Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, công ty Việt cần hành động ra sao?

Thị trường tài chính toàn cầu vừa có sự chao đảo dưới tác động của các chính sách tiền tệ, sự bất ổn của kinh tế và căng thẳng địa chính trị.

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động của thị trường tài chính toàn cầu. Các yếu tố như tỉ giá, lạm phát, xuất khẩu... sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động doanh nghiệp và giá trị tài sản của nhà đầu tư.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp và nhà đầu tư cần có những chiến lược phòng ngừa cũng như thích ứng hiệu quả.

Cú sốc bất ngờ

Vừa qua, thị trường chứng khoán, vàng và dầu đã có những diễn biến ngoài dự báo của các chuyên gia phân tích. Điển hình, vào ngày 5-8, thị trường chứng khoán toàn cầu đột nhiên giảm điểm mạnh mẽ từ sàn chứng khoán Mỹ lan rộng sang thị trường chứng khoán châu Á.

Theo giới phân tích, đồng Yên Nhật mạnh lên và sự lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ khi số liệu việc làm vừa công bố của Mỹ cho thấy tỉ lệ thất nghiệp lên đến 4,3%. Đây là con số cao nhất trong vòng gần 3 năm qua, đã khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu.

Tiến sĩ Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định chứng khoán Mỹ đã giảm 3 tuần liên tiếp trước đó, đặc biệt các cổ phiếu công nghệ. Khi thị trường chứng khoán giảm, cũng kéo theo biến động của tiền số lẫn vàng.

Sau khi Nhật can thiệp tỉ giá và tăng lãi suất thì đồng Yên Nhật đã tăng đáng kể nhưng đây cũng là lo ngại của các doanh nghiệp dựa vào xuất khẩu của Nhật. Điều này khiến chứng khoán Nhật đã giảm mạnh.

 Thị trường chứng khoán đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau phiên giao dịch 5-8 mất đến 50 điểm.

Thị trường chứng khoán đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau phiên giao dịch 5-8 mất đến 50 điểm.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, những thay đổi về chính sách tiền tệ của Nhật, căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến thị trường tài chính suốt thời gian qua. Đó là sự bán tháo của nhiều thị trường chứng khoán, hay tiền số, giá vàng cùng giảm.

Những bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu đã ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, khi đã có cú rớt 50 điểm vào phiên giao dịch 5-8. Nhưng với thị trường chứng khoán Việt, yếu tố tâm lý tác động lên thị trường chứng khoán nhiều nhất.

Sau cú sốc bất ngờ, thị trường tài chính Việt Nam không quá nhiều chao đảo vì nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn tốt. Thị trường chứng khoán đã phục hồi trở lại sau cú giảm điểm mạnh, dòng tiền vào chứng khoán vẫn vững vàng.

 Thị trường chứng khoán và vàng vẫn là các kênh đầu tư hấp dẫn. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Thị trường chứng khoán và vàng vẫn là các kênh đầu tư hấp dẫn. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Giá vàng không nhiều biến động khi Ngân hàng Nhà nước đang thực thi chính sách bình ổn thị trường vàng. Chính sách tiền tệ vẫn duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Tập đoàn VinaCapital cho biết, thị trường chứng khoán và vàng vẫn là các kênh đầu tư hấp dẫn, được các nhà đầu tư trong nước ưu tiên đổ tiền vào. Nguyên nhân lãi suất huy động ở Việt Nam vẫn dưới 5%, ngay cả đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, bên cạnh đó thị trường bất động sản phần nào vẫn còn đóng băng.

Mặc khác, doanh nghiệp đang phục hồi lợi nhuận khiến định giá cổ phiếu các công ty trên sàn trở nên hấp dẫn hơn với sự hỗ trợ của tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 5,1% năm 2023 lên mức dự kiến 6,5% trong năm nay.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 2 kịch bản với kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2024. Nếu các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự nửa đầu năm 2024 thì tăng trưởng GDP sẽ là 6,55%, lạm phát bình quân là 4,31%, thặng dư cán cân thương mại là 5,7 tỉ đô la Mỹ.

