Thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM: Lưu ý trước giờ G
Học sinh lớp 9 tại TPHCM bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ngày 11 - 12/6.
Bên cạnh việc củng cố kiến thức, nhiều thầy cô giáo cho rằng các sĩ tử cần lưu ý về quy chế, giữ gìn sức khỏe và ổn định tâm lý cho cuộc đua sắp tới.
Gần 12 nghìn giáo viên coi thi
Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, Kỳ thi tuyển sinh 10 tại TPHCM năm nay có 86.192 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 6.484 thí sinh dự thi chuyên và 1.305 thí sinh dự thi tích hợp.
Sở GD&ĐT TPHCM đã quy hoạch 150 điểm thi, bao gồm 139 điểm thi thường và 11 điểm thi chuyên, với 3.953 phòng thi trong đó 3.642 phòng thi lớp 10 thường với 24 thí sinh/phòng. Ở mỗi điểm thi sẽ bố trí thêm 3 phòng thi dự phòng dành cho thí sinh F0, thí sinh thuộc diện nghi ngờ, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của ngành y tế.
Bên cạnh đó, phục vụ cho công tác tổ chức kỳ thi năm nay, Sở GD&ĐT TPHCM huy động gần 11.900 giáo viên làm công tác coi thi, 1.800 người là nhân viên, bảo vệ, công an phục vụ tại các điểm thi. Theo lộ trình, công tác chấm thi sẽ diễn ra từ ngày 13 - 23/6, chấm phúc khảo từ ngày 29/6 đến 1/7, với hơn 1.800 cán bộ, giáo viên tham gia.
“Các điểm thi được khử khuẩn trước kỳ thi 1 ngày và sau khi thi, vệ sinh môi trường sau mỗi buổi thi. Các phòng thi dự phòng đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19. Điểm thi phải bố trí dung dịch sát khuẩn tại các vị trí thuận tiện, có đủ nước sạch, xà phòng tại khu vực vệ sinh, bố trí thùng rác có nắp đậy…”, đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho biết.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu trưởng điểm thi phải xây dựng phương án, hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng khu vực đưa đón, đo thân nhiệt theo nhóm phòng thi, rửa tay sát khuẩn thường xuyên; cử thành viên hướng dẫn thí sinh lên thẳng phòng thi, không tụ tập trao đổi trước và sau khi thi; giám sát sức khỏe cán bộ, giáo viên và thí sinh trước khi vào điểm thi. Bố trí nhân viên y tế trực để xử lý các trường hợp có biểu hiện bệnh.
Một điểm đáng chú ý, năm nay, các điểm thi không tổ chức khai mạc kỳ thi. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, thí sinh phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở điểm thi, rửa tay sát khuẩn tại cổng điểm thi, phòng thi, phòng hội đồng. Mỗi phòng sắp xếp tối đa 24 thí sinh/phòng; mỗi học sinh ngồi 1 bàn hoặc đảm bảo giãn cách, phòng thi thông thoáng, không sử dụng máy lạnh.
Ngoài ra, điểm thi sẽ tổ chức phân luồng, bố trí người nhà đưa - đón thí sinh thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch, không tập trung đông người xung quanh điểm thi. Phụ huynh đeo khẩu trang, ra về ngay sau khi đưa và đón thí sinh, tránh tụ tập đông trước điểm thi.
Những điều cần biết
Thầy Nguyễn Long Giao - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) lưu ý: Về ôn tập, học sinh nên ôn tập ở nhà kiến thức căn bản của từng yêu cầu bài học các môn. Phía giáo viên sẽ ôn tập hệ thống hóa kiến thức, ôn tập theo dạng bài, chủ đề hoặc có thể ôn trọng tâm nhưng tuyệt đối không ôn tủ, bỏ bài, bỏ kiến thức. Đồng thời, thực hiện bài khảo sát theo cấu trúc đề thi để rèn luyện tâm lý, rút kinh nghiệm về việc phân bố thời gian cho các phần của bài làm để đảm bảo hoàn thành tốt bài thi trong thời gian 120 phút.
“Đến thời điểm này các nguyện vọng của học sinh đã ổn định. Giáo viên và phụ huynh hỗ trợ tích cực cho các em về tâm lý, kiến thức để đạt được nguyện vọng đã chọn…”, thầy Nguyễn Long Giao chia sẻ.
Trong khi đó, cô Nguyễn Như Thủy - giáo viên môn Ngữ văn lớp 9, Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú, TPHCM) cho rằng: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vô cùng quan trọng đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Chính vì thế không chỉ có thầy cô giáo đồng hành mà còn có cha mẹ chăm sóc động viên và chăm lo cho học sinh.
“Ngày thi gần kề, các bậc cha mẹ hãy động viên và chăm sóc sức khỏe cho con em mình thật tốt. Tránh trường hợp nhồi nhét bắt trẻ phải học nhiều. Cha mẹ nên để sĩ tử thư giãn bằng cách đi dạo hoặc uống cà phê cùng để nghe chia sẻ. Có như vậy các em mới bớt căng thẳng trước kỳ thi quan trọng. Bên cạnh đó, học sinh cũng phải biết cách hệ thống kiến thức và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng…”, cô Nguyễn Như Thủy trao đổi đồng thời lưu ý: Thí sinh cần chuẩn bị chu đáo đồ dùng học tập: Thước, compa, parapol, viết mực (bút bi/ nước, màu xanh hoặc màu tím, không sử dụng màu mực đặc biệt như xanh dạ quang hay xanh lá...), bút chì. Quan trọng là các em phải mang theo phiếu báo danh.
Thí sinh cần đọc kỹ địa điểm thi có ghi trên phiếu báo danh để tránh trường hợp đi nhầm địa điểm, vì có trường hợp một số quận có tên trường trùng nhau. Ngoài ra, các em cần chú ý loại máy tính được mang vào phòng thi để tránh vi phạm quy chế thi. Khi nhận đề thi, cần bình tĩnh đọc kỹ, chọn những câu mà mình cảm thấy chắc chắn làm trước. Để tránh bị sót khi làm bài, sĩ tử ghi chú ngay vào đề hoặc nháp những câu chưa làm bằng bút đỏ hoặc dạ quang để làm bổ sung.
“Thí sinh cần chú ý thời gian đến điểm thi theo thông báo. Để tránh bị ảnh hưởng từ những nguyên nhân khách quan như kẹt xe, xe bị sự cố... các em nên tranh thủ đi sớm và có mặt trước thời gian quy định từ 15 đến 30 phút. Việc đến điểm thi sớm cũng giúp các em đỡ căng thẳng hơn”, cô Nguyễn Như Thủy lưu ý.
Thí sinh F0 có nguyện vọng tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 phải làm đơn xin dự thi và xác nhận đồng ý của phụ huynh. Thí sinh cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Với phòng thi riêng dành cho thí sinh F0, ca bệnh nghi ngờ, hội đồng thi bố trí đủ số lượng cán bộ coi thi, cán bộ giám sát tại điểm thi, yêu cầu cán bộ giáo viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Công Chương