Thị trường tết Quý Mão 2023: Đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân
Người dân TX Đông Hòa mua thực phẩm tại chợ truyền thống. Ảnh: VÕ PHÊ
Tết Nguyên đán Quý Mão cận kề, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân bắt đầu gia tăng. Các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp luôn quan tâm việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân đầy đủ, chu đáo, an toàn.
Dồi dào nguồn hàng thiết yếu
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm trong dịp tết, hiện các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa trên địa bàn đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu và sẵn sàng cung ứng đủ cho người dân. Bà Phạm Thị Hằng Vy, chủ Siêu thị V’mart (TP Tuy Hòa) cho biết: Theo kế hoạch, siêu thị chuẩn bị khoảng 75 tấn gạo, 105 tấn đường, 22.000 lít dầu ăn, 180 tấn thịt heo, 75 tấn thịt gà, 60 tấn rau củ quả, 90 tấn bánh kẹo các loại và nhiều loại nước uống khác. Con số này có thể tăng thêm, tùy vào nhu cầu của người dân. Chúng tôi cũng chuẩn bị phương án bán hàng lưu động ở các địa phương trong những ngày trước tết Nguyên đán.
Ông Trần Đình Đăng, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Phú Yên cho hay: Cũng như mọi năm, năm nay công ty chuẩn bị 5.000 con heo, hơn 1.500 con gà và nhiều loại thực phẩm tươi sống để phục vụ nhu cầu người dân. Do có nguồn thực phẩm dự trữ tại chỗ nên công ty sẽ cung ứng đủ cho các cơ sở bán lẻ cũng như nhu cầu người dân trên địa bàn.
Theo Sở Công Thương, với mục tiêu ưu tiên dùng hàng Việt Nam để phục vụ người dân, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã lập kế hoạch và chủ động làm việc với các đơn vị phân phối lớn của tỉnh. Hệ thống các siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, Winmart, V’mart, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Phú Yên, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tổng hợp cũng có phương án dự trữ nguồn hàng, thực phẩm tươi sống… đáp ứng nhu cầu của người dân trước, trong và sau tết.
Tạo thuận lợi trong kinh doanh, mua sắm
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để phục vụ người dân các khu vực nông thôn, miền núi, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên chủ trì, phối hợp với các địa phương, vận động 7-10 doanh nghiệp tổ chức 5-7 đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Sở cũng khuyến khích các cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng Việt cố định, doanh nghiệp phân phối tham gia các đợt bán hàng lưu động trước tết. Ngoài ra, sở cũng tăng cường nắm bắt nguồn hàng thông qua các doanh nghiệp phân phối; đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động bán hàng, chương trình bán hàng khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng. Dự kiến vào đầu tháng 1/2023, sở sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội chợ xuân tại TP Tuy Hòa để người dân có thêm điểm mua sắm hàng tết.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu và có biện pháp cung ứng đủ nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Tại các chợ truyền thống, các tổ chức quản lý chợ sẽ bố trí, sắp xếp hợp lý khu vực kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh, mua sắm. Huyện yêu cầu tư thương thực hiện niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; trang bị cân đối chứng và đặt tại nơi thuận tiện để người mua tự kiểm tra trọng lượng hàng hóa; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Địa phương cũng sẽ phối hợp, giới thiệu các địa điểm để các đơn vị, doanh nghiệp bán hàng lưu động phục vụ người dân.
Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, song nhiều người vẫn lo thực phẩm mất an toàn, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... tung ra thị trường, có thể gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh khuyến cáo người dân nên mua hàng hóa, thực phẩm tại các siêu thị, điểm bán hàng cố định thay vì mua vãng lai. Nếu mua ở các chợ truyền thống, thì nên chọn thực phẩm tươi, không có dấu hiệu bất thường hoặc màu sắc lạ mắt, trái với tự nhiên; chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận đảm bảo hay những sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, có tên tuổi trên thị trường, đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, HACCP, VietGAP, GlobalGAP...
Người tiêu dùng hãy nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, kém chất lượng và nâng cao ý thức, kiến thức phòng chống ngộ độc thực phẩm; nên lưu giữ hóa đơn, chứng từ sau khi mua hàng để giải quyết khiếu nại khi xảy ra tranh chấp.