Thị trường tài chính 24h: Tín dụng được dự báo khó chảy mạnh trong quý đầu năm
VN-Index chỉ còn giảm nhẹ; Tín dụng khó chảy mạnh do áp lực lãi vay cao; Cổ phiếu thủy sản, dệt may: Cần thận trọng và kiên trì; Đề xuất 'gán nợ' trái phiếu doanh nghiệp; Phục hồi thị trường trái phiếu: Ngân hàng sẽ giữ vai trò 'giải cứu' thanh khoản?; Các quan chức Fed quyết tâm tiếp tục kiểm soát lạm phát thông qua tăng lãi suất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 22/2 giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,30 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 8,7 USD xuống 1.825,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 1.830 USD, nhưng cũng nhanh chóng lùi về quanh 1.825 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,64 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.641 đồng/USD, đứng nguyên so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.650 – 23.990 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 23.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và lên trên 24.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,26 USD (+0,35%), lên 74,19 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,25 USD (+0,31%), lên 80,85 USD/thùng.
VN-Index hãm đà rơi
Thị trường nhanh chóng thủng mốc 1.050 điểm ngay khi mở cửa và lùi tiếp xuống gần 1.040 điểm (MA100) và tiếp tục về sát ngưỡng 1.030 điểm trong phiên chiều. Khi nhà đầu tư đang nghĩ đến một thảm kịch rằng đà bán tháo sẽ lan rộng khiến thị trường chứng kiến một phiên lao dốc mạnh, thì bất ngờ được kéo thẳng đứng lên đường MA50, đóng cửa dạng mô hình nến Doji chuồn chuồn.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 37,06 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 674,66 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 23/2: VN-Index giảm nhẹ 0,62 điểm (-0,06%), xuống 1.053,66 điểm; HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,31%), xuống 209,31 điểm; UPCoM-Index chỉ còn giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,06%), xuống 77,4 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư (22/2) do các nhà đầu tư giao dịch thận trọng,kể cả khi biên bản cuộc họp gần nhất của Fed được công bố cho thấy một số bất ngờ.
Biên bản cuộc họp của Fed đã cho thấy gần như tất cả các quan chức Fed đáng ngạc nhiên đã đồng ý giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,25%.
Cũng có sự ủng hộ vững chắc cho niềm tin rằng rủi ro lạm phát cao vẫn là "yếu tố chính" sẽ định hình chính sách tiền tệ và việc tăng lãi suất là cần thiết và duy trì ở mức cao "cho đến khi lạm phát rõ ràng trên đà đạt mức 2%”.
Thông điệp như vậy mang lại một số bất ngờ, nhờ mức độ diều hâu không quá gay gắt so với những gì Fed và các thống đốc đã truyền tải trong những tuần gần đây, và chứng khoán nhìn chung ổn định sau khi biên bản được công bố, sau khi giao dịch bấp bênh vào đầu phiên.
Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Dow Jones giảm 84,50 điểm (-0,26%), xuống 33.045,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,29 điểm (-0,16%), xuống 3.991,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 14,77 điểm (+0,13%), lên 11.507,07 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.
Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu kinh tế, trong khi căng thẳng địa chính trị làm sứt mẻ tâm lý thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,11% xuống 3.287,48 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,08% xuống 4.103,65 điểm.
Những lo ngại về địa chính trị gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc và Nga cam kết tăng cường quan hệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết "bảo vệ từng tấc đất của NATO theo đúng nghĩa đen".
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết “Nền kinh tế Trung Quốc đang ổn định và cải thiện dần, nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức. Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp để thúc đẩy kỳ vọng của thị trường và củng cố đà tăng trưởng”.
Các nhà phân tích cho biết, thị trường của Trung Quốc đã bị “khuất phục” khi các nhà đầu tư đang chờ đợi công bố dữ liệu kinh tế trong hai tháng đầu tiên cũng như hướng dẫn chính sách mới tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) vào tháng 3.
Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm, ngay cả khi bộ trưởng tài chính thông báo các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế hậu Covid.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,35% xuống 20.351,35 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,40% lên 6.8 điểm.
Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông Paul Chan hôm thứ Tư đã công bố các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID.
"Tôi tin rằng nền kinh tế Hồng Kông sẽ phục hồi rõ rệt trong năm nay và tôi vẫn lạc quan," Chan nói.
Chứng khoán Hàn Quốc nhích lên, dẫn đầu là các nhà sản xuất chip lớn, khi ngân hàng trung ương của nước này giữ lãi suất ổn định và cho rằng chiến dịch thắt chặt tiền tệ đã kết thúc, trừ khi lạm phát tăng đột biến.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 21,41 điểm, tương đương 0,80% lên 2.439,09 điểm.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết chiến dịch thắt chặt tiền tệ mà họ bắt đầu từ 18 tháng trước sẽ không tiếp tục nếu lạm phát đi theo con đường dự kiến hướng tới sự điều tiết.
Phiên này, cổ phiếu nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 1,47% và SK Hynix tăng 4,04% nhờ nhận định của Nvidia về nhu cầu chip ngày càng tăng nhờ các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI).
Kết thúc phiên 23/2: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,67 điểm (-0,11%), xuống 3.287,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 72,49 điểm (-0,35%), xuống 20.351,35 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 21,41 điểm (+0,89%), lên 2.439,09 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tín dụng khó chảy mạnh do áp lực lãi vay cao
Mặt bằng lãi suất cao là rào cản lớn đối với người cần vốn, nên tín dụng được dự báo khó chảy mạnh trong quý đầu năm nay..>>Chi tiết
- Cổ phiếu thủy sản, dệt may: Cần thận trọng và kiên trì
Một số ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng giá cổ phiếu tăng giảm đan xen với biên độ lớn, bởi trước mắt vẫn còn không ít khó khăn..>> Chi tiết
- Đề xuất “gán nợ” trái phiếu doanh nghiệp
Vấn đề lớn nhất mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt là tìm hướng giải quyết 3 bên khi người dân không mặn mà với việc mua nhà, doanh nghiệp chật vật tìm vốn để trả nợ trái phiếu, còn ngân hàng cũng lo sốt vó về nguy cơ nợ xấu..>> Chi tiết
- Phục hồi thị trường trái phiếu: Ngân hàng sẽ giữ vai trò “giải cứu” thanh khoản?
Không có chuyện ngân hàng tham gia “giải cứu” trái phiếu doanh nghiệp, song sự vào cuộc một cách có chọn lọc của ngân hàng có vai trò lớn trong việc kiến tạo thanh khoản, giúp thị trường hồi sinh..>> Chi tiết
- Các quan chức Fed quyết tâm tiếp tục kiểm soát lạm phát thông qua tăng lãi suất
Biên bản cuộc họp được công bố hôm thứ Tư (22/2) cho thấy các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp gần đây nhất đã chỉ ra rằng có những dấu hiệu lạm phát đang giảm xuống, nhưng không đủ để chống lại nhu cầu tăng lãi suất nhiều hơn..>> Chi tiết