Thị trường tài chính 24h: Tỷ giá trong nước đang hạ nhiệt nhanh chóng
VN-Index thu hẹp đà giảm; Xử lý nợ xấu: Chờ cú huých từ thi hành án; Fed giảm lãi suất, thị trường Việt Nam sẽ ra sao?; VN-Index có thể bứt tốc trong tháng 9; Quyết định cắt giảm lãi suất của ECB sẽ trở nên khó khăn hơn…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 4/9 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 6,5 USD xuống 2.493 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm mạnh về dưới 2.470 USD, trước khi bật hồi lên 2.480 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,65 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.229 đồng/USD, tăng 5 đồng so với phiên ngày 30/8. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.675 – 25.015 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 58.300 xuống 57.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về 56.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,21 USD (-0,30%), xuống 70,13 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,34 USD (-0,46%), xuống 73,41 USD/thùng.
VN-Index thu hẹp đà giảm
Chịu ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài, VN-Index mở cửa giảm nhanh về dưới 1.270 điểm, nhưng đà giảm đã bị chặn lại sau đó và chỉ số dần hồi phục, thu hẹp đà giảm sau đó.
Sau giờ nghỉ trưa, mốc điểm trên thêm một lần bị xuyên thủng và tương tự như đầu phiên sáng, chỉ số đã bật trở lại vùng trên 1.275 điểm khi đóng cửa nhờ tự tin hơn của dòng tiền bắt đáy ở một số mã bluechip.
Kết thúc phiên giao dịch 4/9: VN-Index giảm 8,07 điểm (-0,63%), xuống 1.275,8 điểm; HNX-Index giảm 1,42 điểm (-0,6%), xuống 236,14 điểm; UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,44%), xuống 93,75 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ Ba (3/9), khi sức ép gia tăng lên nhóm cổ phiếu công nghệ.
Các cổ phiếu chip gây áp lực lớn với cổ phiếu Nvidia sụt hơn 9%. Cổ phiếu Micron, KLA và AMD cũng ghi nhận sắc đỏ trong phiên.
Mặt khác, dữ liệu kinh tế yếu cũng khiến thị trường chịu thêm áp lực, với PMI của S&P Global cho thấy hoạt động trong tháng 8 suy giảm so với tháng 7.
Kết thúc phiên 3/9: Chỉ số Dow Jones giảm 626,15 điểm (-1,51%), xuống 40.936,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 119,47 điểm (-2,12%), xuống 5.528,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 577,33 điểm (-3,26%), xuống 17.136,30 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh hơn 4%, khi các cổ phiếu liên quan đến chip chịu áp lực bán tháo lớn, trong khi dữ liệu sản xuất yếu của Mỹ cũng dấy lên lo ngại về một cuộc hạ cánh cứng của nền kinh tế.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 4,24% xuống 37.047,61 điểm. Chỉ số Topix giảm 3,65% xuống 2.633,49 điểm.
Tomochika Kitaoka, chiến lược gia cổ phiếu trưởng tại Nomura Securities, cho biết: "Thị trường đã trở nên thận trọng về tình trạng của nền kinh tế Mỹ và trạng thái này sẽ còn kéo dài cho đến khi dữ liệu về bảng lương phi nông nghiệp được thông báo vào thứ Sáu”.
Những gã khổng lồ liên quan đến Nvidia giảm mạnh, với Tokyo Electron và Advantest giảm lần lượt 8,55% và 7,74%, các cổ phiếu khác trong ngành chip cũng lao dốc, với Renesas Electronics giảm và Socionext giảm trên dưới 9%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng, khi chịu áp lực từ đợt sụt giảm toàn cầu, cũng như lo ngại về sức khỏe nền kinh tế khi dữ liệu mới được công bố tiếp tục cho thấy sự yếu kém.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,67% xuống 2.784,28 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,65% xuống 3.252,16 điểm.
Thêm một dấu hiệu khác của tăng trưởng chậm lại, ngành dịch vụ của Trung Quốc đã chững lại trong tháng 8 – tháng cao điểm du lịch mùa hè, với chỉ số nhà quản trị mua hàng tư nhân trong lĩnh vực này giảm xuống 51,6 điểm từ mức 52,1 điểm trong tháng 7.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, ảnh hưởng từ đợt bán tháo toàn cầu sau khi dữ liệu sản xuất yếu của Mỹ được công bố và đồng yên trú ẩn mạnh lên.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,26% xuống 17.429,94 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,19% xuống 6.129,57 điểm.
Phiên hôm nay, các nhà sản xuất dầu dẫn đầu đà giảm trên chứng khoán Hồng Kông sau khi giá giảm xuống khoảng 69 USD/thùng, mức thấp nhất trong năm., với PetroChina giảm 5,5% và CNOOC giảm 6,2%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm hơn 3%, cũng ảnh hưởng bởi các cổ phiếu chip và lo ngại gia tăng về suy thoái kinh tế tại Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 83,83 điểm, tương đương 3,15% xuống 2.580,80 điểm
Các gã khổng lồ chip như Samsung Electronics giảm 3,45% xuống mức chưa từng thấy kể từ tháng 11/2023 và SK Hynix giảm 8,02%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2024.
Kết thúc phiên 4/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.638,7 điểm (-4,24%), xuống 37.047,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,70 điểm (-0,67%), xuống 2.784,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 193,30 điểm (-1,10%), xuống 17.458,19 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 83,83 điểm (-3,15%), xuống 2.580,80 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Xử lý nợ xấu: Chờ cú huých từ thi hành án
Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Việc sửa đổi luật, văn bản dưới luật về công tác thi hành án kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, từ đó tháo gỡ phần nào khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, xử lý nợ xấu..>> Chi tiết
- Fed giảm lãi suất, thị trường Việt Nam sẽ ra sao?
Tỷ giá trong nước đang hạ nhiệt nhanh chóng khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất tới gần. Ngân hàng Nhà nước đang có nhiều động tác hỗ trợ thanh khoản hệ thống, nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng..>> Chi tiết
- VN-Index có thể bứt tốc trong tháng 9
Một trong những thông tin mà các nhà đầu tư quan tâm nhất giai đoạn hiện nay đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông điệp “đã đến lúc phải hạ lãi suất” và kỳ vọng lạm phát sẽ giảm về mức 2%. Rõ ràng, đây là thông tin tích cực, hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu..>> Chi tiết
- Quyết định cắt giảm lãi suất của ECB sẽ trở nên khó khăn hơn
Các quyết định giảm lãi suất xuống khoảng 3% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là sẽ gây tranh cãi hơn nhiều, mà nguyên nhân đến từ rủi ro lạm phát..>> Chi tiết