Thị trường vàng Hà Tĩnh không nhiều đột biến, sức mua giảm
Trong ngày đầu tiên sau phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 23/4, thị trường vàng Hà Tĩnh khá trầm lắng, sức mua không cao.
Sáng 23/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam mở phiên đấu thầu vàng miếng với tổng khối lượng đưa ra là 16.800 lượng (kết quả đấu thầu dư 13.400 lượng). Mục tiêu của việc đấu thầu nhằm thực hiện quyết liệt giải pháp tăng cung ra thị trường, giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới. Sau phiên đấu giá vàng miếng này, giá vàng SJC trong nước vào chiều ngày 24/4 vẫn tăng 1 - 1,5 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán, đạt mốc 82,5 triệu đồng/lượng mua vào và 84,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Hà Tĩnh, giá vàng 9999 ngày 24/4 tăng khoảng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch 1 ngày trước đó, đạt mức 74 - 74,4 triệu đồng/lượng bán ra và 73 - 73,2 triệu đồng/lượng mua vào. Theo đánh giá, mức tăng này không cao và phiên đấu thầu vàng miếng SJC của NHNN vừa qua không có tác động nhiều đến thị trường vàng tại Hà Tĩnh.
Bà Phan Thủy Hằng - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Kiều Ngọc (đường Nguyễn Công Trứ - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nguyên nhân là do số lượng vàng SJC kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh không nhiều và người dân ít có nhu cầu đối với sản phẩm này. Mức chênh lệch giữa vàng SJC và vàng 9999 lớn, khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng nên người dân thường chuộng nhẫn tròn và vàng miếng 9999 hơn.".
Cũng theo bà Hằng, thị trường vàng Hà Tĩnh đang ghi nhận ở mức ổn định, sức mua đã “hạ nhiệt" so với thời điểm cách đây 1 - 2 tuần. Tại cửa hàng Kiều Ngọc, giá vàng 9999 vào chiều 24/4 được niêm yết ở mức 74 triệu đồng/lượng bán ra và 72,7 triệu đồng/lượng mua vào. Lượng khách đến giao dịch tại cửa hàng có xu hướng giảm, chỉ giao dịch nhỏ lẻ.
Tại tiệm vàng Việt Hà (đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh) ghi nhận lượng khách giao dịch tốt hơn. Tuy nhiên, theo chủ cửa hàng, khách chủ yếu mua phục vụ nhu cầu cưới hỏi, lượng khách quan tâm đến đầu tư và mua tích trữ rất ít.
Bà Nguyễn Thị Hà - chủ tiệm vàng Việt Hà cho biết: “Khách chủ yếu mua kiềng vàng, nhẫn trơn 9999… để phục vụ cưới hỏi, làm quà. Sau phiên đấu thầu vàng SJC của NHNN (ngày 23/4), lượng khách đến giao dịch tại cửa hàng không có sự thay đổi nhiều".
Theo ghi nhận của PV tại các cửa hàng vàng bạc trên đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh) như: Phương Xuân, Kim Hoàn, Mai Xuân… lượng khách hàng giao dịch khá ít. Nhu cầu mua vào, bán ra đối với vàng ở thời điểm này đang rất thấp.
Chị Hà Thị Loan (Thạch Hà) đến giao dịch tại tiệm vàng Phương Xuân, cho biết: “Tôi mua vàng nữ trang phục vụ nhu cầu cá nhân. Ở thời điểm này, khi giá vàng có nhiều biến động, lãi suất tiết kiệm giảm thấp, gia đình tôi chọn các kênh đầu cơ khác".
Sự ảm đạm của phân khúc vàng 9999 cũng ảnh hưởng đến các phân khúc còn lại của thị trường vàng. Theo các cửa hàng kinh doanh, thời điểm này, kể cả vàng trang sức cũng không mấy sôi động. Giá vàng trang sức được niêm yết tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở TP Hà Tĩnh vào cuối chiều 24/4 dao động từ 73,7 - 74,2 triệu đồng bán ra và 72,2 - 72,3 triệu đồng mua vào.
Theo đánh giá, thị trường vàng Hà Tĩnh đang ổn định và dấu hiệu "hạ nhiệt" khi lượng mua vào - bán ra trong 2 tuần liên tiếp có dấu hiệu "chững lại" ở nhiều cửa hàng.
Được biết, hôm nay (25/4), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục mở phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao. Dù vậy, nhiều khả năng, sức nóng của thị trường vàng ở Hà Tĩnh vẫn chưa thật sự trở lại trong thời gian gần.