Thị trường tiền mã hóa đón thêm tin xấu
Vết thương đang lan rộng trong ngành tiền mã hóa sau bê bối của FTX. Làn sóng bán tháo khiến thị trường đỏ lửa, cổ phiếu doanh nghiệp giảm mạnh, nhiều công ty sắp phá sản.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/11, giá cổ phiếu Coinbase lao dốc 8%. Theo CNBC, đà giảm đã đẩy cổ phiếu của sàn giao dịch tiền mã hóa xuống mức thấp nhất kể từ khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hồi tháng 4/2021.
Giới đầu tư lo ngại tác động lan tỏa từ sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX. Giá Bitcoin, Ether và các đồng tiền mã hóa khác cũng lao dốc mạnh.
Thêm vào đó, ngày càng có nhiều nghi ngại xoay quanh sức khỏe của các công ty trong ngành công nghiệp tiền mã hóa như Genesis và BlockFi. Tình trạng bán tháo khiến một số công ty phải dừng giao dịch, thậm chí chuẩn bị hồ sơ phá sản.
Vốn hóa Coinbase bốc hơi, Genesis thừa nhận nguy cơ phá sản
Theo dữ liệu của CoinMarketCap ngày 22/11, giá Bitcoin giảm 2,53% so với 24 giờ trước đó xuống 15.755 USD/đồng. Vốn hóa của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới thu hẹp còn 302 tỷ USD. So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11/2021, Bitcoin đã mất 77% giá trị.
Trong khi đó, giá Ether giảm 3,3% so với 24 giờ trước đó và 12,71% so với một tuần trước đó xuống 1.093 USD/đồng. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa lao dốc 2,1% về 784 tỷ USD.
Trong vòng một năm, hơn 2.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.
Mới đây, công ty môi giới tiền mã hóa Genesis đã thừa nhận "nguy cơ phá sản" trong bối cảnh ảnh hưởng từ cú rơi của đế chế FTX lan rộng toàn ngành.
Trước đó, công ty này đã tạm dừng cho vay và rút tiền mã hóa. Theo Bloomberg, đại diện công ty cho biết quyết định được đưa ra "để đối phó với tình trạng thị trường bị xáo trộn nghiêm trọng sau sự kiện của FTX".
Cuối tuần trước, đội ngũ phân tích của Mizuho cho biết khối lượng giao dịch của toàn ngành đã thấp hơn 30-40% so với mức trung bình năm.
Dòng tiền chảy khỏi các sàn giao dịch tiền mã hóa trên toàn cầu tăng đột biến. Trong vỏn vẹn 7 ngày tính đến hôm 14/11, người dùng đã rút tổng cộng 3,7 tỷ USD Bitcoin và 2,5 tỷ USD Ether.
Vết thương lan rộng
Niềm tin vào ngành công nghiệp tiền mã hóa đã bị thiêu rụi bởi bê bối của FTX. Ngày 11/11 (theo giờ Việt Nam), FTX chính thức đệ đơn phá sản lên tòa án Mỹ sau khi cạn kiệt thanh khoản, CEO Sam Bankman-Fried - người từng được coi là "người hùng tiền mã hóa" - từ chức ngay sau đó.
Sàn giao dịch tiền mã hóa rơi vào khủng hoảng vì sử dụng tiền gửi của khách hàng sai mục đích. Khi người dùng rút tiền ồ ạt, sàn không còn tiền mặt và phải dừng giao dịch.
Trước đó, công ty bị Binance từ chối mua lại vì "những báo cáo mới nhất liên quan tới việc xử lý sai nguồn tiền của khách hàng và các cuộc điều tra của giới chức Mỹ".
Coinbase không miễn nhiễm với sự sụp đổ trong hệ sinh thái tiền mã hóa
Chuyên gia Jason Kupferberg của Bank of America
Trước vụ việc, FTX được đánh giá là “blue-chip” trong ngành tiền thuật toán. Trong hồ sơ phá sản, công ty cho biết đang nợ 3,1 tỷ USD từ 50 chủ nợ lớn nhất. Nhóm luật sư thừa nhận sàn giao dịch này hiện có khoảng một triệu chủ nợ.
Nói với CNBC hôm 11/11, ông Brian Armstrong - Giám đốc điều hành Coinbase - thừa nhận rằng rất nhiều người đang thua lỗ vì những bê bối của FTX.
Hôm 18/11, Bank of America đã hạ xếp hạng của Coinbase với lý do "rủi ro lây lan" đối với sàn giao dịch tiền mã hóa, dù Coinbase không phải "FTX thứ 2".
"Họ không miễn nhiễm với sự sụp đổ trong hệ sinh thái tiền mã hóa", chuyên gia Jason Kupferberg của Bank of America bình luận
Hồi đầu tháng, Coinbase báo cáo doanh thu quý III lao dốc hơn 50% so với một năm trước đó, khiến nền tảng này gánh lỗ 545 triệu USD.
Vào tháng 6, sàn giao dịch tiền mã hóa đã cắt giảm 18% lực lượng lao động.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-tien-ma-hoa-don-them-tin-xau-post1377758.html