Thị trường thép 1 tuần qua: Giảm lần thứ 13, chờ yếu tố thị trường
Trong tuần qua chứng kiến giá thép được điều chỉnh giảm lần thứ 13 liên tiếp, sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2021. Về nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, thép phế liệu, cuộn cán nóng (HCR) cũng ghi nhận mức giảm mạnh…
13 lần giảm
Chiều 8/8, nhiều DN thép thông báo giảm giá thép lần thứ 13 liên tiếp trong hơn 3 tháng qua với mức giảm lên đến 1,31 triệu đồng/tấn.
Trong lần này, Hòa Phát tại thị trường miền bắc chỉnh giảm 300 đồng với 2 dòng sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 xuống mức 14.880 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.740 đồng/kg.
Cũng cùng đợt giảm này, thép Pomina có đợt điều chỉnh sâu, với thép cuộn CB240 giảm mạnh 1.310 đồng từ mức 16.290 đồng/kg xuống còn 14.980 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 đồng hiện có giá 16.390 đồng/kg.
Nguyên nhân giá thép liên tục giảm trong thời gian qua là do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, cùng với đó nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều, buộc các DN phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu.
Đơn cử, tồn kho của thương hiệu thép Hòa Phát, doanh nghiệp chiếm 36,2% thị phần thép xây dựng trong cả nước, với hơn 58.300 tỷ đồng, tăng 45% so với so với quý I và tăng 46% so với cùng kỳ 2021.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 9/8 giao dịch ở mức 108,55 - 109,05 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 4,2 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 7/2022. Mức giá này giảm khoảng 102 - 104 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (khoảng 210 – 212 USD/tấn).
Giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Úc ngày 9/8/2022 giao dịch ở mức khoảng 183 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với mức ~ 520USD hồi tháng 4/2022 trước đó.
Bên cạnh đó, giá thép phế liệu nhập khẩu giảm 130 USD/tấn giữ mức 370 USD/tấn CFR vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2022.
Ngành thép có thể phục hồi?
Ngành thép suy giảm trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại, dự án mới khởi công ít dẫn tới nguồn cung chưa cải thiện, trong khi đó VLXD khác vẫn ở mức cao... dẫn tới hàng loạt "ông lớn" ngành thép gói gọn trong từ "thê thảm".
Sự sụt giảm lợi nhuận này đã được lãnh đạo Tập đoàn dự báo trước tại cuộc họp cổ đông hồi tháng 5/2022 khi Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn so với năm 2021.
"Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm" - Chủ tịch Trần Đình Long nói trong đại hội cổ đông.
Còn theo VSA, tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 18,825 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 17,1 triệu tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 4,146 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu, tháng 6/2022, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 860 ngàn tấn, tăng 15,79% so với tháng trước nhưng giảm 15,05% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 913 triệu USD, tăng 12,98% so với tháng 5/2022 nhưng giảm 1,08% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,38 triệu tấn thép giảm 17,49% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 5 tỷ USD tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc, mùa cao điểm xây dựng đã qua…
7 tháng tính từ đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt hơn 34% kế hoạch Chính phủ giao năm 2022, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (36,7%). Trong đó, vốn trong nước đạt 36,02% (cùng kỳ năm 2021 đạt 40,38%), vốn nước ngoài đạt 11,90% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,52%).