Thị trường tiền mã hóa Ấn Độ đang chết dần

Thuế cao và môi trường pháp lý phức tạp khiến cho các sàn giao dịch tiền mã hóa của Ấn Độ mất dần nhà đầu tư.

 Thị trường tiền mã hóa Ấn Độ không còn hấp dẫn giới đầu tư. Ảnh: Unsplash.

Thị trường tiền mã hóa Ấn Độ không còn hấp dẫn giới đầu tư. Ảnh: Unsplash.

Theo nhận định của Rest of World, khối lượng giao dịch trên các sàn tiền mã hóa Ấn Độ giảm mạnh sau khi chính phủ áp mức thuế mới đối với tài sản kỹ thuật số, đẩy dòng vốn đầu tư chuyển dịch ra nước ngoài.

Đình trệ hoạt động

Ngày 24/2, sàn giao dịch tiền mã hóa Ấn Độ WazirX đột ngột đóng cửa bộ phận kinh doanh NFT do "khối lượng trao đổi và sức hút thấp". Công ty chỉ thu được phí giao dịch trị giá 6 USD trong 30 ngày qua, trong khi chi phí máy chủ tính bằng hàng nghìn USD.

Quyết định đưa ra khoảng một tháng sau khi WeTrade, sàn giao dịch tiền mã hóa nổi tiếng khác của quốc gia đông dân nhất thế giới, đột ngột tạm dừng hoạt động do "mùa đông tiền điện tử kéo dài và bầu không khí ngày càng trở kém thân thiện". Ban đầu WeTrade nhắm mục tiêu doanh thu khoảng 12 triệu USD cho năm tài chính 2023.

Việc WeTrade và bộ phận kinh doanh NFT của WazirX đóng cửa là 2 trong số nhiều tổn thất của ngành công nghiệp crypto sau khi chính phủ Ấn Độ đưa tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số ảo vào danh mục đối tượng chịu thuế.

Từ tháng 4/2022, tất cả thu nhập từ tiền mã hóa và tài sản kỹ thuật số ở Ấn Độ bị đánh thuế 30%, cùng với 1% bổ sung được tính dưới dạng thuế khấu trừ tại nguồn (TDS) cho mỗi giao dịch trên 121 USD.

Thuế cao gần như giết chết hệ sinh thái tiền mã hóa Ấn Độ. Rajagopal Menon, Phó chủ tịch WazirX cho biết: "Một ngày sau khi áp dụng TDS, khối lượng giao dịch của WazirX giảm 63%. Cho đến nay, khối lượng của chúng tôi đã bị ảnh hưởng 90% do áp thuế".

 Ấn Độ đánh thuế đối với các giao dịch tiền mã hóa lên đến 30%. Ảnh: Shutterstock.

Ấn Độ đánh thuế đối với các giao dịch tiền mã hóa lên đến 30%. Ảnh: Shutterstock.

Các sàn giao dịch tại Ấn Độ đều chịu sụt giảm nghiêm trọng về các chỉ số như lượt tải xuống ứng dụng, lưu lượng truy cập trang web và khối lượng trao đổi. Vô hình trung điều này mang lại lợi ích cho các sàn giao dịch quốc tế.

Vikram Subburaj, đồng sáng lập sàn giao dịch Giottus, cho rằng khối lượng giao dịch trên các sàn tiền mã hóa của Ấn Độ đã giảm khoảng 70% sau khi áp dụng chế độ thuế mới. "Điều này cũng ảnh hưởng đến việc nộp thuế cho chính phủ", ông nhận định.

Chuyển dịch dòng vốn

Giao dịch tiền mã hóa ở Ấn Độ đang chuyển sang các nền tảng nước ngoài sau chính sách thuế mới, theo một nghiên cứu hồi tháng 1 của Esya Center. Cụ thể, từ tháng 2-10/2022, các nhà đầu tư Ấn Độ chuyển khối lượng giao dịch tổng cộng 3,85 triệu USD sang các sàn nước ngoài.

