Thị trường Trung Quốc thu hút 70% sản lượng xuất khẩu rau quả Việt Nam
Tại hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc, chuyên đề 'Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc' được Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/11, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) cho rằng, để gia tăng xuất khẩu (XK), cần phải đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sâu, đặc biệt cần xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, Việt Nam có diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha với tổng sản lượng khoảng trên 14 triệu tấn mỗi năm. Do đó, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước XK trái cây quan trọng cho thế giới nói chung và cho Trung Quốc nói riêng. Việt Nam còn có lợi thế về vị trí địa lý với Trung Quốc. Việt Nam đang XK chính ngạch 11 loại trái cây đặc sản như sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, ngoài ra có thêm khoai lang, cây xạ đen. Năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả XK của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng rau quả XK.
Theo đại diện Hiệp hội rau quả, DN muốn đưa hàng hóa vào Trung Quốc cần nắm bắt thời vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và thực hiện truy xuất nguồn gốc… Chú ý khai thác các tỉnh, khu vực địa phương phía Bắc Trung Quốc như: Sơn Đông, Bắc Kinh, Thượng Hải…
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri chia sẻ, do mùa đông ở phía Bắc Trung Quốc rất lạnh, nhiều vùng sản xuất rau củ gặp khó khăn, nguồn cung rau củ từ châu Âu, Nhật Bản, Nga ... cũng khan hiếm. Trong khi đó Việt Nam là khu vực lý tưởng để sản xuất rau màu vụ đông, nhất là tại miền Bắc. Nếu được XK chính ngạch, sản xuất rau vụ đông của Việt Nam sẽ đỡ rủi ro hơn. Theo bà Thành Thực, hiện có nhiều tập đoàn giống rau củ của Trung Quốc muốn sang phát triển tại Việt Nam, đây là một cơ hội tốt cho DN Việt Nam.
Mặc dù cơ hội XK chính ngạch đang mở cho các DN Việt, song theo ông Đặng Phúc Nguyên, thị trường Trung Quốc cũng có nhiều thách thức với DN Việt Nam. Đây là thị trường có tính cạnh tranh rất cao, hàng Việt Nam khi sang Trung Quốc phải cạnh tranh với các đối thủ từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chi Lê, Peru, Ecuador. Đặc biệt, một số loại như chuối, thanh long, vải, nhãn, bưởi, gừng, tỏi…, XK còn phải cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi các DN Việt Nam phải cập nhật và đáp ứng được các yêu cầu này; quy định về phytosanitary (vệ sinh thực vật) và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp mất thời gian… Hàng rau quả XK của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, thị trường Trung Quốc đã đánh dấu một bước tiến lớn trong XK dừa chính ngạch từ Việt Nam sau khi nghị định thư giữa hai nước được ký kết, mở đường cho trái dừa Việt Nam chính thức tiếp cận thị trường tỷ dân. Hiện, 30% sản lượng dừa XK của Việt Nam được tiêu thụ ở Trung Quốc. Sắp tới, Hiệp hội Dừa Việt Nam mong muốn kết nối với sàn Alibaba để giúp các DN dừa tiếp cận thị trường châu Á, Trung Quốc.
Để mở rộng thị trường cho rau quả XK sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông, thủy sản của Việt Nam nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao đã đạt được.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, DN nên chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, tránh trường hợp mất thương hiệu ở thị trường nước bạn; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại điện tử chính quy; hướng tới sản xuất, XK các mặt hàng chất lượng cao, bền vững; giảm phụ thuộc, tiến tới dừng hình XK “tiểu ngạch”; theo dõi cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường; tăng cường tiếp cận vùng.