Thị trường vẫn đang trải qua các đợt call margin, force sell
Mặc dù con số tuyệt đối về dư nợ margin đã giảm xuống, nhưng trong bối cảnh thị trường giảm điểm sâu và lực cầu yếu ớt, thì các đợt force sell cũng đủ sức khiến thị trường chúi xuống thêm nấc nữa.
Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, các khung giờ 10h-11h và 14h thường được cài đặt là khung force sell tự động của hệ thống (có công ty chứng khoán xử lý call margin ngay từ phiên ATO). Tín hiệu để nhận ra thị trường đang bị force sell là hiện tượng sàn la liệt, lệnh bán như đang xả hàng. Diễn biến này đã xuất hiện từ tuần trước (bán mạnh phiên thứ Năm), tiếp tục diễn ra trong phiên hôm qua (3/10) và sáng hôm nay (4/10).
Tìm hiểu tình hình từ một số đội nhóm môi giới, có một đội môi giới quản lý khoảng 2.000 khách hàng cho biết, chỉ có một vài khách hàng bị call margin. Trong khi cũng có các đội môi giới khác chia sẻ, có nhiều khách hàng của họ đã bị force sell (force sell còn diễn ra ở các kho, có call chéo).
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Chứng khoán DSC cho biết, nếu tính con số tuyệt đối thì mức độ force sell hiện nay không lớn so với đỉnh, nhưng nếu so với thanh khoản hiện nay thì tổng cộng các đợt force sell vừa qua là khá lớn.
Dựa trên con số thống kê của Fiinpro, nợ vay ký quỹ của các công ty chứng khoán ở thời điểm cuối quý II là 139.257,8 tỷ đồng, ước tính của ông Huy, margin trên thị trường ở thời điểm cuối quý III có thể giảm tầm 15% so với con số này.
Ông Huy cho rằng, việc force sell vẫn có thể xuất hiện trong vài phiên nữa, đặc biệt là nếu giá cổ phiếu không tăng trở lại, thị trường sẽ đối diện tiếp đợt bán mạnh hơn vào phiên 5/10.
Không có con số tính toán cụ thể về lượng call trong thời gian qua, nhưng nếu tính ở các đầu cho vay lớn, thì con số ước khoảng mấy trăm tỷ đồng. Dù là con số không lớn so với nhiều đợt sụt giảm trước đây, nhưng đặt trong bối cảnh dòng tiền cạn kiệt như hiện nay, thì lực bán force sell này khiến thị trường giảm sâu.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, việc thị trường rơi mạnh đang khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn, chán nản, chỉ mong thị trường hồi lại đôi chút để bán và rút tiền về. Cũng có những nhà đầu tư quan sát và lọc tìm cơ hội, có tín hiệu sẽ giải ngân để “ăn sóng hồi”, nhưng tâm lý chung vẫn là thận trọng, chưa giải ngân ngay mà chờ đợi thêm tín hiệu thị trường.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều nhà đầu tư bình tĩnh quan sát thị trường, chờ đợi tín hiệu để giải ngân dần dần và cho rằng, đây là thời điểm để tích lũy cổ phiếu tốt giả rẻ. Đa phần các nhà đầu tư này đều không có tâm lý T+ khi lựa chọn cổ phiếu đoạn này.