Thị trường thực phẩm chức năng: Quản chặt vì sức khỏe của người dân

Thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam lâu nay được đánh giá như một 'ma trận' mà người mua không thể phân biệt được liệu sản phẩm có đạt chất lượng hay không. Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn như hiện nay, nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, các loại thực phẩm chức năng không bảo đảm chất lượng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh TPCN.

Muôn kiểu sai phạm

Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) bắt đầu phát triển ở Việt Nam vào đầu những năm 2000 và bùng nổ một cách nhanh chóng với hàng chục nghìn sản phẩm, hàng nghìn doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là trên thị trường tồn tại nhiều loại TPCN giả, kém chất lượng, không đạt chuẩn, là mối họa khó lường đang từng ngày, từng giờ “đầu độc” sức khỏe người dân.

Qua nhiều vụ phát hiện và thu giữ sản phẩm TPCN gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả. Đó là chưa kể trên các trang mạng xã hội đang có tình trạng “loạn quảng cáo” TPCN, quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, đánh lừa người tiêu dùng về công dụng thực sự của sản phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cơ quan này mới đây đã ban hành một loạt quyết định thu hồi sản phẩm vì có chứa các chất cấm không được phép dùng trong thực phẩm như trà giảm cân Golean Detox (sản phẩm có chứa chất cấm Sibutramine - tạo cảm giác no và không thèm ăn nhưng tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ), trà thảo mộc nhãn hiệu Vy&Tea (bị cơ quan chức năng phát hiện có chất Sibutramine và Phenolphthalein bị cấm sử dụng trong thực phẩm)...

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định thu hồi nhiều sản phẩm khác như trà thảo mộc Hoa Sâm Đất, thuốc giảm cân Đông y gia truyền họ Nguyễn, thuốc tăng, giảm cân Đông y Tiến Hạnh, trà giảm cân Cường Anh... do chứa chất cấm gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Gần đây nhất, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm giảm cân giả tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Công thức sản xuất sản phẩm thực phẩm giảm cân giả của cơ sở này gồm bột ngô, gạo nếp, mật mía và chất cấm Sibutramine. Đó là chưa kể trong thời gian qua, nhiều người tiêu dùng gặp nguy hiểm do sử dụng sản phẩm “Tiểu đường hoàn” không rõ nguồn gốc và có chứa chất Phenphormin - hoạt chất đã bị các nước trên thế giới và cả Việt Nam cấm lưu hành từ nhiều năm qua.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, những sai phạm phổ biến trong sản xuất, kinh doanh TPCN là sản xuất sản phẩm không có giá trị sử dụng, hàm lượng không đúng cam kết ghi trong hồ sơ đăng ký sản phẩm, ghi nhãn TPCN không đúng với các quy định của pháp luật, sai so với hồ sơ công bố, sử dụng hình ảnh cách điệu, hình ảnh nhạy cảm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam... “Ngoài ra, tình trạng bán TPCN qua Facebook, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, không công khai nơi trưng bày, giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại... gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Chưa kể hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí để giới thiệu và bán TPCN ở khu vực vùng sâu, vùng xa”, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.

Không thỏa hiệp với sai phạm

Theo quy định, từ ngày 1-7-2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) thì mới được sản xuất. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra của các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất TPCN trên địa bàn, nếu doanh nghiệp chưa có chứng nhận GMP mà vẫn sản xuất thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Với quy định này, nhiều người kỳ vọng sẽ giúp “thanh lọc” thị trường TPCN vốn đang “vàng thau lẫn lộn”, giúp người tiêu dùng chọn được các sản phẩm chất lượng.

Tuy nhiên, từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật của TPCN, đồng thời kiểm soát chặt chẽ về giá, thành phần công bố, hồ sơ quảng cáo... để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định, tuyệt đối không dễ dãi và thỏa hiệp bởi đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho rằng, với nhiều sản phẩm TPCN bị phát hiện làm giả, kém chất lượng như thời gian qua, ngành Y tế cần tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc tại các cơ sở liên quan trên cả nước và phải kiểm soát đặc biệt đối với việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Các cơ quan chức năng ở địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, TPCN, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Cũng theo ông Thế, quá trình đấu tranh với sai phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh TPCN nên tập trung theo từng chuyên đề, đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, rõ trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt hiệu quả cao. Đồng thời, ngành Y tế nên quan tâm nhiều hơn tới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi liên quan tới gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo TPCN đang gây sự hiểu nhầm rất lớn cho người tiêu dùng. Không ít người vì tin lời quảng cáo đã bỏ khá nhiều tiền mua TPCN để trị bệnh, bỏ lỡ quá trình điều trị theo phác đồ của bác sĩ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí tính mạng. Để ngăn chặn, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo TPCN của cơ quan liên quan như Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông là biện pháp cần thiết hiện nay để tránh tình trạng TPCN đang được “thần thánh hóa”.

Với sự ra quân đồng bộ của các cấp, các ngành cùng việc nâng cao ý thức của người dân, chắc chắn thị trường TPCN trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Châu Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/972833/thi-truong-thuc-pham-chuc-nang%C2%A0quan-chat-vi-suc-khoe-cua-nguoi-dan