Thị trường thịt lợn phản ứng tích cực

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh COVID-19 nên nguồn cung thịt lợn khan hiếm dẫn đến giá thịt lợn trên thị trường bị đẩy lên cao mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp kể cả việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Tuy nhiên từ sau khi có tin Chính phủ đồng ý cho nhập lợn sống về để nuôi/giết mổ, giá thịt lợn hơi trên thị trường cũng giảm khoảng 20 nghìn đồng/kg. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh COVID-19 nên nguồn cung thịt lợn khan hiếm dẫn đến giá thịt lợn trên thị trường bị đẩy lên cao mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp kể cả việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Tuy nhiên từ sau khi có tin Chính phủ đồng ý cho nhập lợn sống về để nuôi/giết mổ, giá thịt lợn hơi trên thị trường cũng giảm khoảng 20 nghìn đồng/kg. Giá thịt lợn ở các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh lập tức giảm mạnh từ 10 nghìn đến hơn 20 nghìn đồng/kg tùy loại. Mức tiêu thụ thịt lợn của người dân bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Hầu hết người nội trợ, người bán lẻ đều phấn khởi và mong giá thịt lợn tiếp tục giảm để bớt áp lực chi tiêu. Trước đó Chính phủ đã chỉ đạo triển khai một loạt biện pháp nhằm hạ giá thịt lợn trên thị trường trong nước như chi trả tiền hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh; tạo điều kiện vay vốn; hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân tái đàn an toàn và nhập khẩu thịt đông lạnh... để tạo nguồn cung cho thị trường. Nguyên nhân do việc tái đàn chưa nhiều nên nguồn cung vẫn thiếu. Hơn thế nữa thói quen tiêu dùng của người dân chỉ quen dùng thịt “nóng”, thịt đông lạnh không chế biến được một số món ăn truyền thống của Việt Nam như giò, chả… nên không tác động rõ rệt đến thị trường. Người dân vẫn “kêu trời” vì giá thịt lợn mỗi khi đi chợ. Điều này đã phản ánh rõ những bất cập trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thịt lợn. Theo đó, Bộ NN và PTNT đồng ý đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi hoặc giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12-6-2020 với yêu cầu phải đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Trong đó, doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước và thực hiện cách ly kiểm dịch 30 ngày. Như vậy, phải đến ngày 15-7, thịt lợn sống nhập khẩu mới ra đến thị trường phục vụ người tiêu dùng song giá thịt trên thị trường hiện tại đã giảm. Như vậy giá thịt lợn tăng không hoàn toàn do thiếu nguồn cung như cách người kinh doanh vẫn giải thích cho việc giá thịt lợn quá cao vừa qua.

Nhiều người chuyên kinh doanh thịt lợn phải chuyển sang bán thịt bò, thịt gà “chống ế”.

Đối với tỉnh ta, ngành chăn nuôi lợn phát triển nhưng do dịch bệnh nên việc tái đàn cầm chừng do giá lợn giống và các chi phí khác như thức ăn, chế phẩm khử trùng… đắt. UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, giảm nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Gia đình anh Nguyễn Văn Thục ở xóm 5, xã Trực Thái (Trực Ninh) vốn có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi lợn nên sau khi dịch bệnh tạm lui, anh đã mạnh dạn nuôi lại 300 con, bằng 1/3 số lượng so với thời điểm trước khi dịch bệnh. Anh Thục cho biết: con giống khan hiếm, chi phí cao, từ 2,5-2,8 triệu đồng/con chưa kể chi phí đi lại, vận chuyển. Như vậy, với số lượng nuôi 300 con, tiền giống đã phải đầu tư trên 750 triệu đồng, nếu nuôi đủ 800 con/lứa như trước đây thì cần đến 2 tỷ đồng tiền mua giống, vượt quá khả năng tài chính của gia đình, chưa kể chi phí khác trong quá trình chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình cũng đã nhanh chóng tái đàn trở lại bởi vấn đề kinh tế, được mất là một chuyện nhưng với bản tính cần cù chịu khó của người dân thì không nuôi lại sẽ cảm thấy lãng phí chuồng trại, thời gian... Chị Trần Thị Hiền, xã Yên Lợi (Ý Yên) cho biết: Gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng khi có chủ trương tái đàn tôi cũng gây lại gần chục con, đến nay đã bán lứa đầu gây sau dịch và đang tiếp tục mở rộng chăn nuôi bởi nếu ngồi yên không chăn nuôi sẽ không có gì, còn nếu không may bị dịch bệnh tiếp thì bị chung cả xã, không riêng gì mình, hơn nữa ít nhiều cũng có sự hỗ trợ của Nhà nước... Do đó nguồn cung thịt lợn trên địa bàn khan hiếm là có thật, tuy nhiên có thể bị người kinh doanh lợi dụng bởi ít nhiều các hộ dân đã tái đàn trở lại, không khan hiếm như những ngày đầu có dịch tả lợn châu Phi. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cho thấy giá lợn tăng, người chăn nuôi lại dùn dắng găm hàng không muốn bán ra thị trường để đợi giá tăng thêm chút cũng là nguyên nhân gây “sốt ảo” đẩy giá lợn hơi tăng lên đến đỉnh điểm 100-109 nghìn đồng/kg. Chỉ khi Chính phủ quyết định cho nhập khẩu lợn sống làm thực phẩm, các hộ chăn nuôi thấy bất lợi cho việc giữ hàng, bán giá cao mới giảm giá xuống. Thêm vào đó mỗi khâu trung gian, dịch vụ giết mổ đẩy giá lên nên giá bán thịt tới tay người tiêu dùng tăng cao trong một thời gian dài. Việc đẩy giá lên cao quá mức trong thời gian qua khiến người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, lựa chọn thực phẩm khác và sử dụng nguồn hàng nhập khẩu.

Diễn biến này đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý, giám sát chăn nuôi để đảm bảo cơ quan quản lý nắm chắc số lượng tổng đàn lợn, xác định chính xác năng lực nguồn cung để có biện pháp điều tiết thị trường phù hợp nhất. Công tác quản lý xác định yếu tố cấu thành giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng và kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng lợi dụng lũng đoạn thị trường thịt trong thời gian qua. Việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng, cần được đặc biệt quan tâm khi nhập khẩu thịt lợn sống làm thực phẩm trong điều kiện diễn biến dịch bệnh trên đàn lợn còn phức tạp, một số tỉnh phía Bắc tiếp tục phát hiện dịch tả lợn châu Phi đã rải rác xuất hiện trở lại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202006/thi-truong-thit-lon-phan-ung-tich-cuc-2538222/