Thị trường tan băng, hàng loạt dự án tái khởi động

Thị trường bất động sản đang ấm dần lên khi điểm nghẽn pháp lý tiếp tục được tháo gỡ, dòng tiền thông trở lại, doanh nghiệp rục rịch triển khai dự án mới.

Nhà đầu tư bất động sản đi xem dự án trở lại Ảnh: Việt Dũng

Nhà đầu tư bất động sản đi xem dự án trở lại Ảnh: Việt Dũng

Sức sống mới từ hàng loạt dự án tái khởi động

Cuối tuần qua, Công ty CP Đầu tư xây dựng Bcons (Tập đoàn Bcons) tổ chức lễ ra quân để chuẩn bị phát triển dự án chung cư Lê Trọng Tấn (Bcons Polaris). Được biết, trong năm nay, Bcons sẽ bổ sung vào danh sách của mình 5 dự án mới, trong đó, Bcons Polaris là dự án đầu tiên được triển khai. Tọa lạc ngay mặt tiền đường Lê Trọng Tấn (khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), Bcons Polaris là 1 khối nhà cao 26 tầng và 2 tầng hầm xây dựng trên khuôn viên 3.820 m2, trong đó, tỷ lệ xây dựng chỉ 44,29%, cung cấp cho thị trường 522 căn hộ.

Cũng trong tháng 5 này, chủ đầu tư Novaland và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons sẽ chính thức tái khởi động việc xây dựng Dự án The Grand Manhattan tại quận 1, sau khi được chính quyền TP.HCM gỡ vướng pháp lý và được Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cam kết tài trợ vốn, bao gồm cả gói tín dụng cho người mua nhà tại Dự án.

Ngoài ra, Novaland còn chuẩn bị nguồn lực để tháng 6 năm nay tiếp tục triển khai một loạt dự án trọng điểm khác tại TP.HCM và các địa phương lân cận, bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng, đồng thời linh hoạt điều chỉnh kế hoạch triển khai xây dựng các phân khu dự án cho phù hợp với thực tiễn.

Sau một thời gian chìn trong khó khăn, việc hàng loạt dự án tái khởi động được giới chuyên gia địa ốc đánh giá là dấu hiệu cho thấy “giai đoạn khó khăn nhất đang dần qua đi, thị trường bất động sản sẽ từng bước phục hồi”.

Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho biết, sau thời gian tạm ngừng triển khai hoạt động thi công do gặp khó về dòng tiền và thủ tục pháp lý, đến thời điểm hiện tại, Hưng Thịnh đã thỏa thuận được với phía ngân hàng về việc tài trợ vốn cho các dự án để tiếp tục việc xây dựng. Theo kế hoạch, trong tháng 5/2023, một loạt dự án từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định của doanh nghiệp này sẽ cùng được tái khởi động.

Tại Long An, Thắng Lợi Group cũng tập trung triển khai bán hàng tại 3 dự án là The Diamond City, Sài Gòn Town, Young Town Tây Bắc Sài Gòn… với nhiều chính sách ưu đãi.

Với vai trò là chủ đầu tư, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Xuất nhập khẩu Đạt Thuận Phát cũng đang khởi động Dự án King Hill Residences (Khu dân cư Đạt Thuận Phát). Để giảm áp lực tài chính cho khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ đang sống và làm việc tại khu vực, chủ đầu tư sẽ đồng hành với Ngân hàng HDBank tung ra các gói hỗ trợ ưu đãi cùng nhiều phần quà hấp dẫn.

Ngoài những dự án kể trên, thị trường bất động sản cũng ghi nhận sự trở lại của nhiều dự án bất động sản khác. Sau một thời gian khá dài chìm trong khó khăn, việc hàng loạt dự án tái khởi động được giới chuyên gia địa ốc đánh giá là dấu hiệu cho thấy “giai đoạn khó khăn nhất đang dần qua đi, thị trường bất động sản sẽ từng bước phục hồi”.

Niềm tin sẽ là lực đẩy thị trường

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM thẳng thắn chia sẻ rằng, dù thị trường chung đang có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại, nhưng việc bán hàng của doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Thậm chí, doanh nghiệp chấp nhận giảm giá, bán hàng không lợi nhuận chỉ để nhà đầu tư chấp nhận “xuống tiền”, nhưng cũng không khả quan là mấy.

“Chúng tôi từng đặt ra câu hỏi là: người dân hết tiền, hay không có nhu cầu mua bất động sản nữa? Sau khi khảo sát và tìm hiểu thì thấy rằng, cả hai lý do trên đều không đúng. Thậm chí, nguồn tiền trong dân còn rất nhiều, nhu cầu đầu tư và tích lũy tài sản vẫn lớn, nhưng vì lo ngại từ những thông tin xấu trên thị trường, nên nhiều người có tâm lý chờ đợi, quyết định đợi thị trường thực sự tích cực trở lại mới quyết định xuống tiền”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Dưới góc độ là doanh nghiệp chuyên phân phối tại các dự án lớn, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là củng cố niềm tin cho người mua. Bởi hiện nay, lượng hàng tồn kho còn rất nhiều, nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng, nhưng không bán được vì người mua mất niềm tin.

“Cần làm sao để khách hàng tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động, nhất là kích cầu tiêu dùng… thì mới khơi thông được thị trường”, ông Lâm nói và cho biết thêm, lãi suất hiện tại dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, cần giảm lãi suất về mức 5-6 %/năm cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại như trước để “kéo” khách hàng trở lại.

Đồng quan điểm, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Asia New Time cho rằng, chỉ khi tâm lý lo sợ bớt đi, niềm tin phục hồi, tiền từ nhiều nơi ắt sẽ tự động đổ vào bất động sản. Để có niềm tin, phải bắt đầu từ việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến pháp lý cho các dự án. Tiếp đến là các chủ đầu tư phải nghiêm túc trong việc phát triển dự án sao do chuẩn chỉ, ngân hàng phải “tiếp sức” bằng việc hỗ trợ lãi suất cho vay ở mức thấp nhất… Có như vậy mới giúp thị trường bất động sản hồi phục trở lại.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/thi-truong-tan-bang-hang-loat-du-an-tai-khoi-dong-d189329.html