Thị trường xăng dầu sau khi nhiều DN bị rút giấy phép: Xử nghiêm vẫn đảm bảo nguồn cung
Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp (DN), với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giả, buôn lậu xăng dầu bị công an phát hiện, triệt phá thời gian qua và có nhiều vi phạm về quy định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cần truy lại ngay việc cấp phép cũng như quy trình kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh trong ngày 5/9, nguồn cung xăng dầu có dấu hiệu ổn định hơn, tuy nhiên vấn đề chiết khấu xăng dầu cho đại lý và cửa hàng bán lẻ vẫn là vấn đề nhức nhối. Theo phản ánh của nhiều cửa hàng bán lẻ, để lấy được hàng, các đại lý, cửa hàng bán lẻ vẫn phải chịu mức chiết khấu rất thấp, không đủ bù chi phí kinh doanh. Tại một số địa phương, muốn có hàng, doanh nghiệp phải chấp nhận bù tiền chênh với lý do DN đầu mối và thương nhân phân phối vẫn bị lỗ nên hệ thống phía dưới phải cùng gánh lỗ.
Trước câu hỏi “phải chăng do việc rút giấy phép 7 DN đầu mối từ đầu tháng 7 rồi tiếp theo là 5 DN đầu mối nữa nên thị trường mới rối loạn như vừa qua?”, một đại diện Bộ Công Thương cho rằng, việc rút giấy phép có gây ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, nếu rút giấy phép của 12 doanh nghiệp này và thực hiện theo đúng quy định (nghĩa là tước giấy phép, tước hết các quyền đi kèm như trong Nghị định 95 và Nghị định 83) thì không có cách nào để đảm bảo nguồn cung.
Theo vị này, cơ quan quản lý vào cuộc kiểm tra xem có tình trạng găm hàng hay không và sau đó lại quay sang xử phạt và rút giấy phép của doanh nghiệp mà không tính đến hệ lụy là làm đứt nguồn cục bộ và nhiều hệ lụy khác nữa khi chưa có các phương án chuẩn bị. Đây là điều đáng lo.
Một số DN đầu mối lớn và chuyên gia trong ngành xăng dầu khẳng định với PV Tiền Phong, trong số 12 doanh nghiệp đầu mối bị Bộ Công Thương xử phạt và rút giấy phép, chỉ có một số doanh nghiệp hoạt động lâu năm như Công ty Thanh Lễ, Dầu khí Đồng Tháp, Dầu khí Nam Sông Hậu mới là các DN có sức ảnh hưởng đến thị trường. 9 DN còn lại đều là những doanh nghiệp được cấp phép vài năm trở lại đây, số lượng cửa hàng, tổng đại lý trực thuộc không nhiều nên không đáng lo ngại về nguồn cung.
Cụ thể, Công ty Cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp ( PETIMEX) có hơn 30 cửa hàng và tổng đại lý trực thuộc, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cũng chỉ có hơn 10 cửa hàng, 47 thương nhân phân phối trực thuộc. Thị phần của hai DN này cũng nhỏ, lượng tiêu thụ mỗi tháng trung bình hơn 300.000m3 cũng không phải quá lớn...
“Tuy nhiên, nếu có rút giấy phép đồng loạt của cả 12 DN đầu mối này khi có kế hoạch chuẩn bị trước, việc cung ứng xăng dầu cho thị trường vẫn đảm bảo. Việc rút giấy phép ảnh hưởng trực tiếp đến các DN đầu mối còn các cửa hàng bán lẻ có thể chuyển sang nhập hàng của các DN đầu mối khác. Không quá đáng lo ngại”, một chuyên gia trong ngành xăng dầu khẳng định.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn cũng cho hay, nếu việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện đúng chu kỳ, không để các DN đầu mối bị lỗ quá lớn, việc đảm bảo nguồn cung không khó do nhập khẩu hiện chỉ chiếm khoảng 20% còn lại 2 nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảm cung ứng đủ.
Người dân bán lẻ xăng giá 30.000 đồng/lít
như thời bao cấp
Khoảng 16h ngày 6/9, nhiều người dân bất ngờ khi chứng kiến Cửa hàng Xăng dầu Nguyễn Đình Chiểu (địa chỉ số 25 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), dựng biển dừng nghỉ bán hàng để nhập hàng dù tại thời điểm đó không có bất cứ xe bồn chứa xăng, dầu nào xuất hiện tại cửa hàng. Tình trạng này kéo dài cả tiếng đồng hồ và không có một nhân viên nào tại cửa hàng giải thích vì sao lại dừng bán. Cùng với đó, một số người dân đã mang các bình xăng nhỏ ra bán tự phát ngay trước cửa cây xăng với giá bán 30.000 đồng/lít khiến người dân có nhu cầu đổ xăng rất bức xúc. Sau khi tiếp nhận phản ánh từ PV Tiền Phong, lực lượng quản lý thị trường đã đến kiểm tra và yêu cầu chấm dứt việc bán hàng tự phát này. Thục Quyên
“Vấn đề là cơ quan quản lý đang can thiệp vào thị trường quá nhiều và để tình trạng DN bị âm vốn, mất vốn nhà nước quá lâu do phải bán dưới giá thành kéo dài”, vị này phân tích.
Xử lý vi phạm nhưng vẫn bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xử lý vi phạm phải nghiêm nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Trước câu hỏi “việc tước giấy phép điều hành giá xăng dầu với 5 doanh nghiệp có ảnh hưởng thế nào đến nguồn cung?”, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, từ tháng 2, Bộ Công Thương ban hành quyết định thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, nhằm kiên quyết xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối, tổng đại lý và đại lý. Ngày 31/8, Chánh thanh tra Bộ đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 11 đơn vị đầu mối và các công ty con, với tổng số tiền phạt là trên 13 tỉ đồng.
Ngoài ra quyết định xử phạt còn áp dụng bổ sung hình phạt rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu với các DN xăng dầu đầu mối ở phía Nam. Lỗi vi phạm theo ông Hải là do không đáp ứng được điều kiện hệ thống phân phối theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã họp để trước mắt xử lý phạt hành chính. Đối với hình thức tước giấy phép sẽ vẫn áp dụng nhưng trong thời điểm phù hợp.
“Cần căn cứ vào 3 nguyên tắc xử lý là, xử lý nghiêm khắc vi phạm, song cũng phải lưu ý đến khó khăn của DN đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vừa qua. Thêm nữa điều quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi cũng đang xử lý và hy vọng cố gắng tìm được biện pháp phù hợp nhất, tốt nhất trong thời điểm hiện nay”, ông Hải thông tin.
Về diễn biến giá dầu lần đầu tiên cao hơn giá xăng, Thứ trưởng Bộ Công thương lý giải, diễn biến giá thế giới vừa qua cho thấy nhu cầu dầu diesel và dầu hỏa tăng cao nên giá tăng cao.