Thị trường trang thiết bị PCCC 'nóng' sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội
Sau vụ cháy thảm khốc tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân, người dân Hà Nội, đặc biệt là những gia đình đang sinh sống trong các khu tập thể, chung cư, chung cư mini cũ… có tâm lý bất an đổ xô mua thang, mặt nạ, thiết bị phòng cháy chữa cháy khiến thị trường này lại 'nóng' hơn bao giờ hết.
Vụ cháy một chung cư mini (9 tầng, 1 tum) tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội vào đêm 12/9/2023 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo Công an Hà Nội, tính đến tối 13/9, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người chết và 37 người bị thương.
Nhiều người cho biết, họ vốn chủ quan trong việc phòng cháy và chưa có nhiều hiểu biết cũng như kinh nghiệm trong việc chữa cháy, thoát hiểm. Đến khi sự việc thương tâm kể trên xảy ra, họ mới bắt đầu tìm hiểu và mua thiết bị.
Ngay sáng ngày 14/9, chị Bùi Hương Giang (44 tuổi, Hà Nội) vội vàng lên mạng tìm kiếm các mặt hàng phòng cháy chữa cháy (PCCC) để mua cho gia đình.
"Đọc tin tức về vụ cháy đêm qua khiến tôi rất lo lắng. Chung cư nơi tôi ở cũng có kết cấu khá giống chung cư mini xảy ra vụ cháy. Sáng nay, tôi đã lập tức lên các sàn thương mại điện tử, facebook tìm mua thiết bị thoát hiểm, chống cháy", chị Giang nói.
Gia đình chị Giang có 4 thành viên, tổng chi phí mua thiết bị hết 1.500.000 đồng, bao gồm 5 mặt nạ chống khí độc và hai thang dây thoát hiểm chậm dài 30m.
Theo tìm hiểu của VnBusiness, trên Facebook, nhiều người đã đăng tải thông tin rao bán dây thoát hiểm thả chậm dùng cho các nhà cao tầng, chung cư.
Khảo sát cho thấy, trên thị trường đang quảng cáo nhiều loại dây thoát hiểm với mức giá khác nhau. Cụ thể, với loại rẻ nhất bằng dây dù xanh, giá đang được rao bán là 120 nghìn đồng/mét, loại đắt bằng cáp lõi thép chắc chắn hơn có giá 220 nghìn đồng. Trong khi đó, loại thang và dây dù xanh có mức giá 150 nghìn đồng/mét, thang bằng cáp lõi thép có giá 250 nghìn đồng/mét.
Chủ tài khoản facebook Bông Bông quảng cáo: Thang dây thoát hiểm giá đỡ bằng thép được làm bằng chất liệu thép chịu lực và sơn tĩnh điện; Có độ dài từ 20 – 50m, chịu tải tới 3.000 kg. Sản phẩm có giá bán là 250 nghìn đồng/mét. “Trong hôm nay, nhiều người tìm mua nên hàng số lượng không còn nhiều, nên các đầu mối tăng giá bán lên 30 nghìn đồng/mét so với trước”, chủ tài khoản này cho hay.
Không chỉ thang dây thoát hiểm bán chạy, các cơ sở bán thiết bị PCCC cũng cho nhu cầu người dân mua đồ thoát hiểm tăng vọt từ ngày 13/9. Các thiết bị được hỏi mua nhiều nhất là thang dây thoát hiểm, bình cứu hỏa, mặt nạ phòng hộ, mũ và găng tay phòng hộ.
Chủ cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động, PCCC trên đường Phạm Văn Đồng (Mai Dịch, Cầu Giấy) chia sẻ: Thường ngày gần như không có người hỏi mua, tuy nhiên, ngay buổi sáng sau đêm xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ, người dân đến mua bình cứu hỏa, thang, búa, mặt nạ,... tăng cao. Chủ yếu là các chủ trọ, chủ chung cư mua số lượng lớn. Mặc dù vậy, giá cả của các mặt hàng PCCC cũng không tăng so với mọi khi.
Theo khảo sát, giá của mặt nạ chống khói độc hiện được rao bán với giá từ 90 nghìn – 500 nghìn đồng/chiếc, còn mặt nạ chống độc, chống cháy, cách nhiệt, chịu nhiệt cao, ba van (được quảng cáo là hàng nhập khẩu Nga) có giá 1.350.000 đồng/chiếc.
Bình chữa cháy cũng có 2 loại đang phổ biến trên thị trường hiện nay là dạng bột và dạng khí CO2. Dạng bột loại 1-8kg có giá 15 nghìn đồng – 300 nghìn đồng/bình; dạng khí CO2 từ 3-5kg có giá 400 nghìn đồng – 580 nghìn đồng/bình. So với thời điểm trước, giá không thay đổi quá nhiều.
Một cán bộ PCCC cho biết: Đối với gia đình sống ở nhà cao tầng và chung cư, các thiết bị cần thiết nên có sẵn trong nhà là thang dây và mặt nạ chống độc và bình chữa cháy.
Tuy nhiên, vị này khuyến cáo: Việc mua các thiết bị PCCC để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và gia đình, người dân cần lưu ý mua hàng tại các công ty, đại lý uy tín; có chế độ bảo hành; đầy đủ giấy tờ kiểm định chất lượng; yêu cầu hướng dẫn sử dụng sơ bộ, tránh tình trạng mua hàng ồ ạt theo phong trào.
Đặc biệt, khi mua các thiết bị PCCC và bảo hộ hỏa hoạn người dân cũng cần học cách sử dụng để khi trường hợp khẩn cấp biết cách sử dụng nhanh và đúng.
"Khi có sự cố xảy ra, cần nhanh chóng chọn vị trí thoát hiểm an toàn, thuận tiện và gần khoảng cách nhất nhằm sử dụng thang được nhanh chóng để đưa bản thân khỏi chỗ nguy hiểm tính mạng. Gắn móc chặt vào nơi thoát hiểm để tạo điểm cố định khi thả thang xuống được chắc chắn nhất có thể. Sau khi hoàn tất các bước trên, bắt đầu tiến hàng thả thang xuống một cách từ từ. Bắt đầu leo từng người xuống, thang có thể chịu tải tới 3.000 kg nên có thể giúp nhiều người thoát ra cùng lúc", vị này cho hay.
Anh Lê Tiến Quân, chủ cửa hàng bán bình chữa cháy trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) khuyến cáo: bình chữa cháy nên được để ở những nơi khô, dễ quan sát, không cho trẻ em nghịch tránh việc xì khí làm giảm áp lực trong bình, dẫn đến hư hỏng và khi cần không sử dụng được. Nếu để bình chữa cháy phía bên ngoài hành lang, nơi có ánh nắng cần phải có mái che hoặc hộp kỹ thuật. Với các nhà ở cao tầng hoặc nhiều phòng, mỗi tầng, mỗi phòng nên có ít nhất một bình cứu hỏa xách tay.