Thị uy và ngụy biện dưới mái trường
Kiểu làm việc thị uy chứng tỏ quyền hành của người lãnh đạo đang khá phổ biến trong ngành giáo dục hiện nay.
Ngụy biện là một hình thức đối thoại được các nhà khoa học xã hội nghiên cứu khá kĩ.
Ngụy biện không có tính chất xây dựng, không đi vào vấn đề mà dùng biện pháp khác né tránh cuộc đối thoại thẳng thắn bằng nhiều cách.
Trên thế giới, ngụy biện đã trở thành một kiến thức được biết đến rộng rãi, và các nhà nghiên cứu đã thống kê khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau.
Đáng tiếc là tài liệu về ngụy biện tiếng Việt chỉ có một vài nguồn, đó là trang Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, trang Thư viện khoa học, hay trang “Ngụy biện – Fallacy” của Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền{1}
Trong hàng loạt những ngụy biện của người Việt được liệt kê ra, nguy hiểm nhất vẫn là hai kiểu ngụy biện “Lợi dụng quyền lực” và “Dựa vào bạo lực”.
Nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo ngành giáo dục hiện nay sử dụng khá phổ biến trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày với giáo viên, nhân viên của mình.
Lợi dụng quyền lực
Kiểu ngụy biện này, phổ biến ở những người có quyền lực. Họ dùng quyền lực để bẻ cong ý kiến của người khác (những người nằm trong vòng quyền lực của họ).
Họ dùng quyền lực để trấn áp những ý kiến, những quan điểm bất đồng từ người dưới.
Họ thị uy cho đối phương sợ hãi và để giành cho mình phần thắng.
Ví dụ trong thời gian qua, ngành giáo dục có một số vướng mắc trong chương trình VNEN, trong việc dùng vở tập viết và luyện viết chưa hợp lý.
Cùng lúc buộc học sinh vừa phải học vở tập viết, vừa phải mua vở luyện viết của tỉnh, phải viết nhiều dẫn đến học sinh chán viết và viết ẩu.
Giáo viên cũng không có thời gian nhiều dạy luyện viết cho các em, dẫn đến những cuốn vở luyện viết không được sử dụng triệt để gây lãng phí.
Đã thế, những nội dung trong vở luyện viết hoàn toàn không có trong chương trình học của sách VNEN.
Phụ huynh buộc phải mua thêm cho con 2 cuốn sách giáo khoa tiếng Việt hiện hành.
Bên cạnh đó, thầy cô còn phải kiêm thêm công việc bán sách hộ mà thù lao người khác hưởng.
Có người mạnh dạn nói lên những bất cấp, những vô lý ấy.
Sau sự phản ánh, lẽ ra với vai trò của người quản lý, người lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, họ phải ngồi lại nhìn nhận xem phản ánh ấy có đúng không?
Từ đó, sẽ chỉ ra cái sai, thừa nhận cái đúng.
Nếu đúng, sẽ rút kinh nghiệm và không thực hiện nữa.
Nếu sai, yêu cầu người phát ngôn giải trình, thậm chí có thể dùng hình thức kỉ luật tội vu khống, tội nói sai sự thật.
Đằng này, việc đầu tiên lãnh đạo sở, phòng lại làm là truy tìm tông tích người dám lên tiếng.
Lấy quyền lãnh đạo “truyền chỉ” về cơ sở của người được nhắm là “nghi can” để bắt toàn trường phải làm tờ giải trình, buộc điều tra để thống kê xem ai phản đối và mang vở luyện viết về phòng kiểm tra…
Một người lên tiếng, nhiều người khổ lây vì phải giải trình, phải báo cáo và bị kiểm tra.
Việc làm trên chẳng khác nào sự uy hiếp buộc tập thể lên án, tẩy chay người đã có ý kiến.
Dựa vào bạo lực
Ngụy biện dựa vào bạo lực thực chất là một sự đe dọa, nhằm mục đích gây áp lực cho người đối thoại, cho kẻ dưới phải chấp nhận một kết luận của người lãnh đạo đưa ra.
Loại ngụy biện này thường được cán bộ quản lý, cấp lãnh đạo ngành giáo dục dùng với giáo viên, nhân viên của mình.
Thế nên có thể tóm gọn bằng một câu “chân lí thuộc về kẻ mạnh”.
Không ít người vì sợ uy quyền, sợ sự trả thù vì họ nắm quyền lực trong tay nên đã trả lời theo ý lãnh đạo.
Thế là người có ý kiến sẽ rơi vào vòng nguy hiểm khi ý kiến của chính họ (dù đúng) cũng chỉ là thiểu số.
Đã có không ít những ý kiến phản đối về một kế hoạch, một phương pháp dạy học…
Thế nhưng, khi người lãnh đạo yêu cầu nêu rõ ai là người có ý kiến?
Phải chỉ rõ những bất cập, những điều chưa được như ý kiến đưa ra, không ít người vì sợ uy lực đã chẳng dám báo cáo sự thật về những bất cập mà chính bản thân họ cũng cho là đúng.
Có người trả lời theo kiểu “dựa vào ý lãnh đạo”. Trong trường hợp này, người có ý kiến cũng sẽ rơi vào vòng xoáy “nói không đúng sự thật” và nguy hiểm sẽ bủa vây.
Kiểu làm việc thị uy chứng tỏ quyền hành của người lãnh đạo đang khá phổ biến trong ngành giáo dục hiện nay.
Xóa bỏ thói ngụy biện này, chẳng dễ dàng gì trừ phi chính họ phải biết đây là thói xấu và tự thay đổi tư duy của chính mình để phù hợp với cương vị của một người lãnh đạo cần có.
//www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/thoi-nguy-bien-cua-nguoi-viet?fbclid=IwAR1V8qHScfAokcEdHczGrXu55uO0quScuov7O2kC-9uthM66gxKRaFug1DI {1}
Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/thi-uy-va-nguy-bien-duoi-mai-truong-post197247.gd