Thị trường toàn cầu 'đỏ lửa' sau 'phát súng' của Tổng thống Trump áp đặt thuế quan

Việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp đặt thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc được xem như một 'phát súng' có thể làm bùng phát chiến tranh thương mại quy mô lớn khiến thị trường tài chính toàn cầu chìm ngập trong sắc đỏ.

Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan với hàng hóa của Canada, Mexico và Trung Quốc

Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan với hàng hóa của Canada, Mexico và Trung Quốc

Cơn “hoảng loạn” của thị trường

Các chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ tiếp tục giảm điểm trong ngày giao dịch 3-2 song mức giảm đã thu hẹp hơn so với mức thấp trong phiên giao dịch trước đó sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lùi thời hạn áp thuế 1 tháng đối với Mexico và Canada. Chốt phiên giao dịch ngày 3-2 (kết thúc ngày 4-2 theo giờ Việt Nam) trên thị trường phố Wall, chỉ số Dow Jones giảm 122,75 điểm (0,28%) xuống 44.421,91 điểm; chỉ số S&P 500 để mất 45,96 điểm (0,76%), về còn 5.994,57 điểm; chỉ số Nasdaq Composite “bốc hơi” 235,49 điểm (1,2%), đóng phiên tại 19.391,96 điểm.

Trong số 11 nhóm, ngành chính của S&P 500 chỉ có 5 nhóm tăng điểm, dẫn đầu là y tế và hàng tiêu dùng thiết yếu, những ngành mang tính phòng thủ. Ngược lại, công nghệ thông tin và tiêu dùng không thiết yếu giảm mạnh nhất. Tuy nhiên, cổ phiếu của các hãng ô tô truyền thống, vốn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thuế quan, đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ sau khi ông Donald Trump tuyên bố lùi thời hạn áp thuế 1 tháng đối với Mexico và Canada. Cổ phiếu Ford chỉ giảm 1,9%, trong khi General Motors mất 3,2%.

Thị trường chứng khoán Anh và châu Âu cũng đã sụt giảm mạnh sau khi Mỹ công bố các mức thuế quan mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4-2 nhằm vào Trung Quốc, Canada và Mexico, gây ra lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trong phiên giao dịch ngày 3-2, các thị trường chứng khoán ở châu Âu đã lao dốc sau khi các nhà đầu tư hoảng sợ trước loạt biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chỉ số cổ phiếu FTSE 100 của Anh đã giảm 106 điểm xuống còn 8.570 điểm, giảm mạnh so với mức cao kỷ lục đạt được vào ngày 31-1 vừa qua. Chỉ số DAX của Đức giảm gần 2%, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,7%. IBEX của Tây Ban Nha giảm 1% và FTSE MIB của Italia mất 1,2% giá trị.

Tại Thủ đô London của Anh, hầu như mọi cổ phiếu đều giảm, dẫn đầu là các công ty quản lý tài sản, trong đó Polar Capital giảm 4,5%, Intermediate Capital Group, công ty khai khoáng Antofagasta và Scottish Mortgage Investment Trust đều giảm hơn 3%. Cổ phiếu của ngân hàng Anh cũng chung tình cảnh tương tự. Giá trị cổ phiếu của Barclays, ngân hàng bị ảnh hưởng vì sự cố công nghệ thông tin khiến hàng nghìn khách hàng không truy cập được tài khoản trong hai ngày 31-1 và 1-2, đã mất 2,5%. Chứng khoán châu Á lao dốc ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 3-2, khi các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu do lo ngại tác động từ các biện pháp thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lao dốc 2,66%, trong khi chỉ số Topix mất 2,45%. Tương tự, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Australia giảm 1,79%. Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi sụt 2,52% và chỉ số Kosdaq hạ hơn 2,79%.

Đợt bán tháo cũng nhấn chìm các loại tiền điện tử, vốn đã tăng giá kể từ khi ông Donald Trump đắc cử vào tháng 11-2024. Bitcoin, loại tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, đã chạm mức thấp nhất trong vòng 3 tuần là 91.441,89 USD qua đêm và đứng ở mức 95.730,35 USD, giảm 6,2% trong ngày 3-2.

Ngược lại, giá vàng đạt mức cao kỷ lục vào ngày 3-2 do được nhiều nhà đầu tư chọn làm nơi trú ẩn an toàn vì lo ngại một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Tính đến sáng 4-2 theo giờ Việt Nam, giá vàng vẫn duy trì gần mức đỉnh khi được giao dịch quanh mức 2.813 USD/ounce.

