Thị trường tài chính, tiền tệ ghi dấu những gam màu sáng trong năm 2024

Thị trường tín dụng và chứng khoán tăng trưởng cao, thị trường bảo hiểm phục hồi… đã góp nên những gam màu sáng trong bức tranh tổng thể của kinh tế Việt Nam năm 2024.

Họp báo công bố số liệu Thống kê kinh tế-xã hội quý 4 và năm 2024, do Tổng cục thống kê tổ chức ngày 6/1. (Ảnh: Vietnam+)

Họp báo công bố số liệu Thống kê kinh tế-xã hội quý 4 và năm 2024, do Tổng cục thống kê tổ chức ngày 6/1. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 6/1, báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố đã phác họa bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 với nhiều khởi sắc.

Trong đó, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Cùng với đó, thị trường bảo hiểm đã dần phục hồi, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy những tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Trong năm, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm. Tính đến 30/11, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,44%/năm so với cuối năm 2023. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7%-9%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).

Bên cạnh đó, tỷ giá trung tâm năm 2024 cũng được Ngân hàng Nhà nước điều hành phù hợp với sự can thiệp ngoại tệ linh hoạt, hạn chế áp lực biến động bất thường đối với tỷ giá thị trường. Tính đến ngày 31/12, tỷ giá trung tâm VND/USD ở mức 24.355 đồng, tăng 1,97% so với thời điểm cuối năm 2023, cho thấy sự ổn định tương đối của tỷ giá.

Tính đến thời điểm 25/12, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,8%, cao hơn so với mức 11,5% cùng thời điểm năm trước. Tổng phương tiện thanh toán tăng 9,4% so với cuối năm 2023 và huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng số vốn giải ngân đạt 119,5 nghìn tỷ đồng với hơn 2,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội (đến hết ngày 31/12) đạt trên 367,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023 với gần 6,9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Cùng với đó, thị trường bảo hiểm ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực trong năm. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 227,5 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,25% so với năm trước. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 10,2%, đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, trong khi lĩnh vực nhân thọ giảm 5% xuống còn 149,2 nghìn tỷ đồng. Điều đáng chú ý là chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 93,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2023. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả tăng 25%, đạt 71,4 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện các cam kết với khách hàng.

Ngoài ra, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước tăng 13,1% so với năm 2023. Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới tăng 8,3% và tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng 10,8%, thể hiện dấu hiệu thị trường bảo hiểm đang dần phục hồi và phát triển.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán ghi nhận những con số ấn tượng trong năm. Tính đến ngày 31/12, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,1% so với cuối năm 2023. Mức vốn hóa thị trường ước đạt 7.158,9 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cuối năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân đạt 21.008 tỷ đồng/phiên, tăng 19,5% so với bình quân năm 2023.

Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.802 tỷ đồng/phiên, tăng 81,1% so với bình quân năm 2023, cho thấy sự sôi động của thị trường này. Đến cuối tháng 11/2024, thị trường có 466 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt gần 2.304 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với bình quân năm 2023.

Mặt khác, thị trường chứng khoán phái sinh cũng có những diễn biến đáng chú ý với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm có khối lượng giao dịch bình quân đạt 49.556,5 nghìn chứng quyền/phiên, tăng 51,3% và giá trị giao dịch bình quân đạt 42 tỷ đồng/phiên, tăng 46,8% so với năm 2023.

Những con số thống kê trên cho thấy chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã được điều hành một cách hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2024. Đồng thời, thị trường tài chính, bảo hiểm, chứng khoán cũng cho thấy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-tai-chinh-tien-te-ghi-dau-nhung-gam-mau-sang-trong-nam-2024-post1006089.vnp