Thị trường tài chính 24h: Giá vàng thế giới áp sát mức cao lịch sử

VN-Index về gần 1.280 điểm; Thúc công ty bảo hiểm lên sàn; Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức cận trên từ 6,5 - 7%; Lạm phát của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 44,1 USD lên 2.415,4 USD/ounce, không xa mức đỉnh lịch sử tại trên 2.450 USD/ounce thiết lập vào tháng 5 vừa qua. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt đôi chút về quanh 2.405 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,37 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.248 đồng/USD, giảm 5 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.240 – 25.460 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang và dừng lại ở 57.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã yếu đà và lùi về sát 57.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,89 USD (+1,08%), lên 83,51 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,73 USD (+0,85%), lên 86,09 USD/thùng.

VN-Index tiếp tục giảm

VN-Index tiếp tục trạng thái rung lắc nhẹ rồi khép lại phiên sáng giảm nhẹ với thanh khoản ảm đạm.

Thị trường vẫn “đìu hiu” trong phần còn lại của phiên, dù áp lực bán có chút dâng cao khiến VN-Index nới nhẹ biên độ giảm và đóng cửa gần 1.280 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 18,54 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 767,96 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/7: VN-Index giảm 3,05 điểm (-0,24%), xuống 1.280,75 điểm; HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,15%), xuống 245,02 điểm; UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,18%), xuống 98,14 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Năm (11/7), với Nasdaq Composite giảm mạnh khi giới đầu tư chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ trong ngày dữ liệu CPI quan trọng được công bố.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 đã giảm 0,1% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng 3%, thấp hơn so với dự báo trước đó của giới phân tích là 3,1%.

Cổ phiếu các công ty giá trị nhất Phố Wall vẫn mất điểm, với Microsoft, Amazon và Apple mất hơn 2%, Meta Platforms giảm khoảng 4%, trong khi Nvidia giảm gần 6% và đáng kể khác là Tesla giảm tới 8,4%.

Kết thúc phiên 11/7: Chỉ số Dow Jones tăng 32,39 điểm (+0,08%), lên 39.753,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 49,37 điểm (-0,88%), xuống 5.584,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 364,04 điểm (-1,95%), xuống 18.283,41 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và lực bán chốt lời sau khi tăng lên mức cao kỷ lục mới trong phiên trước đó.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,45% xuống 41.190,68 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,18% xuống 2.894,56 điểm.

Gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron là lực cản lớn nhất đối với chỉ số, khi để mất 6,2%, trong khi cổ phiếu cùng ngành là Disco là cổ phiếu giảm mạnh nhất trên Nikkei 225, giảm 8,8%.

Bất chấp áp lực bán tháo, Nikkei 225 vẫn tăng khoảng 1,15% trong tuần này, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục mới 42.426,77 điểm vào thứ Năm.

Các cổ phiếu giảm khác là SoftBank Group, giảm 4,4%, sau khi công bố mua lại nhà sản xuất chip Graphcore. Một cổ phiếu lớn khác là Fast Retailing, giảm 4,9%.

Chứng khoán Trung Quốc ít thay đổi, khi dữ liệu xuất nhập khẩu chia đôi ngả trong tháng 6 vừa qua.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,03% lên 2.971,30 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,12% lên 3.472,40 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy rằng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 8,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức dự báo tăng 8% của giới phân tích và cao hơn mức tăng 7,6% trong tháng 5.

Tuy nhiên, nhập khẩu đạt mức thấp nhất trong 4 tháng, giảm 2,3% so với mức tăng dự báo 2,8% và mức tăng 1,8% của tháng trước, cho thấy sự mong manh của tiêu dùng nội địa.

Chứng khoán Hồng Kông thêm một phiên tăng mạnh, do lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,51% lên 18.279,92 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,45% lên 6.527,98 điểm.

Li Lifeng, chiến lược gia tại Huaxi Securities ở Thượng Hải, cho biết: “Việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ mở ra cơ hội cho các chính sách tiền tệ phù hợp hơn ở Trung Quốc nhằm củng cố kỳ vọng về sự phục hồi tăng trưởng kinh tế”.

Tâm lý cũng được cải thiện nhờ một báo cáo chính thức cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua tốt hơn dự kiến.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các cổ phiếu chip bao gồm Samsung Electronics và SK Hynix theo chân các công ty cùng ngành ở Phố Wall đêm qua suy yếu.

Đóng cửa, Chỉ số KOSPI giảm 34,35 điểm, tương đương 1,19%, xuống 2.857,00 điểm.

Trong số cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 3,65% và SK Hynix mất 3,3%, trong khi pin cổ phiếu LG Energy Solution giảm 10,53%.

Hai cổ phiếu ngành ô tô Hyundai Motor giảm 2,51% và hãng xe liên quan Kia Corp mất 0,82%.

Kết thúc phiên 12/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.033,34 điểm (-2,45%), xuống 41.190,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,91 điểm (+0,03%), lên 2.971,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 431,20 điểm (+2,42%), lên 18.263,53 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 34,35 điểm (-1,19%), xuống 2.857,00 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thúc công ty bảo hiểm lên sàn

Tính tới cuối năm 2023, toàn thị trường có 81 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đang hoạt động, thế nhưng mới có 12 doanh nghiệp phi nhân thọ và tái bảo hiểm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán..>> Chi tiết

- Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức cận trên từ 6,5 - 7%

Chính phủ yêu cầu nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5 - 7%, lạm phát dưới 4,5% và thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội..>> Chi tiết

- Lạm phát của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Dữ liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt vào tháng 6 tạo thêm tiền đề cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm nay..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-gia-vang-the-gioi-ap-sat-muc-cao-lich-su-post349295.html