Thị trường thực phẩm chức năng - vàng thau lẫn lộn

Hiện nay, thị trường thực phẩm chức năng tràn ngập chủng loại như một 'trận đồ bát quái', người mua không biết đâu là thật đâu là giả. Nếu không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng, thực phẩm giả sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, thậm chí ảnh hưởng đến 'giống nòi'.

Nhiều vụ làm giả thực phẩm chức năng

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chức năng của người dân hiện nay ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, đáng lo ngại là trên thị trường tồn tại nhiều thực phẩm chức năng giả, không đạt chuẩn, là mối họa khó lường đang hằng ngày “đầu độc” sức khỏe cộng đồng.

Cơ quan Công an khám xét nhà máy sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả của Lê Văn Khối tại huyện Bình Chánh.

Trên các trang mạng xã hội đang có tình trạng loạn quảng cáo về thực phẩm chức năng, loạn giá cả, rồi hàng đa cấp phát triển, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường... đang là cái bẫy đối với người tiêu dùng. Nếu chậm xử lý ngày nào, người dân sẽ “lãnh đủ” ngày đó.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây, Ban ghi nhận sự bùng nổ của thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng, cũng là một dạng thuốc bổ, sử dụng để dự phòng và hỗ trợ cho điều trị bệnh. Do nhu cầu của người dân tăng dẫn đến nguồn cung tăng. “Vàng thau lẫn lộn”, hàng loạt thực phẩm chức năng ra đời, với số lượng tăng vọt, trong khi đó năng lực quản lý, nhận thức của người tiêu dùng lại không tương xứng với nhau... dẫn đến việc mất kiểm soát.

Ngày 21-8, Đội Quản lý ATTP số 7 thuộc Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Toàn cầu D2 Việt Nam tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, phát hiện thu giữ 3 tấn thực phẩm chức năng không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường, gồm 234 thùng thực phẩm chức năng với hơn 8.000 hộp nhỏ dạng cốm được giới thiệu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ. Công ty này sản xuất thực phẩm chức năng nhưng lại không xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất đối với mặt hàng thực phẩm chức năng.

“Những sản thực phẩm chức năng không có số đăng ký nên chúng tôi đang tiến hành các thủ tục hoàn tất hồ sơ xử phạt hành chính với mức phạt có thể từ 80 triệu đồng đến 90 triệu đồng theo Nghị định 15/2018-NĐ/CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Trước đó, vào trưa 25-7, trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện tài xế Nguyễn Thanh Tuấn (47 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) điều khiển xe tải BKS 51B-323.58 có biểu hiện nghi vấn nên phối hợp với các đơn vị chức năng yêu cầu dừng xe.

Cơ quan Công an phát hiện 20 thùng giấy có 4.000 hộp thực phẩm chức năng giả. Tuấn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, khai chở giao cho Nguyễn Đình Thái Dương ở căn nhà trong hẻm 64 Hòa Bình, phường 5, quận 11. Khám xét căn nhà này, lực lượng chức năng bắt quả tang Trần Thị Châu Thanh (37 tuổi) và Thạch Đết (27 tuổi) đang sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Cùng thời điểm, một tổ công tác khác khám xét khu xưởng sản xuất của Công ty Đông dược Việt và bắt quả tang Lê Văn Khối (Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông dược Việt, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), Nguyễn Thành Xuân cùng 4 công nhân đang sản xuất thực phẩm chức năng giả các nhãn hiệu: Bảo Xuân Gold, Omega 3-6-9, Cardi Plus, Double Lovely 35+.

Khám xét 7 địa điểm liên quan, Cơ quan công an thu giữ nhiều phương tiện, dụng cụ, tài liệu liên quan đến việc sản xuất tân dược, thực phẩm chức năng giả, gồm: 1 máy ép vỉ, 1 máy sấy, 1 máy ép seal, 1 máy khuấy nguyên liệu, máy cán UV dùng để cán dấu bóng lên tem, khuôn kim loại để sản xuất vỏ chai nhựa; 500kg bao bì nhãn mác, cùng hàng trăm ký nguyên liệu để sản xuất...

Về số lượng hàng giả thành phẩm có 850.000 đơn vị thuốc (viên, lọ) của 10 loại thuốc và 1,5 triệu đơn vị thực phẩm chức năng giả của 13 loại thực phẩm chức năng. Tổng hàng hóa tạm giữ trị giá tương đương hàng thật ước tính hàng chục tỉ đồng.

Nguyễn Đình Lạc Thư (Phó Giám đốc Công ty TNHH TNM Asia Pharmacy, địa chỉ tại phường Tân Quy, quận 7) thừa nhận sử dụng địa điểm hộ kinh doanh cá thể của mình tại đường Hòa Bình (quận 11) làm nơi sản xuất thuốc giả hiệu Bar (thuốc lợi gan, mật của Công ty CP Dược phẩm dược liệu Pharmedic) và thuốc cốm hiệu Xitrina (do Công ty CP Dược phẩm Trung ương Vidipha - Việt Nam sản xuất). Nguyên liệu để Thư sản xuất tân dược và thực phẩm chức năng giả được vận chuyển từ nhà máy sản xuất của Công ty Asia Pharmacy tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Các cán bộ Công an kiểm tra số thực phẩm chức năng giả.

