Thị trường vàng trầm lắng, 'ngóng chờ' thêm thông tin từ các ngân hàng trung ương
Giá vàng miếng SJC trong nước tiếp tục tăng và đang hướng đến mốc 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, thị trường quốc tế lặng sóng 'ngóng' thông tin từ các ngân hàng trung ương.
Vàng trong nước tiếp tục đà tăng
Ở thị trường trong nước, vàng miếng SJC tiếp tục giữ được đà tăng trong ngày 24/1. Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng SJC đã tăng trở lại lên mức 74,2 – 76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều. Chênh lệch giữa chiều mua và bán tiếp tục duy trì ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch trên cũng được duy trì ở Tập đoàn DOJI và PNJ. Giá vàng tại PNJ đang yết ở mức 74,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,7 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi, vàng miếng SJC tại DOJI thấp hơn 50.000 đồng ở cả hai chiều.
Bảo tín Minh châu là hãng vàng đang yết giá bán thấp nhất trong số các hãng vàng lớn, ở mức 74,25 triệu đồng - 76,55 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán đã thu hẹp 2,3 triệu đồng mỗi lượng.
Chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới hiện đang ở mức quanh 15 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K tại SJC tăng 100.000 đồng mỗi chiều, giao dịch ở mức 62,85 triệu đồng/lượng mua vào và 64,05 triệu đồng/lượng bán ra.
Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 345/NHNN-QLNH gửi Bộ tài chính và công văn 10035/NHNN-QLNH gửi Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ tài chính tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cơ quan này phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới, gây xáo trộn thị trường.
Thị trường quốc tế lặng sóng “ngóng" thông tin từ các ngân hàng trung ương
Thị trường vàng quốc tế không có nhiều biến động và vẫn đang giữ được sự ổn định trong khoảng từ 2.020 - 2.030 USD/ounce trong bối cảnh các nhà đầu tư đang đánh giá khả năng thay đổi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao đang giao dịch ở mức 2.025 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York tăng 0,05% lên 2.024,7 USD/ounce.
Theo báo cáo phân tích mới nhất từ StoneX Bullion có thể thấy tâm lý thận trọng trên thị trường vàng những phiên vừa qua, tuy nhiên về dài hạn, bất ổn địa chính trị và kinh tế sẽ vẫn là những yếu tố ủng hộ đà tăng của vàng.
Kết thúc cuộc họp trong hai ngày 22-23/1, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức siêu thấp nhằm thúc đẩy tăng lương mạnh, hướng tới mục tiêu giữ lạm phát ở mức ổn định 2%.
Theo đó, lãi suất vay ngắn hạn tại Nhật Bản sẽ được giữ ở âm 0,1%, trong khi cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm biến động trong khoảng âm 1% đến 1%. Ngoài ra, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cũng nói không cần thiết phải điều chỉnh ngay lập trường chính sách nới lỏng, khi có những dấu hiệu lạm phát giảm và tăng trưởng lương yếu.
Ở diễn biến khác, theo các chuyên gia nhận định, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy làn sóng mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong ít nhất nửa đầu năm mới 2024. Xu hướng đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu mua vàng, khi các cường quốc như Trung Quốc và Nga tiếp tục tiến xa hơn về mặt chiến lược nhằm rời khỏi sự thống trị của đồng USD.
Cùng với đó, lãi suất dự kiến sẽ thấp hơn vào năm 2024 sẽ thúc đẩy khả năng lạm phát tăng cao hơn, dẫn đến đồng USD giảm giá, trong khi giá vàng và các hàng hóa khác tăng cao. Đây là giai đoạn để các ngân hàng bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ của họ nhằm phòng ngừa áp lực giảm giá đối với đồng USD, ngay cả khi Fed tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến lạm phát.
Theo các nhà quan sát, nhiều dấu hiệu bất ổn, lạm phát, nợ công lớn và bất ổn địa chính trị trong năm bầu cử đều cho thấy nhu cầu tìm tới các tài sản trú ẩn an toàn sẽ diễn ra mạnh mẽ trong suốt năm nay.
Tuần này, giới phân tích sẽ tập trung vào báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sơ bộ của Mỹ vào thứ Tư (24/1), ước tính GDP quý IV/2023 dự kiến vào thứ Năm (25/1) và dữ liệu Chi tiêu tiêu dùng cá nhân vào thứ Sáu (26/1). Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp vào thứ Năm (25/1) và dự kiến sẽ giữ chính sách tiền tệ ổn định.