Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Có thể chững lại, nhưng sẽ bền vững hơn

Có hiện tượng 'chạy nước rút' để 'né' quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Sau 1/9/2020, thị trường này có thể chững lại trong giai đoạn đầu, nhưng các quy định pháp lý mới, đặc biệt là từ 2021 sẽ làm thị trường bền vững hơn, bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.

Để tìm hiểu thêm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Tú – Chuyên viên phân tích cao cấp, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư – Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research).

* PV: Dù cơ quan quản lý liên tiếp đưa ra cảnh báo, tuy nhiên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn tăng trưởng khá “nóng”. Bà đánh giá thế nào về thị trường TPDN từ đầu quý II tới nay?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Sự sôi động của thị trường TPDN đã bắt đầu từ nửa cuối năm 2019 nhưng thực sự tăng nhiệt mạnh kể từ đầu quý II/2020. Trong vòng 5 tháng từ tháng 4 đến hết tháng 8/2020, có tổng cộng 238,2 nghìn tỷ đồng TPDN được phát hành, tăng 97% so với cùng kỳ 2019. Tổng lượng TPDN phát hành 8 tháng đầu năm 2020 là 287,3 nghìn tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với 8 tháng năm 2019.

Đáng lưu ý, tỷ trọng phát hành của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm mạnh xuống 26% từ mức 42% của 8 tháng năm 2019. Nếu loại trừ trái phiếu của các NHTM, tổng TPDN phát hành 8 tháng năm 2020 gấp tới 2,8 lần so với cùng kỳ 2019, trong đó nhiều nhất là trái phiếu bất động sản.

* PV: Gần đây, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp “chạy nước rút” phát hành với lãi suất rất cao, thậm chí có doanh nghiệp huy động được gấp nhiều lần so với vốn điều lệ, trước khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP và Thông tư 77/2020/TT-BTC có hiệu lực. Bà có nhìn nhận thế nào về diễn biến này?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú:Đúng là có hiện tượng “chạy nước rút”. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu “né” ngày hiệu lực (01/9/2020) của Nghị định 81; tuy nhiên, lãi suất phát hành cũng ở mức phù hợp, không có các lô phát hành lãi suất cao đột biến. Theo tính toán của chúng tôi, lãi suất phát hành (không tính trái phiếu ngân hàng) trong quý II/2020 giảm 0,14% so với quý I/2020.

Chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý đã lường trước được sự tăng tốc phát hành này và chủ động để thị trường dần điều chỉnh, tránh biến động đột ngột khi công bố dự thảo Nghị định từ đầu năm 2020 và xác định ngày có hiệu lực của Nghị định 81 sau ngày ban hành gần 2 tháng.

 Có hiện tượng DN "chạy nước rút" để "né" quy định mới về TPDN. Ảnh: Duy Dũng.

Có hiện tượng DN "chạy nước rút" để "né" quy định mới về TPDN. Ảnh: Duy Dũng.

* PV: Nhiều ý kiến cho rằng, TPDN nên nghiêng nhiều về kênh đầu tư hơn kênh đầu cơ. Qua quan sát của bà tại thị trường Việt Nam, thị trường TPDN đang có tính đầu tư nhiều hơn hay tính đầu cơ nhiều hơn?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú:Tuy tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây nhưng thị trường TPDN Việt Nam vẫn khá sơ khai, đặc biệt là thị trường thứ cấp còn rất manh mún, tính thanh khoản trái phiếu thấp, nên hoạt động đầu cơ không dễ thực hiện. Chúng tôi cho rằng, phần nhiều các nhà đầu tư tìm đến TPDN vẫn với mục đích đầu tư.

Tuy nhiên, yếu tố khiến thị trường này thiếu bền vững đó là mức độ tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng mạnh, trong khi hiểu biết về các rủi ro liên quan đến TPDN còn hạn chế, không có khả năng tiếp cận các thông tin thị trường và thông tin của tổ chức phát hành, đôi khi còn bị nhiễu loạn bởi các tư vấn của các trung gian phân phối.

* PV: Không phủ nhận trái phiếu là kênh sinh lời hiệu quả, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu mua trái phiếu mà chỉ tính tới mục đích “đầu cơ” thì rủi ro càng cao. Bà có khuyến nghị gì đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tới 01/01/2021, Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới có hiệu lực?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú:Sang năm 2021, theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, toàn bộ các lô phát hành TPDN riêng lẻ chỉ được phân phối cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng nghĩa với việc các trái phiếu muốn phân phối tới các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì phải lựa chọn hình thức phát hành ra công chúng với các yêu cầu khắt khe hơn về công bố thông tin cả trước và sau khi phát hành.

Cùng với đó là sự ra đời của các tổ chức định hạng tín nhiệm trái phiếu, các yêu cầu về lộ trình niêm yết trái phiếu sẽ giúp nâng cao chất lượng và quy mô của thị trường TPDN thứ cấp, giảm thiểu các chi phí và rủi ro cho các nhà đầu tư.

Chúng tôi cho rằng, TPDN thực sự là một kênh đầu tư hấp dẫn, các yêu cầu mới tại Luật Doanh nghiệp có thể khiến thị trường chững lại trong giai đoạn đầu, nhưng sẽ giúp thị trường TPDN phát triển bền vững hơn, bảo vệ lợi ích các nhà đầu tư cá nhân tốt hơn.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-09-20/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-co-the-chung-lai-nhung-se-ben-vung-hon-92463.aspx