Việc sản xuất hàng giả, trực tiếp giao nhận hàng hóa thành phẩm cho khách hàng, Thư giao cho Nguyễn Đình Thái Dương điều hành. Riêng các loại thực phẩm chức năng giả khác như: Bảo Xuân, ME-21... được Thư mua lại của Lê Văn Khối, đối tượng Khối cũng thừa nhận điều này với Cơ quan công an.

Theo cơ quan điều tra, do có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất, mua bán tân dược và thực phẩm chức năng nên Thư và Khối kết hợp tổ chức sản xuất hàng loạt sản phẩm giả của các công ty trong nước đang bán chạy trên thị trường. Hàng giả sau khi sản xuất được phân phối đến các hộ kinh doanh thuốc, trung tâm dược tại các quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh, nhất là Trung tâm Dược phẩm và trang thiết bị y tế quận 10 và các tỉnh miền Tây Nam Bộ bán đến người tiêu dùng. Như vậy, các đối tượng sản xuất không phải nhỏ lẻ mà lập hẳn công ty, nhà xưởng sản xuất công khai, tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Ngày 2-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đình Lạc Thư và Lê Văn Khối về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” và “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Bị khởi tố cùng với Thư và Khối về cùng 2 hành vi trên còn có 7 đồng phạm khác

Tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt như thuốc

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều luật của Luật An toàn thực phẩm, từ ngày 1-7-2019 tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt GMP (Good Manufacturing Practices). Điều này có nghĩa thực phẩm chức năng phải được sản xuất với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như thuốc mới được lưu thông trên thị trường.

“Việc nghiêm túc kiểm soát chất lượng bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật phải được đặt ra từ lâu chứ không phải đợi đến Nghị định 15 khi tình hình đã rất phức tạp. Cũng trước tình hình hiện nay, Ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng nhằm chấn chỉnh hoạt động của loại hình sản phẩm bảo vệ sức khỏe này trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”, bà Lan cho biết.

Theo đánh giá của Cục ATTP Bộ Y tế, trong số hơn 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ có khoảng 300 (chưa đến 10%) là đủ điều kiện sản xuất. Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu, tình hình cũng không khả quan hơn vì kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, điều kiện sản xuất chỉ trên giấy tờ, chưa kể việc trà trộn của hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, quy định áp dụng tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế đã bị gia hạn, lùi thời điểm áp dụng nhiều lần. Điều này khiến các sản phẩm bảo đảm chất lượng phải cạnh tranh không lành mạnh với các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí một số trường hợp chi phí sản xuất hầu như không đáng kể mà chủ yếu đổ vào quảng cáo, mua chuộc...

Do đó, đã đến lúc phải siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật của thực phẩm chức năng cả nhập khẩu và sản xuất trong nước (cụ thể là phải đạt GMP). Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ về giá cả, quảng cáo, chỉ định... để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải tuân thủ các quy chuẩn. Tuyệt đối không thể để dễ dãi và thỏa hiệp khi vấn đề liên quan sức khỏe, tính mạng của người dân.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, điều quan trọng là giải quyết được tình trạng bát nháo về thực phẩm chức năng, bảo vệ người tiêu dùng. Trên tinh thần đó, phải nghiêm túc triển khai Nghị định 15, cũng như khẩn trương bổ sung những quy định pháp luật riêng để xử lý nghiêm các vi phạm liên quan thực phẩm chức năng mới có thể bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, không tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dễ dãi sử dụng bất cứ thực phẩm chức năng nào.

BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP Hồ Chí Minh cho biết, thực phẩm chức năng không được coi là thuốc, nó chỉ cung cấp, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất... chứ không phải là thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn coi nó là thuốc chữa bệnh nên dẫn đến hệ quả là bệnh nhân sử dụng tưởng hết bệnh nhưng không hết bệnh. Điều trị không bài bản, không giải quyết thấu đáo được vấn đề bệnh của bệnh nhân.

Thực phẩm chức năng giả bị tạm giữ.

Đồng thời, có thể làm thoái mòn độc tính của bệnh nhân so với phương pháp điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, thực phẩm chức năng cũng có khả năng gây các phản ứng dị ứng. “Lạm dụng thực phẩm chức năng có thể làm rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất do cơ thể nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng”, BS Mai Bá Tiến Dũng nói.

Để dẹp tình trạng sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng giả, Bộ Y tế cần tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc tại các cơ sở liên quan trên cả nước và phải kiểm soát đặc biệt đối với việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Các cơ quan chức năng ở địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, thực phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Công tác xét xử cần công khai để tăng cường tính răn đe, giáo dục. Người dân cũng đề nghị cơ quan chức năng hãy nêu tên các sản phẩm giả đã được sản xuất tung ra thị trường để người dân biết, tránh dùng phải sản phẩm giả.

Hơn 4.000 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2000 mới có khoảng 63 sản phẩm thực phẩm chức năng của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với hơn 10.000 loại sản phẩm đang lưu hành. Hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán thực phẩm chức năng. Tốc độ phát triển nhanh khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng càng thêm khó khăn.

Gần đây cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ nhiều thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cho thấy có cả doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng giả rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, thậm chí dán tem nhãn mác sản phẩm hàng chính hãng.

P.V (Theo CAND)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/suc-khoe/172342/thi-truong-thuc-pham-chuc-nang---vang-thau-lan-lon