Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục giảm nhiệt

Các doanh nghiệp cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại sử dụng kênh tín dụng sau khi kênh trái phiếu bị thắt chặt.

Theo thống kê từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), trong tháng 10/2020, có 90 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công, huy động được 9.504 tỷ đồng, tương đương 62,7% giá trị đăng ký.

Trong đó, nhóm tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu với tỷ trọng gần 39%, tương ứng giá trị 3.706 tỷ đồng. Nhóm bất động sản xếp thứ hai với giá trị tương đương 3.069 tỷ đồng, chiếm hơn 32% toàn thị trường. So với con số phát hành thành công tháng 9/2020, giá trị kỳ này giảm 1.000 tỷ. Đặc biệt, so với đỉnh điểm tháng 8/2020, giá trị tháng 10 đạt chưa đến 1/6.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục giảm nhiệt không có nhiều bất ngờ khi các điều kiện phát hành riêng lẻ bị siết chặt hơn tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020.

Theo chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó có thể chuyển hướng sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng do vướng điều kiện ở Thông tư 75/2004/TT-BTC hướng dẫn phát hành trái phiếu ra công chúng.

Trong đó, điều kiện vướng mắc nhất là yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi trong năm liền trước năm đăng ký phát hành và đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký phát hành.

KBSV nhận định, các doanh nghiệp cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại sử dụng kênh tín dụng sau khi kênh trái phiếu bị thắt chặt. Tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm hiện chỉ ở mức 6,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 (8 – 10%) nên dư địa để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới vẫn còn tương đối nhiều.

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 2 tháng cuối năm 2020, do đó, sẽ không có nhiều biến động mạnh như quý 2.

Sau quãng thời gian tăng trưởng nóng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm yếu và cần thời gian cũng như khung pháp luật chặt chẽ hơn để điều chỉnh.

Thống kê kết quả các đợt phát hành, tổ chức FiinRating ghi nhận đang có sự mất cân xứng giữa năng lực tín dụng của nhà phát hành và lãi suất trái phiếu trên thị trường.

Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản hiện đang huy động trái phiếu với lãi suất từ 10 – 12%/năm. Tuy nhiên tình hình tài chính của các doanh nghiệp này rất khác nhau và được FiinRating xếp hạng từ Aa (rất tốt) đến Caa (Rất yếu). Đánh giá các yếu tố tài chính là một phần trong thẻ điểm xếp hạng tín nhiệm của FiinRating, chiếm gần 50% trọng số tùy theo ngành.

Việc các doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu đang huy động được vốn với mức lãi suất tương đương với doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt còn đặt ra dấu hỏi về nguồn tài chính, đặc biệt trong các đợt phát hành riêng lẻ. Đây là hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp phổ biến thời gian qua, được đánh giá là kém minh bạch so với phát hành đại chúng.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thậm chí còn cho rằng, một số trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện đang có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-tiep-tuc-giam-nhiet-1605775595944.htm