Thị trường trái phiếu sẽ 'dễ thở' hơn?

Theo Bộ Tài chính, việc lùi thời điểm xác định tư cách nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chuyên nghiệp sang đầu năm sau sẽ duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay. Song, liệu thị trường có thực sự được hưởng lợi?

Duy trì cầu đầu tư trái phiếu

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (gọi tắt là dự thảo Nghị định) vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ với một số điểm mới. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất thêm phương án giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu từng đợt phát hành.

Theo Bộ Tài chính, nếu ngưng thực hiện việc xác định tư cách nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đến hết ngày 31.12.2023 sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cá nhân rất thận trọng sau các vụ việc vi phạm vừa qua nên số lượng nhà đầu tư có nhu cầu thực tế khả năng không nhiều.

Nhược điểm của phương án này là có thể sẽ có một số lượng nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, dẫn đến khó thanh lọc, nâng cao chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp để giải quyết những rủi ro đã phát sinh trong thời gian vừa qua. Do đó, để thực hiện chính sách này, dự kiến cơ quan quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật, đánh giá đầy đủ rủi ro của doanh nghiệp phát hành và trái phiếu trước khi mua.

Theo Nghị định 65, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay. Nếu ngưng áp dụng chuẩn này đến đầu năm sau sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023 - 2024.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành của doanh nghiệp, trên thị trường hiện nay mới có 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được cấp phép, Chính phủ xem xét cho phép ngưng thực hiện quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31.12.2023. Song, Bộ vẫn khuyến khích doanh nghiệp chủ động tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng vẫn thực hiện theo lộ trình phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1.1.2023.

Theo chuyên gia, không nên lùi thời điểm xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nguồn: ITN

Theo chuyên gia, không nên lùi thời điểm xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nguồn: ITN

“Không nên lùi” và phải minh bạch hơn

Tuy nhiên, theo TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, 2 đề xuất của Bộ Tài chính như trên là “không cần thiết”.

Ông Nhân phân tích, việc người dân không mua trái phiếu trong thời gian qua mấu chốt là không có lòng tin, sau vụ việc một số lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt vì liên quan trái phiếu doanh nghiệp. “Thực tế, có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích để làm dự án A, nhưng thực tế lại mang tiền đó đi đầu tư dự án B, C… nhưng không có người kiểm soát”, ông Nhân phát biểu.

Theo vị chuyên gia này, áp dụng quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp là việc cần thiết, bởi thực tế có rất nhiều trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp mà không cần biết tình hình doanh nghiệp cũng như mục đích phát hành. Họ mua chỉ vì lãi suất quá hấp dẫn. Việc áp dụng tiêu chuẩn này sẽ góp phần phát triển thị trường trái phiếu theo hướng bền vững hơn. “Nếu lùi sang năm sau mà người dân vẫn tiếp tục không mua trái phiếu doanh nghiệp, liệu chúng ta có tiếp tục lùi thời hạn nữa không?”, ông Nhân đặt vấn đề.

Từ đó, theo vị chuyên gia này, cần có cơ chế rõ ràng quản lý doanh nghiệp phát hành trái phiếu, bảo đảm đó phải thực sự là doanh nghiệp có đủ năng lực, số tiền huy động được dùng đúng mục đích. Cũng bởi lẽ đó, “nhất thiết phải áp dụng xếp hạng tín nhiệm để tránh “vàng thau lẫn lộn”. Đây cũng là cách để sàng lọc thị trường, tạo dựng niềm tin trong nhân dân đối với trái phiếu doanh nghiệp”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings cũng cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần phải củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Muốn vậy, “chìa khóa” là chủ động minh bạch thông tin, nhất là khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, công cụ hỗ trợ đầu tư chưa phát triển. “Tính minh bạch cần phải cải thiện hơn nữa”, ông Khang nói.

Về phía nhà đầu tư, cần trang bị thêm thông tin và làm quen với khái niệm rủi ro khi tham gia đầu tư cũng như làm quen với việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Về phía cơ quan quản lý, các giải pháp đồng bộ cần được đưa ra nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bài bản hơn, bao gồm việc xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp tập trung, tạo thanh khoản giúp thị trường trở nên cân bằng hơn. Đồng thời, xây dựng công cụ hỗ trợ đầu tư, tạo cơ chế phân loại và khuyến khích phát triển nhóm nhà đầu tư không chỉ với tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mà nhiều hình thức định chế đầu tư khác.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thi-truong-trai-phieu-se-de-tho-hon-i316408/