Với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn cùng với các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế hiệu quả ở Việt Nam, qua đó tăng giải ngân đầu tư công, tín dụng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh. Khi đó tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ là 6,95%, lạm phát bình quân là 4,12%, thặng dư cán cân thương mại là 7,3 tỉ đô la Mỹ.

Vượt qua vùng nhiễu động

Những biến động trên toàn cầu có xu hướng diễn ra mạnh mẽ, nên doanh nghiệp Việt cần xây dựng các kịch bản để thích ứng linh hoạt.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB cho biết, những rủi ro với kinh tế thế giới luôn xuất hiện. Chẳng hạn, trong tương lai kinh tế toàn cầu có thể đối diện với khả năng suy yếu, cạnh tranh về thương mại khắc nghiệt hơn.

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm nay, cũng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế thế giới và khu vực. Đặc biệt nếu trước đây, chuỗi sản xuất đi nước nào cũng được miễn là chi phí thấp, thì bây giờ để đáp ứng theo các hình thức đối tác mới dễ dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn.

Xung đột leo thang và căng thẳng địa chính trị cũng đặt ra mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế khu vực và biến động giá ngắn hạn.

 Các doanh nghiệp Việt luôn phải có các chiến lược linh hoạt để ứng phó với những biến động của thị trường toàn cầu. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Các doanh nghiệp Việt luôn phải có các chiến lược linh hoạt để ứng phó với những biến động của thị trường toàn cầu. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Căng thẳng Trung Đông hiện nay là tương đối khó lường, ảnh hưởng đến giá dầu và dòng chảy thương mại. Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT đánh giá, với vai trò là một trong những nguồn cung dầu lớn nhất thế giới, Trung Đông luôn là tâm điểm của sự biến động khi có xung đột. Khi căng thẳng leo thang dễ dẫn đến giá dầu tăng vọt.

Giá dầu cao không chỉ ảnh hưởng đến giá cả vận tải hàng hóa mà còn lan tỏa đến các mặt hàng khác, như giá lương thực, từ đó tăng áp lực lên lạm phát.

Nếu để lạm phát vượt quá kỳ vọng sẽ tác động đến các chính sách tiền tệ đang hỗ trợ cho nền kinh tế. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có các biện pháp đối phó với tình huống này nhằm tránh gây áp lực chi phí lớn cho doanh nghiệp và người dân.

Ở góc độ doanh nghiệp, để vượt qua các áp lực này cần đa dạng hóa nguồn thu và chi phí. Chẳng hạn, doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là những thị trường có khả năng chống chịu tốt với lạm phát. Không chỉ tập trung vào một sản phẩm, mà cần đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro khi giá cả một mặt hàng tăng cao.

Doanh nghiệp phải áp dụng các công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu các khâu trung gian, rút ngắn thời gian giao hàng để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh.

Các chuyên gia nhận định, căng thẳng Trung Đông sẽ ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng và logistics của toàn thế giới. Trong đó có cả những chuỗi cung ứng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu đang phát triển mạnh, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến thương mại hàng hải. Các cảng và tuyến đường vận chuyển bị ảnh hưởng bởi xung đột có thể dẫn đến chậm trễ và tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến tính kịp thời và hiệu quả chi phí của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Do đó, doanh nghiệp phải điều chỉnh và củng cố chiến lược của mình để đảm bảo ổn định và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trước những bất ổn địa chính trị. Hoạch định chiến lược theo các kịch bản cụ thể và củng cố nguồn cung tin cậy có thể nâng cao khả năng phục hồi và tính linh hoạt trong hoạt động thương mại.

Đối với Việt Nam và các quốc gia khác phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. Việc đa dạng hóa nguồn cung ứng, đầu tư vào năng lực địa phương và xây dựng các kế hoạch dự phòng ngày càng trở nên cấp thiết.

Phản ứng hơi "thái quá" và bài học kinh nghiệm

Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu và Việt Nam vừa trải qua 2 ngày đầy biến động, giảm mạnh trong ngày 5-8 nhưng cũng sớm phục hồi hôm 6-8.

