Thi tuyển 5 phó giám đốc Sở ở TP.HCM sẽ thực hiện ra sao?

TP.HCM sẽ thi tuyển 5 phó giám đốc Sở, gồm: Sở LĐ-TB&XH, Sở VH&TT, Sở KH&CN, Sở Tài chính và Sở ATTP.

Ngày 27-8, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương năm 2024.

Theo đó, TP.HCM sẽ thi tuyển 5 phó giám đốc Sở: Sở LĐ-TB&XH, Sở VH&TT, Sở KH&CN, Sở Tài chính và Sở ATTP.

Thời gian thực hiện từ tháng 8 đến hết ngày 15-12-2024.

 Cán bộ TP.HCM giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

Cán bộ TP.HCM giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và trong quy hoạch của chức danh cần thi tuyển, đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm.

Hoặc là cán bộ trong nguồn quy hoạch tại chỗ vào chức danh cần thi tuyển và tương đương trở lên, đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm phải đăng ký dự tuyển.

Trường hợp không đăng ký tham gia dự tuyển thì hằng năm khi rà soát danh sách quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trừ các trường hợp không đủ sức khỏe dự tuyển; đang trong thời gian được cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản.

Đối tượng dự tuyển còn là cán bộ từ nơi khác, đang công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP.HCM có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và trong quy hoạch của các chức danh tương đương trở lên với chức danh tuyển chọn, được quyền đăng ký dự tuyển.

Cán bộ nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được dự thi ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá hai cấp so với chức vụ hiện giữ.

Ngoài ra, cán bộ không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn nhưng được quy hoạch chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn (không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn) được Chủ tịch UBND TP đề cử và được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý bằng văn bản.

Người dự tuyển sẽ trải qua hai vòng thi. Vòng 1 thi viết kiến thức chung gồm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hiểu biết về nghiệp vụ chuyên ngành; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh.

Vòng 2 sẽ thi trình bày đề án gồm: đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự thi; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo.

Người trúng tuyển là người có số điểm thi vòng 2 cao nhất trong số những người đạt trên 50 điểm (nếu bằng điểm thì theo thứ tự ưu tiên).

Chủ tịch UBND TP.HCM làm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển

Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương do Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi làm Chủ tịch Hội đồng.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách đơn vị có chức danh tuyển làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Giám đốc Sở Nội vụ làm Ủy viên kiêm Thư ký.

Các thành viên còn lại của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định, bao gồm: một số Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; người đứng đầu cơ quan có chức danh thi tuyển (đối với Hội đồng thi chức danh cấp phó lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương); đại diện Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP hoặc đại diện Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, thành ủy TP Thủ Đức) hoặc Đảng ủy của cơ quan, ngành, lĩnh vực

Đáng chú ý, không cử làm thành viên Hội đồng thi tuyển đối với những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng của người tham gia dự tuyển và những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ cấu tham gia trong Hội đồng thi tuyển nhưng thuộc trường hợp không được cử tham gia Hội đồng thi tuyển theo quy định này thì cử cấp phó của người đứng đầu tham gia.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-tuyen-5-pho-giam-doc-so-o-tphcm-se-thuc-hien-ra-sao-post807235.html