Thị trường trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi châu Á đón dòng vốn mới
Trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với các trái phiếu khác trên toàn cầu từ bất kỳ đợt tăng của trái phiếu kho bạc Mỹ.
Theo phân tích của Bloomberg, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hàn Quốc có mức chênh lệch khoảng 100 điểm cơ bản so với trái phiếu kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn, thấp hơn 2,1 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm. Các tính toán đối với trái phiếu của Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc cũng cho thấy mức chênh lệch lợi suất hẹp, trong khi tính toán đối với trái phiếu ở Hungary, Colombia, Ba Lan và Mexico cho thấy mức chênh lệch tương đối rộng hơn.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã sụt giảm trong tháng này do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đã đặt ra tiêu chuẩn cao cho các đợt tăng lãi suất sắp tới, bất luận nhiều quan chức Fed tiếp tục đưa ra tín hiệu giữ lãi suất cao hơn, trong thời gian dài hơn.
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế mới nổi châu Á đang chờ đợi Fed cắt giảm lãi suất trước khi họ tiến hành nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, một số nền kinh tế mới nổi châu Á với tình hình tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao có thể thúc đẩy họ hành động sớm hơn.
Ông Eugene Leow, chiến lược gia lãi suất cao cấp của DBS Group Holdings (Singapore), cho rằng chênh lệch lợi suất trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi châu Á thấp so với trái phiếu kho bạc Mỹ vì khu vực này chưa phải đối mặt với "áp lực giá cả như Mỹ". "Cho nên khi Fed điều chỉnh lại mức thấp hơn, các ràng buộc bên ngoài đối với ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, cho phép họ thực hiện cắt giảm lãi suất nếu cần thiết", ông Leow nói thêm.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm 7 điểm cơ bản trong tháng 5, trong khi lợi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của các nền kinh tế mới nổi châu Á đã giảm trung bình 11 điểm cơ bản. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) chỉ giảm 4 điểm cơ bản, còn lợi suất trái phiếu của khu vực Mỹ Latinh tăng nhẹ.
Sự sụt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã khiến việc đầu tư vào tài sản ở các thị trường mới nổi châu Á trở nên hấp dẫn hơn. Bằng chứng là các quỹ toàn cầu đã rót 560 triệu USD vào trái phiếu Thái Lan trong tháng 5, đánh dấu dòng vốn nước ngoài đầu tiên sau 6 tháng. Tương tự, thị trường trái phiếu Indonesia đã chứng kiến dòng vốn nước ngoài ròng đầu tiên trong năm nay lên tới 944 triệu USD.
Bất kỳ dấu hiệu nào về chính sách tiền tệ ôn hòa của Fed tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào giữa tháng 6 có thể thúc các nền kinh tế mới nổi châu Á nới lỏng tiền tệ. Lạm phát tháng 4 ở Malaysia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan đều thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế, báo hiệu rằng tình trạng giảm phát đang ngày càng lan rộng trong khu vực.