Báo cáo đánh giá nhanh về diễn biến này, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV nhận định có năm lý do chính khiến chứng khoán giảm mạnh ngày 5-8.

Một là, nền kinh tế Mỹ cho thấy một số tín hiệu kém khả quan. Ví dụ báo cáo việc làm được công bố vào ngày 2-8 cho thấy chỉ có 114 nghìn việc làm mới được tạo ra trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 175 nghìn. Các chuyên gia, nhà đầu tư lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang ngấm sâu ảnh hưởng bởi lãi suất cao.

Hai là, TTCK toàn cầu nhất là Mỹ, Châu Âu… điều chỉnh sau khi tăng nhanh thời gian qua.

Ba là, rủi ro địa chính trị, nhất là tình hình xung đột tại Trung Đông leo thang, kéo theo nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư quyết định bán cổ phiếu, đầu tư vào những kênh trú ẩn an toàn hơn như đồng yên Nhật (JPY), trái phiếu Chính phủ Mỹ…v.v.

Bốn là, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – JPY, khiến đồng JPY tăng giá mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới các mặt hàng xuất khẩu của nước này.

Năm là, tâm lý nhà đầu tư có phần "hoảng loạn", vừa sợ nếu càng để càng mất giá (hiện tượng FOMO – sợ mất cơ hội cắt lỗ), vừa lo không bán được sẽ không có tiền để giải chấp, bổ sung ký quỹ hay giảm đòn bẩy tài chính do vay nợ trước đó, nên đã có phần phản ứng hơi "thái quá".

Những yếu tố trên đã tác động tiêu cực tới thị trường Việt Nam, dẫn tới việc VN-Index giảm 3,92% trong phiên ngày 5-8. Tuy nhiên, thị trường đã sớm điều chỉnh, phục hồi trở lại khi hầu hết các chỉ số chứng khoán Châu Á, một phần là do nhà đầu tư đã tĩnh tâm hơn.

“Chúng tôi cho rằng, chứng khoán của Châu Mỹ và Châu Âu cũng sẽ phục hồi trở lại. Lý do là nền kinh tế Mỹ ít có khả năng bị suy thoái, mà chỉ giảm tốc độ tăng trưởng (dự báo tăng khoảng 2,5% năm 2024 và 1,8% năm 2025). Trong khi đó kinh tế Châu Âu phục hồi khá, tăng trưởng khoảng 0,7% năm 2024 và 1,4% năm 2025 từ mức tăng 0,5% năm 2023, theo WB”- nhóm nghiên cứu nhận định.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, bài học kinh nghiệm có thể rút ra là nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh trong bối cảnh này, bởi nhiều khả năng đây chỉ là phản ứng thái quá hay những cú điều chỉnh trong ngắn hạn, khi có nhiều tin xấu cùng xảy ra.

Thứ hai, thị trường luôn có các cú điều chỉnh sau khi tăng quá nóng hay quá lạnh; "đòn bẩy tài chính" là con dao hai lưỡi có thể giúp nhà đầu tư kiếm lời khi thị trường đi lên, nhưng sẽ rất rủi ro khi thị trường đi xuống; "đa dạng hóa" danh mục hay các kênh đầu tư nhằm đảm bảo lợi nhuận tối thiểu và giúp kiểm soát rủi ro là cần thiết; và "tâm lý đám đông" là hiện tượng nên né tránh, giảm thiểu (theo đó, cần có chính kiến hay ra quyết định dựa trên cơ sở tư vấn phù hợp).

Thứ ba, các cơ quan quản lý cần cân nhắc liều lượng, thời điểm thay đổi chính sách cho phù hợp và cần theo dõi sát sao tình hình kinh tế - tài chính thế giới. Qua đó để có thể sớm đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp trước những biến động khó lường hiện nay.

Bốn là, tăng cường truyền thông chính sách và định hướng điều hành một cách minh bạch, rõ ràng và nhất quán nhằm góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức và hành động phù hợp của nhà đầu tư và thị trường.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-tai-chinh-toan-cau-chao-dao-cong-ty-viet-can-hanh-dong-ra-sao-post803961.html