Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ

Năm 2024 ghi nhận tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 443.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với năm trước, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm đến 92%. Hoạt động phát hành sôi động nhất vào hai quý cuối năm, phản ánh nhu cầu vốn tăng cao khi kinh tế dần hồi phục. Với đà tăng trưởng tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được dự báo sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong năm 2025.

Ngành bất động sản, kỳ vọng sự phục hồi sẽ diễn ra mạnh hơn vào nửa đầu 2025, nhờ đó nhu cầu vốn sẽ gia tăng. Ảnh tư liệu

Ngành bất động sản, kỳ vọng sự phục hồi sẽ diễn ra mạnh hơn vào nửa đầu 2025, nhờ đó nhu cầu vốn sẽ gia tăng. Ảnh tư liệu

Phát hành trái phiếu bứt phá

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói chung và TPDN riêng lẻ nói riêng đã ghi những dấu ấn tích cực trong năm 2024. Về bức tranh toàn cảnh thị trường TPDN năm vừa qua và triển vọng năm 2025, theo bà Nguyễn Thảo Hạnh – Chuyên gia Khối Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính Xanh, Công ty CP FiinRatings, tổng giá trị phát hành TPDN năm 2024 tính đến thời điểm ngày 31/12/2024 đạt 443.700 tỷ đồng (trong đó giá trị phát hành riêng lẻ chiếm 92%), tăng gần 27% so với năm trước. Hoạt động phát hành diễn ra sôi động nhất vào quý III và IV/2024, phản ánh nhu cầu vốn gia tăng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Ngân hàng dẫn đầu phát hành Trái Phiều Doanh Nghiệp trong năm 2024

So với năm 2019, xu hướng phát hành TPDN riêng lẻ năm 2024 có sự chuyển dịch rõ rệt, tập trung vào các ngân hàng thương mại. Khối ngân hàng chiếm gần 70% tổng lượng phát hành, trong khi bất động sản dân cư đứng thứ hai với 17%, so với tỷ trọng ngang nhau 32% của hai nhóm này vào năm 2019. Chuyên gia từ VIS Rating dự báo, nguồn cung TPDN từ hai nhóm ngành này sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong thời gian tới.

Sang năm 2025, hoạt động phát hành trên thị trường TPDN nói chung và TPDN riêng lẻ nói riêng được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ 2 yếu tố chính. Thứ nhất, bên cạnh các tổ chức tín dụng là nhóm ngành phát hành dẫn dắt thị trường, năm nay nhiều khả năng sẽ ghi nhận hoạt động phát hành sôi động hơn ở nhóm ngành phi tài chính bao gồm bất động sản, hạ tầng cơ bản như năng lượng tái tạo, nước sạch,…

Các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục phát hành lượng lớn trái phiếu để củng cố nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2025 dự kiến ở mức 16%, đồng thời tuân thủ các tỷ lệ an toàn của Ngân hàng Nhà nước.

Với ngành bất động sản, kỳ vọng sự phục hồi sẽ diễn ra mạnh hơn vào nửa đầu 2025 khi được tháo gỡ pháp lý trên diện rộng hơn trong việc triển khai các dự án mới, nhờ đó nhu cầu vốn cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Với ngành năng lượng tái tạo, việc Chính phủ đang đẩy mạnh các chính sách triển khai quy hoạch điện 8 nhằm giải quyết vấn đề rủi ro thiếu điện từ năm 2026 sẽ giúp nhiều dự án được triển khai theo cơ chế mới và từ đó nhu cầu vốn dài hạn qua kênh TPDN sẽ sôi động trở lại.

Thứ hai, thị trường TPDN xuất hiện nhiều yếu tố mới về kỳ hạn. Theo đó, trái phiếu được bảo lãnh, được xếp hạng tín nhiệm và đạt chuẩn xanh đã ghi nhận sự phát triển trong năm vừa qua. Kỳ vọng trong năm 2025 sẽ tiếp tục giúp thúc đẩy sự phát triển của kênh huy động vốn này.

Luật mới thúc đẩy niềm tin thị trường

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc, Chuyên gia phân tích Cao cấp Khối Xếp hạng Tín nhiệm và Nghiên cứu tại Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), thị trường TPDN Việt Nam mới nhận được sự chú ý nhiều của nhà đầu tư kể từ giai đoạn dịch Covid-19. Cụ thể, tại thời điểm năm 2019 trước khi có dịch Covid-19, giá trị phát hành riêng lẻ TPDN đạt 380.000 tỷ đồng. Sau đó trong năm 2020 tăng lên gần 500.000 tỷ đồng và đạt đỉnh vào năm 2021 với mức gần 730.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn thị trường TPDN gặp khủng hoảng với nhiều tổ chức phát hành gặp tình trạng chậm trả trái phiếu, khối lượng phát hành của năm 2022 và năm 2023 giảm khá mạnh về mức thấp hơn so với năm 2019. Tuy nhiên trong năm 2024 thị trường bắt đầu phục hồi và phát hành trái phiếu riêng lẻ đã có tăng trưởng trở lại so với năm 2019 trước Covid-19.

