Thị trường tài chính 24h: Kỳ vọng cầu vốn trở lại trong các quý tới

VN-Index tăng hơn 9 điểm; Tín dụng dần sáng hơn; Tìm cơ hội trong giai đoạn thị trường tích lũy; Mỏ neo quý III; BIS cảnh báo nợ công tăng cao trước các cuộc bầu cử quan trọng…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 1/7 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm nhẹ 1,1 USD xuống 2.326,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và đi ngang quanh ngưỡng 2.325 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,57 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 4.252 đồng/USD, giảm 8 đồng so với ngày cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.244 – 25.464 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 60.900 USD lên 61.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã có nhịp tăng vọt lên trên 63.500 USD, trước khi hạ nhiệt về 62.900 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,43 USD (+0,53%), lên 81,97 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,43 USD (+0,51%), lên 85,43 USD/thùng.

VN-Index hồi phục với thanh khoản yếu

Trạng thái giằng co chiếm ưu thế chủ đạo trong gần như toàn bộ thời gian giao dịch của phiên, trong bối cảnh thanh khoản cạn kiệt.

Điểm nhấn chỉ đến từ cuối phiên, khi VN-Index có nhịp bật tăng từ tham chiếu lên gần 1.255 điểm khi đóng cửa. Tuy nhiên, Thanh khoản trở thành nỗi lo khi giảm mạnh, rơi xuống mức thấp nhất kể từ phiên 29/1/2024 và thuộc top 5 phiên thấp nhất kể từ đầu năm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 17,21 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 770,53 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 1/7: VN-Index tăng 9,24 điểm (+0,74%) lên 1.254,56 điểm; HNX-Index tăng 0,98 điểm (+0,41%) lên 238,56 điểm; UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,24%), xuống 97,3 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên thứ Sáu (28/6), khi dữ liệu giá tiêu dùng cá nhân đang chậm lại.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE tháng 5 của Mỹ được công bố gần như không thay đổi so với tháng trước và tăng 2,6% trên cơ sở hàng năm. Trong khi chỉ số PCE lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, chỉ tăng 0,1% trong tháng 5.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,1%, S&P 500 giảm gần 0,1%, Nasdaq Composite tăng 0,2%.

Trong tháng 6, Dow Jones tăng 1,1%, S&P 500 tăng 3,5%, Nasdaq Composite tăng 6%.

Trong quý II, Dow Jones giảm 1,7%, S&P 500 tăng 3,9%, Nasdaq Composite tăng 8,3%.

Trong nửa đầu năm 2024, Dow Jones tăng 3,8%, S&P 500 tăng 14,5%, Nasdaq Composite tăng tới 18,1%.

Kết thúc phiên 28/6: Chỉ số Dow Jones giảm 45,20 điểm (-0,12%), xuống 39.118,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,39 điểm (-0,41%), xuống 5.460,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 126,08 điểm (-0,71%), xuống 17.732,60 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, sau khi cuộc khảo sát thường niên Tankan của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thúc đẩy kỳ vọng về việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,12% lên 39.631,06 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,52% lên 2.824,28 điểm.

"Kết quả của tankan của BOJ cho thấy các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng giá sản phẩm và lạm phát sẽ đi lên. Điều đó làm dấy lên kỳ vọng rằng BOJ sẽ sớm tăng lãi suất trở lại”, Shuutarou Yasuda, nhà phân tích thị trường tại Tokai Tokyo Intelligence Laboratory, cho biết.

Trong một diễn biến khác, Nhật Bản đã điều chỉnh dữ liệu GDP quý đầu tiên, khi giảm 2,9%, cao hơn so với thông báo trước đó là giảm 1,8%, phản ánh sự thay đổi trong các đơn đặt hàng xây dựng.

Trong khi đó, GDP thực tế trong quý IV/2023 cũng được điều chỉnh xuống mức tăng trưởng 0,1%, thấp hơn so với mức tăng 0,4% trong ước tính sơ bộ trước đó, trong khi GDP thực tế trong quý III/2023 được điều chỉnh xuống mức giảm 4% so với cùng kỳ vốn trước đó được ước tính giảm 3,7%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất của nước này tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,92% lên 2.994,73 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,48% lên 3.478,18 điểm.

Chỉ số PMI sản xuất Caixin/S&P Global của Trung Quốc đã tăng lên 51,8 điểm trong tháng 6 từ mức 51,7 trong tháng trước, đánh dấu tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2021 và vượt qua dự báo của các nhà phân tích là 51,2 điểm.

Tuy nhiên, số liệu theo công bố của Caixin hôm 1/7 trái ngược với PMI chính thức do giới chức nước này đưa ra cuối tuần trước. Theo đó, sản xuất của Trung Quốc lại đi xuống tháng thứ 2 liên tiếp.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày trở về Đại lục.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi cổ phiếu pin và dược phẩm sinh học tăng vọt sau dữ liệu kinh tế mạnh mẽ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 6,49 điểm, tương đương 0,23% lên 2.804,31 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc tăng tháng thứ 9 liên tiếp vào tháng Sáu, mặc dù với tốc độ chậm hơn dự báo, nhờ nhu cầu được cải thiện đối với mặt hàng chip và ô tô.

Trong khi đó, tăng trưởng hoạt động nhà máy của Hàn Quốc cũng cho thấy sự tăng tốc trong tháng Sáu với mức tốt nhất trong 26 tháng, khi các đơn đặt hàng mới tăng vọt.

Các cổ phiếu nổi bật là nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 6,28% và Samsung SDI tăng 3,67%, trong khi nhà sản xuất dược phẩm sinh học Samsung Biologics và Celltrion tăng lần lượt 4,4% và 5,62%.

Kết thúc phiên 1/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 47,98 điểm (+0,12%), lên 39.631,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,33 điểm (+0,92%), lên 2.994,73 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 6,49 điểm (+0,23%), lên 2.804,31 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng dần sáng hơn

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế nửa đầu năm còn yếu, song với mặt bằng lãi vay duy trì mức thấp, nền kinh tế trên đà hồi phục, thị trường bất động sản dự báo ấm dần…, kỳ vọng cầu vốn trở lại trong các quý tới..>> Chi tiết

- Tìm cơ hội trong giai đoạn thị trường tích lũy

Thị trường chứng khoán vừa trải qua những phiên thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index đã có nhịp điều chỉnh sau một thời gian tích lũy trên 1.280 điểm..>> Chi tiết

- Mỏ neo quý III

Sau phiên giao dịch giảm điểm mạnh đầu tuần trước, VN-Index nỗ lực phục hồi các phiên sau đó nhưng giao dịch trong thế giằng co, thanh khoản duy trì ở mức thấp..>> Chi tiết

- BIS cảnh báo nợ công tăng cao trước các cuộc bầu cử quan trọng

Hôm Chủ nhật (30/6), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo rằng mức nợ chính phủ gia tăng trong bối cảnh một số cuộc bầu cử lớn trong năm nay có thể làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-ky-vong-cau-von-tro-lai-trong-cac-quy-toi-post348546.html