Thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi cho người khiếm thị ở Hà Nội

Sáng 17-10, tại quận Hà Đông, Hội Người mù thành phố Hà Nội phối hợp Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức vòng sơ khảo Cuộc thi 'Tuyên truyền viên pháp luật giỏi cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội' năm 2024.

Phó Chủ tịch Phụ trách Hội Người mù thành phố Hà Nội Hoàng Mạnh Cường, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu. Ảnh: Mai Hoa

Phó Chủ tịch Phụ trách Hội Người mù thành phố Hà Nội Hoàng Mạnh Cường, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu. Ảnh: Mai Hoa

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch Phụ trách Hội Người mù thành phố Hà Nội Hoàng Mạnh Cường, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi “Tuyên truyền viên pháp luật giỏi cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội” năm 2024, khẳng định: Đây là sân chơi mang ý nghĩa thiết thực dành cho các cán bộ, hội viên Hội Người mù thành phố Hà Nội, tạo cơ hội để các tuyên truyền viên pháp luật người khiếm thị được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông qua Cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn cán bộ, hội viên, người khiếm thị trên địa bàn thành phố nâng cao hiểu biết pháp luật, nắm được những thông tin bổ ích liên quan đến quyền lợi của mình.

Cuộc thi cũng nhằm biểu dương, tôn vinh các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổng kết, đánh giá những cách làm hay, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; góp phần phổ biến kiến thức pháp luật mới cho người mù nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Hà Nội.

Các đại biểu trao cờ lưu niệm cho đại diện 5 cụm thi đua tham gia cuộc thi. Ảnh: Mai Hoa

Các đại biểu trao cờ lưu niệm cho đại diện 5 cụm thi đua tham gia cuộc thi. Ảnh: Mai Hoa

Trong khuôn khổ cuộc thi, 5 đội thi của 5 cụm thi đua thuộc Hội Người mù thành phố Hà Nội (mỗi đội gồm 5 thành viên, không kể người phụ họa) đã cùng tranh tài phần thể hiện kiến thức về pháp luật trong lĩnh vực: Luật Người khuyết tật, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, Luật Thừa kế, Luật Thủ đô (sửa đổi, bổ sung)...

Cụm 1 gồm: Hội Người mù các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên.

Cụm 2 gồm: Hội Người mù các quận: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân.

Cụm 3 gồm Hội Người mù các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Trì.

Cụm 4 gồm: Hội Người mù các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa.

Cụm 5 gồm: Hội Người mù các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.

Tại vòng sơ khảo, 25 thí sinh thuộc 5 đội thi tranh tài theo 3 phần thi: Thi giới thiệu về các thành viên (thời gian không quá 5 phút); thi trắc nghiệm (trả lời các câu hỏi trong Bộ đề thi do Ban Tổ chức đưa ra, thời gian 3 phút), thi tình huống (đội thi dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức kịch nói, ca kịch...; thời gian từ 15-20 phút).

Vòng chung khảo dự kiến diễn ra vào ngày 8-11. Ba đội có màn thể hiện thành công tại vòng sơ khảo được chọn vào vòng chung khảo sẽ tranh tài thi hùng biện (từ 10 đến 15 phút). Sau phần thi hùng biện, thí sinh sẽ trả lời một câu hỏi trực tiếp của ban giám khảo.

Ban Tổ chức cuộc thi sẽ trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích và 2 giải Chuyên đề.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-tuyen-truyen-vien-phap-luat-gioi-cho-nguoi-khiem-thi-o-ha-noi-681678.html