Nhận định về diễn biến thị trường TPDN sau khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đại diện VIS Rating kỳ vọng rằng, việc nhấn mạnh vào việc bảo vệ nhà đầu tư và tăng trưởng bền vững của thị trường TPDN sẽ thúc đẩy niềm tin thị trường được cải thiện và hoạt động phát hành sôi động hơn trong năm 2025. Theo đó, các sửa đổi này là có lợi cho trái chủ thông qua việc ngăn chặn vi phạm từ các tổ chức phát hành trái phiếu, hạn chế hoạt động đầu tư có rủi ro cao, áp dụng bắt buộc các công bố thông tin kịp thời và xếp hạng tín nhiệm để cải thiện kỷ luật của thị trường.

So với Luật Chứng khoán hiện hành, các sửa đổi mới xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng bên tham gia phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ, bao gồm đơn vị tư vấn, kiểm toán, và đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Luật mới quy định rằng các đơn vị này phải tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành và cung cấp dịch vụ một cách trung thực và có trách nhiệm.

Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ hạn chế hoạt động đầu tư có rủi ro cao của nhà đầu tư cá nhân. Thứ nhất, các công ty có rủi ro cao sẽ bị hạn chế phát hành trái phiếu ra công chúng; tổ chức phát hành sẽ phải tuân thủ các tiêu chí chặt chẽ hơn, chẳng hạn như tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ, điều kiện về người đại diện trái chủ và xếp hạng tín nhiệm theo quy định.

Thứ hai, đối với phát hành riêng lẻ, trái phiếu không còn được phân phối và bán cho các nhà đầu tư cá nhân, trừ khi họ được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp và các trái phiếu đó được xếp hạng và phải được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc có tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có quyền thực thi pháp lý đối với bất kỳ vi phạm nào có thể gây hại cho nhà đầu tư, đơn cử như khi các tổ chức phát hành không công bố thông tin cần thiết cho nhà đầu tư.

“Dựa trên các sửa đổi tích cực về luật và nghị định được ban hành trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi kỳ vọng rằng thị trường TPDN đang dần đi đúng hướng để phát triển bền vững với tính kỷ luật cao hơn” – đại diện VIS Rating nhấn mạnh.

Gia hạn trái phiếu giúp doanh nghiệp tái cơ cấu nợ

Theo đại diện VIS Rating, sau giai đoạn năm 2022 và nửa đầu năm 2023 thị trường TPDN gặp khủng hoảng khi nhiều đơn vị phát hành không trả được nợ gốc và lãi đến hạn, gây thua lỗ cho nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Nghị định 08 đã giúp các tổ chức phát hành có thêm phương án đàm phán với trái chủ để đưa ra lộ trình tái cơ cấu nợ phù hợp. VIS Rating quan sát thấy đa phần các trái phiếu gặp tình trạng chậm trả đều được gia hạn thêm từ 1 đến tối đa là 2 năm theo quy định tại Nghị định 08. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, khởi động các dự án đang bị vướng mắc pháp lý, qua đó có thể cải thiện được dòng tiền để đáp ứng các nghĩa vụ nợ.

Bên cạnh đó cơ quan quản lý nhà nước cũng đã cải thiện các quy định về công bố thông tin, qua đó giúp thị trường cập nhật tốt hơn tình trạng của các tổ chức phát hành trái phiếu đang gặp khó khăn cũng như khoanh vùng được quy mô trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề. Ở góc độ là một đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa, VIS Rating cũng góp phần cung cấp cho công chúng đầu tư một kênh thông tin độc lập và khách quan thông qua hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và trái phiếu, cũng như thông qua các báo cáo nghiên cứu về thị trường trái phiếu định kỳ và các báo cáo chuyên sâu khác.

"Chúng tôi cho rằng kỷ luật thị trường được cải thiện, thông tin ngày một minh bạch hơn là các yếu tố quan trọng giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư" - đại diện VIS Rating nhận định.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-van-co-tiem-nang-phat-trien-manh-me-168737.html