Thị trường thiết bị y tế nhiều biến động

Thời gian gần đây, số lượng ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội liên tục tăng cao, có ngày gần tới 7.000 ca mắc mới. Nhiều người dân đã tự tìm mua các bộ kit xét nghiệm nhanh, thiết bị y tế... khiến thị trường biến động mạnh, một số sản phẩm xuất hiện tình trạng khan hàng, hết hàng, tăng giá..., đòi hỏi các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, giám sát, sớm ổn định thị trường.

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thu giữ kit test Covid-19 không có chứng từ hợp pháp tại sân bay Nội Bài. (Ảnh Lê Nam)

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thu giữ kit test Covid-19 không có chứng từ hợp pháp tại sân bay Nội Bài. (Ảnh Lê Nam)

Những ngày gần đây, các cửa hàng bán thuốc tại Hà Nội, nhất là cửa hàng lớn tại khu vực trung tâm luôn đông đúc, tấp nập người hỏi mua kit xét nghiệm Covid-19, máy đo Sp02, khẩu trang, cồn 70 độ, thuốc hạ sốt, vitamin, thuốc ho... Tại một số nhà thuốc trên địa bàn quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình..., nhiều loại kit xét nghiệm nhanh có mức giá dao động từ 70 nghìn đến 120 nghìn đồng/bộ tùy thuộc vào nơi sản xuất. Cụ thể, bộ Biocredit Rapigen của Hàn Quốc giá từ 70 nghìn đến 85 nghìn đồng/bộ; Sars-CoV-2 Antigen Schnelltest của Đức giá 85 nghìn đến 110 nghìn đồng/bộ; bộ kit test nhanh PCL của Hàn Quốc giá 66 nghìn đồng/bộ...

Đáng nói, giá các bộ test đã tăng nhanh chóng thời gian gần đây. Bác sĩ Phạm Thị Nhường (Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc) cho biết, nếu như cuối tháng 1/2022, bộ kit test nhanh Biocredit được bán với giá 68 nghìn đồng/bộ thì đến nay đã tăng lên từ 75 nghìn đến 80 nghìn đồng/bộ và không có hàng để bán; test nước bọt Covid-19 Antigen Rapid từ 65 nghìn/bộ cũng tăng lên giá 80 nghìn đến 85 nghìn đồng/bộ… Các loại máy đo Sp02 cũng được người dân tìm mua nhiều với đủ loại và mức giá khác nhau, từ khoảng 100 nghìn đồng/chiếc như loại JXD-02 đến 650 nghìn đồng/chiếc như loại CMS50D của Contec...

Mức giá bán kit xét nghiệm, máy đo... mỗi nơi lại một giá. Theo chủ hàng tại chợ thuốc Hapulico (quận Thanh Xuân), giá bán tùy thuộc vào chi phí vận hành cửa hàng, thuê nhân viên, cũng như số lượng nhập ít hay nhiều. Nhưng nhìn chung, do nhu cầu tăng cao đột biến cho nên giá cũng dao động từng ngày. Không chỉ tại các hiệu thuốc mà trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nhiều cá nhân cũng tranh thủ kinh doanh mặt hàng đang được nhiều người quan tâm tìm mua này. Với mỗi bộ test, người bán được lãi từ 5.000 đến 15 nghìn đồng/bộ, chỉ cần đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nơi.

Sau một hồi chờ đợi, chị Nguyễn Thanh Hồi (quận Long Biên) cũng mua được bộ test Covid-19 và một số loại thuốc nhỏ mũi, siro ho tại một cửa hàng thuốc trên phố Trường Lâm (phường Đức Giang, quận Long Biên): “Cháu nhà tôi sốt, tôi thử que test nhanh Covid-19 cho cháu thì có kết quả dương tính, giờ phải mua thêm hơn chục bộ nữa để test cho các thành viên trong gia đình”.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Văn bản số 113/QLTTHN-NVTH ngày 18/2/2022 về việc tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, thuốc hỗ trợ điều trị, phòng, chống dịch Covid-19; trước đó là Văn bản số 85/QLTTHN-NVTH ngày 28/1/2022 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống, hỗ trợ điều trị Covid-19... Đồng thời, chỉ đạo các đội quản lý thị trường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19...

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Cục cũng chủ động phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Yêu cầu công chức quản lý thị trường chịu trách nhiệm chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch bệnh.

Hiện tại, hoạt động kinh doanh kit xét nghiệm nhanh Covid-19, máy đo oxy, khẩu trang, nước sát khuẩn... khá sôi động, không chỉ tại các hiệu thuốc mà nhiều cá nhân cũng kinh doanh mặt hàng này thông qua mạng xã hội khiến việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (dung dịch sát khuẩn, trang thiết bị y tế...).

Riêng năm 2021, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra xử lý 30 vụ, phạt hành chính 843,7 triệu đồng; tạm giữ hàng trăm triệu sản phẩm khẩu trang, dung dịch rửa tay, dụng cụ xét nghiệm Covid-19, thuốc phòng dịch Covid-19... Mới đây, ngày 17/2 tại Sân bay Nội Bài, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp Cục Hải quan Hà Nội bắt giữ lô hàng gồm 85 nghìn bộ kit test Covid-19, trị giá hơn 8 tỷ đồng nhập lậu từ Hàn Quốc về Việt Nam. Do đó, người dân nên lựa chọn các cơ sở kinh doanh uy tín, chọn mua đúng các chủng loại được Bộ Y tế cấp phép để tránh “tiền mất, tật mang”, làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế khi có các triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Gia Minh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/thi-truong-thiet-bi-y-te-nhieu-bien-dong-686916/