Thị trường tài chính 24h: Tín dụng được kỳ vọng tăng cao trong nửa cuối năm
VN-Index điều chỉnh nhẹ; Duy trì lãi vay thấp hỗ trợ cho vay; Sức hút cổ phiếu khu công nghiệp; Lọc cơ hội đầu tư nửa cuối năm; Thị trường biến động gây thêm áp lực buộc các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 8/8 giảm 500.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 76,50 – 78,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 7,2 USD xuống 2.382,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên 2.400 USD, trước khi lùi nhẹ về 2.395 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,10 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.262 đồng/USD, tăng 12 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.980 – 25.320 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 57.000 xuống 56.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục và lên trên 57.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,57 USD (-0,76%), xuống 74,66 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,62 USD (-0,79%), xuống 77,71 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều giảm nhẹ
Sau phiên sáng tăng điểm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều đã thêm một lần đảo chiều với sắc đỏ quay trở lại chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Trong khi lực cung cũng gia tăng ở nhóm bluechip đã khiến VN-Index lùi về dưới tham chiếu và chỉ khi lùi về gần ngưỡng 1.200 điểm mới bật trở lại, nhưng sức cầu hạn chế chỉ giúp chỉ số này thu hẹp đà giảm khi đóng cửa.
Kết thúc phiên giao dịch 8/8: VN-Index giảm 7,56 điểm (-0,62%), xuống 1.208,32 điểm; HNX-Index giảm 1,22 điểm (-0,54%), xuống 226,73 điểm; UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,1%), lên 92,12 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm trong phiên thứ Tư (7/8), khi cổ phiếu công nghệ suy yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm nhích lên càng khiến tâm lý lo ngại gia tăng trên thị trường.
Chỉ số công nghệ S&P mất 1,4% và là lực cản lớn nhất đối với chỉ số. Trong đó, các tên tuổi như Nvidia giảm 5,1%, Super Micro Computer mất tới hơn 20% sau khi kết quả lợi nhuận quý vừa qua không đạt kỳ vọng, trong khi Tesla cũng mất 4,4% và cổ phiếu Meta Platforms giảm 1%.
Kết thúc phiên 7/8: Chỉ số Dow Jones giảm 234,21 điểm (-0,60%), xuống 38.763,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 40,53 điểm (-0,77%), xuống 5.199,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 17105 điểm (-1,05%), xuống 16.195,81 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật giảm khi cổ phiếu chip theo chân đà đi xuống của nhóm cổ phiếu cùng ngành đêm qua trên Phố Wall.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,74% xuống 34.831,15 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,11% xuống 2.461,7 điểm.
Các cổ phiếu chip như Tokyo Electron giảm 0,4% và nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest giảm 4% gây áp lực lớn đối với chỉ số.
Đáng chú ý là cổ phiếu Fuji Soft tăng 20%, sau khi truyền thông đưa tin quỹ đầu tư KKR &Co của Mỹ có kế hoạch M&A trị giá khoảng 600 tỷ yên (4,09 tỷ USD).
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, khi một số nhà đầu tư toàn cầu coi thị trường Trung Quốc là nơi trú ẩn an toàn bất chấp sự phục hồi nền kinh tế chững lại.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,002% lên 2.869,90 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,04% lên 3.342,94 điểm.
"Chúng tôi nghĩ rằng đợt điều chỉnh sâu vừa qua ở thị trường Nhật Bản đã tác động hạn chế đến cổ phiếu hạng A của Trung Quốc. Các quỹ đầu tư nhận thấy điều này và dự kiến dòng tiền ròng sẽ chảy trở lại”, các nhà phân tích tại Shanghai Securities cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng nhẹ, khi có những đồn đoán rằng các quỹ toàn cầu đang dịch chuyển dòng tiền sang các công ty Trung Quốc bị định giá thấp.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,08% lên 16.891,83 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,14% lên 5.941,47 điểm.
"Các tài sản liên quan đến Trung Quốc đang trở thành lựa chọn tốt hơn cho các nhà đầu tư, trong bối cảnh tình hình hỗn loạn toàn cầu do lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất có tần suất cao", Zhang Qiyao, một nhà phân tích tại Industrial Securities ở Thượng Hải cho biết.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi lực mua yếu dần trong khi sự thận trọng vẫn hiện diện trên thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Kospi mất 11,68 điểm, tương đương 0,45%, xuống 2.556,73 điểm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn phần lớn đều giảm, với Samsung Electronics giảm 1,74% và SK hynix giảm 3,5%. Hyundai Motor nhích 0,21% và Hyundai Mobis tăng 0,94%.
Kết thúc phiên 8/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 258,47 (-0,74%), xuống 34.831,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,07 điểm (+0,002%), lên 2.869,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 13,97 điểm (+0,08%), lên 16.891,83 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 11,68 điểm (-0,45%), xuống 2.556,73 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Duy trì lãi vay thấp hỗ trợ cho vay
Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đã đạt 6% theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng còn cách xa mục tiêu cả năm là 14%. Do đó, tín dụng được kỳ vọng tăng cao trong nửa cuối năm, cũng là thời điểm kinh doanh cao điểm trong năm..>> Chi tiết
- Sức hút cổ phiếu khu công nghiệp
Bất động sản khu công nghiệp được nhận định là nhóm có triển vọng sáng trong dài hạn khi hội tụ nhiều yếu tố tích cực..>> Chi tiết
- Lọc cơ hội đầu tư nửa cuối năm
Số liệu kinh tế vĩ mô quý II/2024 và 6 tháng đầu năm khá tích cực, như GDP quý II/2024 tăng trưởng 6,93%, xuất nhập khẩu tăng trưởng 2 chữ số, bán lẻ tiêu dùng tiếp đà phục hồi… đang tiếp sức cho dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn trong giai đoạn nửa cuối năm..>> Chi tiết
- Thị trường biến động gây thêm áp lực buộc các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ
Trong một năm mà các ngân hàng trung ương cân nhắc rủi ro lạm phát vẫn ở mức quá cao so với khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái, các nhà hoạch định chính sách hiện có một động lực mới để xem xét hạ lãi suất, khi thị trường tài chính bất ổn..>> Chi tiết