Nguy cơ chiến tranh thương mại phủ bóng toàn cầu

Việc chính quyền tân Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan với 3 đối tác thương mại lớn của Mỹ là Canada, Mexico (tuyên bố tạm hoãn trong vòng 1 tháng với 2 nước này) và Trung Quốc từ ngày 4-2 đã phủ bóng đen u ám lên không chỉ thương mại toàn cầu mà cả nền kinh tế thế giới bởi tác động sâu rộng của nó. Động thái này đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, đồng thời là một đòn giáng đáng kể vào triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

So với cuộc chiến thương mại được Tổng thống Donald Trump triển khai trong nhiệm kỳ đầu tiên, quy mô hàng hóa chịu tác động lần này lớn hơn nhiều. Hồi năm 2018-2019, các biện pháp thuế của chính quyền ông Donald Trump khi đó chỉ tác động 2/3 hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, tức xấp xỉ 370 tỷ USD mỗi năm. Lần này, ông Donald Trump đánh vào toàn bộ hàng Trung Quốc, với giá trị hàng hóa chịu ảnh hưởng lên đến 401,4 tỷ USD.

Tương tự, trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Donald Trump chỉ áp thuế đối với thép và nhôm từ Canada và Mexico. Tuy nhiên, sắc lệnh mà vị chủ nhân Nhà trắng vừa ký ngày 1-2 bao trùm gần như toàn bộ hàng hóa 2 quốc gia láng giềng này xuất vào Mỹ, với giá trị lần lượt là 466,6 tỷ USD (Mexico) và 377,2 tỷ USD (Canada). Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế quan cao với Canada, Mexico và Trung Quốc được cho sẽ gây hệ lụy tiêu cực hai chiều, với cả Mỹ và 3 đối tác thương mại lớn này của Washington. Tuy nhiên, theo giới kinh tế, 3 đối tác sẽ là bên chịu nhiều thiệt hại hơn so với Mỹ.

Quy mô kinh tế Mexico phụ thuộc đến 40% vào hoạt động xuất khẩu và thị trường Mỹ là điểm đến của 80% giá trị hàng hóa nước này. Nếu ông Trump duy trì chính sách thuế lâu dài, nền kinh tế nước này có thể suy giảm đến 4% trong năm 2025. Canada cũng ở trong thế tương tự khi giá trị hàng hóa nước này bán sang Mỹ chiếm đến 77% kim ngạch xuất khẩu, trong khi hàng nhập từ Mỹ chỉ chiếm 18% kim ngạch nhập khẩu. Thế nên, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt thuế quan 25% lên tất cả các hàng hóa của mình nhập vào Mỹ, cả Canada và Mexico đã ngay lập tức tuyên bố đáp trả bằng cách nâng rào thuế quan ở chiều ngược lại. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa tương ứng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 2-2 vừa qua cho biết, nước này sẽ áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa của Mỹ có giá trị lên tới 155 tỷ đô la Canada (tương đương 106,5 tỷ USD) để đáp trả mức thuế quan mới của Washington. Các mặt hàng này bao gồm bia, rượu, hoa quả, nước hoa quả, quần áo, giày dép... Theo ông Justin Trudeau, chính phủ Canada đang cân nhắc thêm một số biện pháp đáp trả phi thuế quan như một số hành động liên quan đến khoáng sản quan trọng, các hợp đồng mua bán năng lượng và hoạt động đối tác khác giữa hai nước.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 1-2 đã ra lệnh thực hiện các biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích quốc gia để phản ứng trước việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico. Tổng thống Claudia Sheinbaum cho biết, đã yêu cầu Bộ trưởng Kinh tế nước này triển khai “Kế hoạch B” bao gồm các biện pháp cả thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích đất nước. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2-2, có thông cáo chỉ trích động thái tăng thuế quan của Mỹ vi phạm nghiêm trọng quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kêu gọi Mỹ tăng cường hợp tác và đối thoại thẳng thắn để giải quyết vấn đề. Trung Quốc cảnh báo, sẽ đệ đơn kiện lên WTO và “sẽ có những biện pháp đối phó tương ứng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình”.

Liên minh châu Âu (EU) dù chưa bị chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế nhưng cũng đã lên tiếng chỉ trích việc áp đặt đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, cho rằng chính sách này làm gián đoạn thương mại toàn cầu và gây hại cho tất cả mọi người. Đáng chú ý, liên minh 27 thành viên này khẳng định, “sẽ đáp trả nếu bị nhắm mục tiêu”. Bóng ma của một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu do đó đang treo lơ lửng trên nền kinh tế thế giới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thi-truong-toan-cau-do-lua-sau-phat-sung-cua-tong-thong-trump-ap-dat-thue-quan-post602609.antd