Thị trường tài chính 24h: Nửa cuối năm, chứng khoán sẽ tiếp mạch tăng trưởng
VN-Index tăng điểm nhẹ; Lập sàn vàng, dân sẽ nhanh chóng chán vàng miếng chuyển sang cầm vàng giấy?; Kỳ vọng tiếp mạch tăng; 'Cổ đất' chờ vào sóng; Chờ khối ngoại mua ròng; Các ngân hàng trung ương lớn sẵn sàng nới lỏng tiền tệ… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/7 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng mạnh 34,4 USD lên 2.391,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều và giảm mạnh về 2.370 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,90 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.243 đồng/USD, giảm 3 đồng so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.235 – 25.455 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 57.900 USD xuống 57.100 USD, thì sang ngày hôm nay đã có lúc rơi về 54.500 USD, trước khi có tín hiệu hồi phục và lên trên 57.700 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,94 USD (-1,13%), xuống 82,22 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,82 USD (-0,95%), xuống 85,72 USD/thùng.
VN-Index tăng nhẹ
Cũng như những phiên gần đây, thị trường tiếp tục rung lắc nhẹ khi VN-Index đang trong vùng đỉnh cũ 1.280-1.290 điểm. Dù thanh khoản cải thiện, nhưng tâm lý giao dịch vẫn thận trọng và diễn biến phân hóa của các nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn là những diễn biến chủ đạo trên thị trường.
Đóng cửa, thị trường vẫn giữ được kịch bản cũ khi VN-Index bảo toàn được sắc xanh và xác nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp dù mức tăng khá hạn chế.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 69,74 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 2.426,34 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 8/7: VN-Index tăng 0,52 điểm (+0,04%), lên 1.283,56 điểm; HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,35%), lên 243,15 điểm; UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,32%), lên 98,58 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (5/7), khi bản báo cáo việc làm mới nhất đã nâng cao kỳ vọng vọng cắt giảm lãi suất.
Nền kinh tế đã có thêm 206.000 việc làm mới trong tháng 6, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 4,1%. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ duy trì ở mức 4%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm sau khi nhận được báo cáo trên nhờ kỳ vọng rằng sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp sẽ thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất/
Trong tuần, Dow Jones tăng 0,7%, S&P 500 tăng gần 2% và Nasdaq Composite tăng 3,5%,
Kết thúc phiên 5/7: Chỉ số Dow Jones tăng 67,87 điểm (+0,17%), lên 39.37587 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,17 điểm (+0,54%), lên 5.567,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 164,46 điểm (+0,90%), lên 18.352,76 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do lực bán chốt lời gia tăng sau khi chỉ số chính đạt mức cao kỷ lục mới trong phiên.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,32% xuống 40.780,70 điểm, sau khi đạt hơn 41.100 điểm trong phiên. Chỉ số Topix giảm 0,57% xuống 2867,61 điểm.
Có cảm giác rằng cổ phiếu đã bị mua quá mức và các nhà đầu tư đã tìm cách chốt lời sau khi các chỉ số chính tăng năm ngày liên tiếp và đạt mức cao kỷ lục mới gần đây, Maki Sawada, chiến lược gia cổ phiếu tại Nomura Securities cho biết
Chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp, trong bối cảnh kinh tế phục hồi yếu, căng thẳng địa chính trị gia tăng và dòng vốn nước ngoài chảy ra ngày càng tăng.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,93% xuống 2.922,45 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,85% xuống 3.401,76 điểm.
Một cuộc khảo sát khu cho thấy hoạt động dịch vụ của Trung Quốc đã chỉ tăng với tốc độ chậm nhất trong 8 tháng và niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất 4 năm vào tháng Sáu.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại có dấu hiệu tăng nhiệt, sau khi Trung Quốc đã công bố bước tiếp theo trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu nhập khẩu từ châu Âu vào thứ Sáu.
Áp lực bán ròng cũng khiến thị trường giảm, khi số liệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13,9 tỷ nhân dân tệ (1,91 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc tính từ đầu tháng, sau khi bán ra 44,5 tỷ nhân dân tệ (6,12 tỷ USD) vào tháng Sáu
Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, trong bối cảnh rủi ro căng thẳng thương mại Trung Quốc - EU có thể leo thang.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,65% xuống 17.505,09 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,58% xuống 6.281,58 điểm.
Bộ thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ tổ chức một phiên điều trần chống bán phá giá liên quan đến rượu nhập khẩu từ EU vào tuần tới.
Trong khi đó, đại sứ EU Jorge Toledo chỉ trích Trung Quốc cố ý khiến quan hệ hai bên thêm căng thẳng và cho rằng hình ảnh của Trung Quốc ở châu Âu đã bị ảnh hưởng do những hành động liên quan đến cuộc chiến Ukraine.
Fang Yi, nhà phân tích tại Guotai Junan Securities ở Thượng Hải, cho biết: “Môi trường có lợi cho ngoại thương của Trung Quốc có thể thay đổi và điều đó sẽ khiến nhu cầu bên ngoài sụt giảm”.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, sau khi tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 4,47 điểm, hoặc tương đương 0,16% xuống 2.857,76 điểm, sau khi chạm mức cao nhất kể từ cuối năm tháng 1/2022 trong phiên trước.
Cổ phiếu Samsung Electronics tăng 0,34% lên 87.400 won/cổ phiếu, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 25/1/2021. Tuần trước, nhà sản xuất chip tăng 6,9% nhờ lợi nhuận ước tính cao hơn dự báo cho quý II.
Kết thúc phiên 8/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 131,67 điểm (-0,32%), xuống 40.780,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,48 điểm (-0,93%), xuống 2.922,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 275,55 điểm (-1,55%), xuống 17.524,06 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,47 điểm (-0,16%), xuống 2.857,76 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lập sàn vàng, dân sẽ nhanh chóng chán vàng miếng chuyển sang cầm vàng giấy?
Chuyên gia cho rằng, nên thí điểm thành lập sàn vàng 3-5 năm để giảm nắm giữ vàng vật chất và để huy động vàng trong dân. Tuy vậy, sàn vàng phải được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng bị lợi dụng như thời gian trước đây..>> Chi tiết
- Kỳ vọng tiếp mạch tăng
Nửa cuối năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ tiếp mạch tăng trưởng là nhận định chung của nhiều thành viên thị trường..>> Chi tiết
- “Cổ đất” chờ vào sóng
Ngày 1/8 tới, ba sắc luật liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ chính thức có hiệu lực, sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu. Thông tin được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp cũng như nhóm cổ phiếu ngành này..>> Chi tiết
- Chờ khối ngoại mua ròng
Thị trường vừa ghi nhận một tuần hồi phục mạnh khi VN-Index có 5 phiên tăng liên tiếp, “vá” lại mức giảm của tuần trước đó, nhờ sự hạ nhiệt mức bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài và sự dẫn dắt của các cổ phiếu trụ có sức ảnh hưởng lớn đến chỉ số chung như VCB, BID, CTG..>> Chi tiết
- Các ngân hàng trung ương lớn sẵn sàng nới lỏng tiền tệ
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ không còn để việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chần chừ hạ lãi suất ảnh hưởng tới quyết định nới lỏng tiền tệ của mình trong thời gian tới..>> Chi tiết