Thị trường việc làm trọng nam khinh nữ ở Trung Quốc

Dù các chính sách chống phân biệt đối xử liên tục được triển khai, tình trạng ưu tiên nam giới vẫn phổ biến trong thị trường việc làm Trung Quốc.

Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, đề cập đến vấn đề phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong việc tuyển dụng việc làm ở Trung Quốc.

"Vị trí công việc duy nhất mà họ cần một người phụ nữ trong năm nay là 'làm vợ'".

Đó là câu trả lời đầy bực tức, không kém phần mỉa mai được viết bởi một người dùng trên trang web hỏi đáp nổi tiếng Zhihu của Trung Quốc trước câu hỏi: "Khi các cơ quan thuê công chức, họ thích nam hay nữ hơn?".

Không tính đến kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao, kỳ thi công chức hàng năm của Trung Quốc được xem là kỳ thi cạnh tranh nhất ở nước này. Trong năm 2018, trung bình có 63 người nộp đơn cho mỗi vị trí tuyển dụng.

Tuy nhiên đối với nhiều phụ nữ, bài kiểm tra đầu vào chỉ là rào cản đầu tiên, vì một số công việc có yêu cầu vượt xa những câu hỏi thông thường về chuyên ngành, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc.

“Chỉ dành cho nam giới”, "phù hợp hơn với nam giới", một số thông báo tuyển dụng ghi chú.

Năm nay, trong số 5.776 vị trí tuyển dụng mới, 35% công việc bày tỏ ưu tiên ứng viên nam. Chỉ 5% bày tỏ sự ưa thích tương tự đối với các ứng viên nữ.

Ưu tiên nam giới

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các vị trí có nhiều khả năng ưu tiên ứng viên nam hơn nữ tập trung trong các lĩnh vực thường gắn với nam giới, như cứu hỏa, an ninh công cộng hoặc các công việc ở vùng sâu vùng xa.

Những định kiến này đã ăn sâu vào đời sống đất nước tỷ dân. Theo lời của một dân mạng bênh vực định kiến này thì lý do còn là sự vất vả gắn với các công việc đó.

"Cảnh sát đôi khi phải làm việc cả ngày lẫn đêm trong nhiều tuần, chỉ có đủ thời gian cho những giấc ngủ ngắn. Không phải lúc nào các sĩ quan nữ cũng có thể xử lý được, đặc biệt là sau khi họ có con", người này viết.

Tuy nhiên, chỉ vì một bộ phận công việc yêu cầu về thể chất không có nghĩa là điều đó đúng với mọi bộ phận trong công việc đó. Sở cảnh sát cũng cần các thư ký, hỗ trợ kỹ thuật và các nhân viên khác.

Năm 2017, luật sư Huang Yizhi lập luận rằng nếu các nhà tuyển dụng chấp nhận những định kiến này để loại các ứng viên nữ, họ đang ngầm đánh giá phụ nữ là “mềm yếu”.

 Phụ nữ Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn khi tìm việc do tình trạng phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Ảnh: Eastasiaforum.

Phụ nữ Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn khi tìm việc do tình trạng phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Ảnh: Eastasiaforum.

Định kiến giới đó cũng phần nào bỏ qua sự đa dạng cơ thể và sở thích của phụ nữ, hạn chế lựa chọn nghề nghiệp của họ với danh nghĩa “bảo vệ họ”.

“Liệu một vị trí nhất định có an toàn hay một người phụ nữ cần được bảo vệ hay không, điều đó nên để người phụ nữ tự quyết định. Nếu mọi người thậm chí không cho phụ nữ có cơ hội được cạnh tranh, đó không phải sự bảo vệ mà là hạn chế họ", nhà hoạt động chống phân biệt đối xử Xiao Yao nhận định.

Ngay cả những công việc thường được coi là “công việc của phụ nữ” như quản lý tài chính hoặc công việc văn phòng như giao dịch viên ngân hàng, cũng thường yêu cầu ứng viên nam.

Vấn đề cơ thể phụ nữ

Một trong những lý do phổ biến nhất được đem ra để giải thích cho việc ưu tiên ứng viên nam hơn nữ ở Trung Quốc là việc thuê phụ nữ tốn nhiều tiền hơn, đặc biệt nếu họ mang thai.

Luật pháp Trung Quốc cấm các doanh nghiệp cắt giảm lương của nhân viên đang mang thai hoặc sa thải họ. Vì vậy, nhiều công ty phàn nàn rằng phải tốn tiền trả lương ngay cả khi nhân viên của mình không làm việc.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc của một vị trí nhất định là cố định. Nếu các công ty cho rằng một phụ nữ sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ do các hạn chế về sinh lý, họ sẽ phải thuê thêm nhân viên, đồng nghĩa với chịu thêm chi phí, để hoàn thành khối lượng công việc tương tự.

 Nhiều công ty cho rằng thuê phụ nữ sẽ tốn kém hơn nam giới. Ảnh: Getty Image.

Nhiều công ty cho rằng thuê phụ nữ sẽ tốn kém hơn nam giới. Ảnh: Getty Image.

Theo quan điểm của nhiều học giả và chuyên gia, gốc rễ thực sự của vấn đề có thể bắt nguồn từ sự bảo vệ không thỏa đáng đối với lao động nữ.

Hiện tại, mức bồi thường tối đa mà tòa án có thể đưa ra cho những thiệt hại tâm lý liên quan đến phân biệt đối xử trong tuyển dụng được giới hạn ở mức 2.000 nhân dân tệ (300 USD). Đó là mức không đủ cao để răn đe người vi phạm, quá ít để bồi thường cho nạn nhân.

Không chỉ vậy, theo giáo sư luật Zhou Wei của Đại học Tứ Xuyên, các công ty ở Trung Quốc hiếm khi phải trả giá cho các hành vi tuyển dụng phân biệt đối xử.

Thực hiện lỏng lẻo

Thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề phân biệt đối xử trong tuyển dụng.

Tháng 2/2019, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội cùng Bộ Giáo dục đã công bố thông báo liên quan đến các hoạt động tuyển dụng nhằm thúc đẩy tỷ lệ việc làm nữ.

Thông báo nhấn mạnh rằng ngoại trừ một số công việc cấm phụ nữ hợp pháp, ví dụ các việc liên quan đến hầm mỏ, không công ty nào được thực hiện việc tuyển dụng phân biệt đối xử.

 Dù chính phủ ban hành nhiều chính sách chống phân biệt đối xử, tình trạng ưu tiên nam giới trong thị trường việc làm Trung Quốc vẫn tồn tại. Ảnh: Shutterstock.

Dù chính phủ ban hành nhiều chính sách chống phân biệt đối xử, tình trạng ưu tiên nam giới trong thị trường việc làm Trung Quốc vẫn tồn tại. Ảnh: Shutterstock.

Văn kiện cũng kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công đi đầu trong việc tôn trọng các quy định pháp luật cấm phân biệt đối xử trong tuyển dụng.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện những lời hô hào này thực tế diễn ra rất chậm. Trong 5 năm qua, số lượng vị trí công chức thể hiện sự ưu tiên giới tính không những không giảm mà còn tăng lên.

Tỷ lệ các vị trí thể hiện sự ưu tiên cho nam giới đã tăng từ 28% lên 35%. Trong khi đó, các vị trí tương tự ưu tiên phụ nữ chỉ tăng từ 0% lên 5% so với cùng kỳ.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-viec-lam-trong-nam-khinh-nu-o-trung-quoc-post1160200.html