Rest of World khảo sát 10 nhà đầu tư về vấn đề này. Có 4 người ngừng giao dịch tài sản kỹ thuật số do thuế cao, sự biến động toàn cầu và cáo buộc gian lận nhắm vào Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập FXT.

3 người đang ở "chế độ theo dõi" và không đầu tư bất kỳ khoản tiền mới nào, trong khi 3 nhà đầu tư còn lại bắt đầu chuyển các giao dịch tiền mã hóa ra nước ngoài.

"Thật vô nghĩa khi tôi đầu tư vào tiền mã hóa tại Ấn Độ. Tôi có thể tránh những khoản thuế lớn như vậy bằng cách sử dụng chương trình LRS hợp pháp để đầu tư ở Dubai và Singapore, những nơi có lợi hơn cho việc kinh doanh", Sanjeev K, một nhà đầu tư ở Mumbai, nói với Rest of World.

Chương trình Chuyển tiền tự do hóa (Liberalised Remittance Scheme – LRS) cho phép người Ấn Độ tự do chuyển tối đa 250.000 USD mỗi năm tài chính cho các giao dịch ở nước ngoài.

Singapore và Dubai có mức thuế thấp đến mức không đáng kể. Những nơi này được xem là khu vực pháp lý thân thiện cả nhà đầu tư và sàn giao dịch tiền mã hóa.

 Các nhà đầu tư Ấn Độ chuyển sang giao dịch tại các thị trường miễn thuế. Ảnh: Cryptopolitan.

Các nhà đầu tư Ấn Độ chuyển sang giao dịch tại các thị trường miễn thuế. Ảnh: Cryptopolitan.

Tại Singapore, tiền mã hóa được coi là tài sản vô hình, vì vậy lợi nhuận tạo ra từ hoạt động giao dịch được miễn thuế. Ở Dubai, cư dân không cần phải trả bất kỳ khoản thuế thu nhập cá nhân nào.

Tuy nhiên, Mỹ - thị trường tiền mã hóa lớn nhất thế giới – lại đánh thuế lên tới 20%. Tương tự, Bỉ, Iceland, Israel, Philippines và Nhật Bản xếp tiền mã hóa vào danh mục chịu thuế cao nhất, mức dao động từ 33% đến 50%. Do đó, tỷ lệ 30% của Ấn Độ không phải là con số cá biệt.

Rahul Pagidipati, CEO của sàn giao dịch ZebPay nhận định mức thuế mới đối với tiền mã hóa tương tự một số hoạt động mà chính phủ không khuyến khích phát triển, chẳng hạn như cờ bạc.

Hi vọng mới cho thị trường

Vào tháng 12/2022, chính phủ cùng với Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ triển khai chương trình thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số e-Rupee. Mục tiêu là tạo điều kiện thanh toán trực tuyến an toàn, chi phí thấp, tránh những rủi ro nếu sử dụng các loại tiền mã hóa khác.

Cuộc khủng hoảng niềm tin từ các nhà đầu tư khiến ngành công nghiệp tiền mã hóa Ấn Độ đứng trước ngã rẽ. Tuy nhiên, một số người vẫn còn hy vọng.

Sumit Gupta, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của ứng dụng đầu tư tiền mã hóa CoinDCX, cảm thấy vui khi Ấn Độ nêu ra vấn đề quy định về tiền mã hóa tại các diễn đàn toàn cầu như Hội nghị thượng đỉnh G20.

Ông tự tin rằng, cuối cùng Ấn Độ sẽ bỏ hoặc hạ thấp thuế TDS - một động thái không chỉ ngăn chặn sự sụt giảm khối lượng giao dịch tiềnmã hóa mà còn thúc đẩy "sự gia tăng gấp nhiều lần".

"Các nhà chức trách nên xem xét việc giảm tỷ lệ TDS. Tương tự các loại tài sản được quản lý, những quy định hiện hành về tài sản vốn có thể được áp dụng cho tài sản kỹ thuật số", người phát ngôn của ứng dụng giao dịch tiền điện tử CoinSwitch nêu ý kiến.

Nguyễn Hiếu

Theo Rest of World

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-tien-ma-hoa-an-do-dang-chet-dan-post1409983.html