Thi tuyển đại học không ra phần kiến thức tinh giản
Năm 2020, Trường đại học Phú Yên xét tuyển theo ba phương thức: từ điểm thi tốt nghiệp THPT, từ học bạ và xét tuyển thẳng. Trong ảnh: Một giờ học của sinh viên ngành Giáo dục tiểu học của trường này. Ảnh: THÚY HẰNG
Trước sự thay đổi liên tục về phương án tuyển sinh của các trường đại học, nhiều thí sinh vẫn chưa thể yên tâm học và ôn tập để thi, xét tuyển đại học năm 2020.
Loay hoay chọn phương án xét tuyển
Sở GD-ĐT yêu cầu các trường khuyên học sinh bình tĩnh học như bình thường. Tranh thủ thời gian học thật tốt những môn mà các em định tham gia xét tuyển đại học. Một khi các em học tập tốt thì dù trường đại học có tổ chức thi riêng hay xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT thì các em vẫn giữ được lợi thế.
Hàng năm, thời điểm này là đợt chạy đua nước rút của học sinh cuối cấp, cũng như các trường đại học tăng cường tư vấn hướng nghiệp, chọn trường, chọn ngành. Năm nay, do dịch COVID-19, việc học của học sinh cũng như việc đưa ra phương án xét tuyển của các trường đại học bị ảnh hưởng quá nhiều.
Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội - một trong những Đại học quốc gia có quy mô tuyển sinh lớn trong cả nước đã quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng mà sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển. Điều này làm nhiều thí sinh bất ngờ. Trong khi đó, một số trường đại học tốp trên, đặc biệt là các trường có đào tạo nhóm ngành sức khỏe ở phía Nam vẫn chưa chốt phương án tuyển sinh.
PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết phương án xét tuyển của trường dự tính gồm nhiều thành tố khác nhau, trong đó điểm tốt nghiệp chỉ là 1 thành tố. Trong đó, trường dự tính sẽ đánh giá học sinh trên nhiều điểm: thành tích học tập THPT, điểm tổng kết 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12), điểm thi tốt nghiệp… Còn theo TS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), y khoa là ngành đào tạo đặc thù, cần chọn thí sinh theo cách riêng. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ có thể xem là điều kiện, chưa đủ tiêu chí để đánh giá người học các ngành này. Hiện khoa đang tính toán các phương án tuyển sinh phù hợp. Tuy nhiên, năm ngoái khoa Y đã dành khoảng 10% chỉ tiêu để xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, năm nay có thể tăng thêm 15-20% cho phương thức này. Đối với Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đến thời điểm này cũng chưa chốt phương án tuyển sinh, chỉ dự kiến sẽ thực hiện các phương thức tuyển sinh như năm 2019.
Học gì thi nấy
Thực hiện Luật Giáo dục đại học 2012 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được tự quyết định phương án tuyển sinh. Chính vì vậy, những năm gần đây số trường tự chủ phương án tuyển sinh khá nhiều.
Em Huỳnh Mạnh Huy, học sinh chuyên Toán - Tin, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho biết, một số trường đại học top trên em dự kiến thi đến thời điểm này vẫn còn họp bàn về phương án xét tuyển. Một số trường dự kiến là tổ chức kỳ thi riêng, tuy nhiên tiêu chí, đề thi của từng trường đến giờ vẫn chưa có thông tin rõ ràng, nên em không biết sẽ như thế nào. Còn em Nguyễn Văn Hậu, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa), chia sẻ: “Điều làm em lo nhất là nếu các trường đại học tổ chức thi riêng cùng ngày hoặc sát ngày, như vậy thí sinh sẽ phải lựa chọn một trong các trường”.
Trước thay đổi phương án tuyển sinh liên tục của các trường đại học, nhiều giáo viên cho rằng, các trường đại học đang làm thí sinh mất tinh thần. Để ổn định tâm lý cho học sinh, mới đây, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Bộ đã quy định nội dung chương trình đã được tinh giản, cụ thể là nội dung được ghi chú “không dạy”, “không làm”, “không thực hiện”, “khuyến khích học sinh tự đọc, tự học” sẽ không kiểm tra đánh giá, không đưa vào đề thi. Do vậy, bất kể kỳ thi nào dành cho đối tượng học sinh phổ thông, thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng phải thực hiện nghiêm quy định này của bộ