rằng, chỉ số PMI yếu cho thấy khả năng nền kinh tế sẽ suy thoái trong nửa cuối năm, sau mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong quý II vừa qua tại Trung Quốc. Họ nói thêm rằng điều đó có thể giúp Bắc Kinh có thêm lý do để tăng cường các biện pháp kích thích chính sách hơn nữa để vực dậy nền kinh tế.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng sau khi Samsung Electronics công bố kết quả kinh doanh tích cực và kỳ vọng gia tăng vào việc Fed có thể bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất từ tháng 9.

Đóng cửa, chỉ số Kospi tăng 32,50 điểm, tương đương 1,19% lên 2.770,69 điểm.

Gã khổng lồ chip Samsung Electronics đã báo cáo lợi nhuận 10,44 nghìn tỷ won trong quý vừa qua, tăng mạnh so với mức 668,5 tỷ won cùng kỳ năm trước, được thúc đẩy bởi nhu cầu chip gia tăng.

Trọng tâm bây giờ chuyển sang quyết định chính sách của Fed vào thứ Tư (giờ Mỹ) và kết quả thu nhập của các công ty Big Tech, như Apple và Amazon trong tuần này, các nhà phân tích cho biết.

Kết thúc phiên 31/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 575,87 điểm (+1,49%), lên 39.101,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 59,45 điểm (+2,06%), lên 2.938,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 341,69 điểm (+2,01%), lên 17.344,60 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 32,50 điểm (+1,19%), lên 2.770,69 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lạc quan tín dụng cuối năm

Số liệu của NHNN cho biết, đến cuối tháng 6 đã đạt 6% so với đầu năm sau những tháng tăng trưởng âm và hồi phục chậm chạp. Điều này phản ánh nhiều doanh nghiệp giảm hoặc tạm dừng hoạt động trong bối cảnh áp lực gia tăng, bất ổn chính sách trong nước kéo dài, đồng VND và nhu cầu toàn cầu suy yếu..>> Chi tiết

- Cơ hội đầu tư nửa cuối năm

Với tình hình quốc tế và trong nước nêu trên, chúng ta có thể kỳ vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3 - 6,8% và cả năm có thể đạt 6,3 - 6,5%..>> Chi tiết

- Chuyện margin

Sự hồi phục của VN-Index vào những phiên cuối tuần qua giúp không ít nhà đầu “thở phào”, nhưng câu chuyện giao dịch ký quỹ (margin) vẫn còn nhiều dư âm..>> Chi tiết

- BOJ tăng lãi suất và sẵn sàng thu hẹp gói kích thích tiền tệ

Hôm thứ Tư (31/7), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất chủ chốt và dự báo lạm phát sẽ duy trì quanh mức mục tiêu 2% trong những năm tới, báo hiệu quyết tâm trong việc dần chấm dứt một thập kỷ kích thích tiền tệ khổng lồ..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-dong-tien-van-dang-chay-manh-vao-cac-ma-nho-post350489.html