Thị xã An Nhơn (Bình Định): Người đau đầu vì chim
Trên địa bàn TX An Nhơn (Bình Định), tình trạng nuôi yến tự phát trong khu dân cư diễn ra khá phổ biến trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan vẫn chỉ giải quyết được phần ngọn, lúng túng trong quản lý hoạt động này. Còn người dân thì 'kêu chưa thấu'.
Khổ vì tiếng ồn
Theo khảo sát của Phóng viên, tại các xã, phường thuộc địa bàn thị xã An Nhơn có không dưới 100 nhà yến đang hoạt động. Nhà nuôi yến chủ yếu tập trung tại các địa phương như phường Đập Đá, Bình Định, Nhơn Hưng và xã Nhơn An. Đáng nói, hầu hết nhà nuôi yến nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Tiếng âm thanh dẫn dụ chim yến phát ra cả ngày lẫn đêm; ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt, đời sống của nhiều hộ gia đình.
Tại một số khu dân cư mới được quy hoạch trên địa bàn TX An Nhơn, hầu hết các chủ đất đều kết hợp xây dựng nhà ở và nuôi yến. Đơn cử, tại khu dân cư Ngãi An, Phò An (phường Nhơn Hưng) và khu dân cư Tân Dương (xã Nhơn An), hàng loạt nhà yến được "mọc" lên. Tại các khu vực này, nhiều căn nhà xây dựng khang trang, kiên cố từ 3 - 4 tầng; chủ nhà kết hợp "hai trong một", ở tầng trệt và nuôi yến các tầng còn lại. Để thu hút, dẫn dụ yến, các hộ nuôi yến lắp đặt hệ thống âm thanh.
Theo lời hướng dẫn của người chạy xe ôm, chúng tôi có mặt tại khu dân cư mới xã Nhơn An vào thời điểm cuối chiều. Dọc theo tuyến đường này, vào lúc chiều tà, chúng tôi đã thấy những cánh chim chao liệng trên không. Cuối đường, chúng tôi nghe những tiếng chim kêu ồn ào một cách hỗn tạp phát ra từ căn phòng áp mái có đục lỗ, cửa sổ để yến ra vào.
Những tưởng đó là tiếng chim yến về tổ, thế nhưng người dân khu vực này cho biết: "Giờ này, chim đã về đâu, loe hoe vài con thôi. Nó có kêu thì cũng đến nỗi nhức óc như vậy. Tiếng máy dụ yến kêu đó". Trả lời chúng tôi về việc sống gần hộ gia đình nuôi chim yến như vậy có cảm thấy phiền không, một người dân cho biết: "Họ bật máy dụ yến, tôi không thể nào chịu nổi. Tiếng máy kêu la từ sáng sớm tinh mơ, nghe rất khó chịu và không thể ngủ nổi".
Một cụ ông sống tại khu dân cư Tân Dương (xã Nhơn An), chia sẻ: "Người già như chúng tôi rất khó ngủ, chỉ cần một tiếng động nhẹ cũng thức giấc. Từ ngày hàng xóm nuôi chim yến, tiếng máy dụ yến kêu suốt ngày khiến tôi sinh bệnh đau đầu, mất ngủ liên miên. Nhưng đó là việc kinh doanh của họ, tôi cũng không muốn ý kiến gì sợ mất tình làng nghĩa xóm". Theo ông, các nhà nuôi yến vẫn đều đều mở máy từ sáng tinh mơ đến tối mịt. "Chiều về còn đỡ, nhưng vào sáng sớm thì thật vô cùng khó chịu…", cụ ông chia sẻ thêm.
Có mặt tại khu dân cư Tiên Hòa, P. Nhơn Hưng, các hộ dân ở đây cũng "không mấy" đồng tình làm xóm giềng với loài chim quý. Họ cho biết ngoài việc thường xuyên bị tra tấn bởi những tiếng ồn phát ra từ các nhà nuôi yến, những nhà sát vách với các nhà yến luôn phải chịu cảnh loài chim này bay tán loạn vào nhà.
Một người dân ở khu vực Tiên Hòa, P. Nhơn Hưng - đoạn tiếp giáp với khu dân cư Ngãi An và Tân Dương, bức xúc: "Các hộ nuôi yến mở âm thanh từ sáng cho tới tối; cả một vùng dân cư rộng lớn suốt ngày nghe tiếng chim ríu rít từ máy phát ra nên nhiều người cảm thấy đau đầu, nhất là người lớn tuổi".
Không chỉ đau đầu vì tiếng kêu của những chiếc máy dẫn dụ chim yến, điều khiến nhiều người dân sống cạnh những nhà nuôi chim yến phiền lòng là phân chim yến rơi vãi gây mất vệ sinh, và còn có thể mang theo mầm bệnh.
Anh Huy, hiện đang sống tại phường Nhơn Hưng cho biết: "Một vài lần tôi thấy con chim yến chết trên mái nhà, rồi phân chim vương vãi. Điều khiến tôi lo lắng là nếu chim có bệnh, hoặc dịch thì rất nguy hiểm vì rất khó kiểm soát. Chúng luôn bay đi khắp nơi kiếm ăn cả ngày, không ai dám chắc là loài chim này không mang về từ nơi nào đó những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ".
Lúng túng quản lý, tuyên truyền thông tin đến người dân còn hạn chế
Ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho biết: Nhiều trường hợp sau khi trúng đấu giá đất tại các khu dân cư mới quy hoạch, họ xin giấy phép xây dựng nhà ở, rồi sau đó kết hợp luôn việc nuôi yến. Hiện trên địa bàn xã Nhơn An có khoảng 18 hộ gia đình nuôi chim yến. Tất cả các hộ nuôi chim yến ở đây đều hoạt động tự phát.
"Việc dân cư bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ việc nuôi yến là có cơ sở vì các hộ nuôi chim phải dùng các thiết bị phát tín hiệu để dẫn dụ chim về làm tổ. Tuy nhiên, sau đó, UBND đã tuyên truyền để các hộ nuôi chim yến hạn chế thời gian mở máy dẫn dụ chim cũng như hạn chế tiếng ồn do máy phát ra đa số nằm dưới mức vi phạm. Cường độ âm thanh dẫn dụ yến không được vượt quá 70 dBA và chỉ được mở từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối".
Trả lời về việc chim yến có khả năng mang mầm bệnh cũng như các loại dịch bệnh nguy hại cho con người hay không, ông Đức xua tay cho biết: "Làm gì có nhiều chim yến đến thế để sợ mầm bệnh, ít lắm, thậm chí tôi đến thực địa, muốn một lần nhìn xem chim yến như thế nào còn chưa thấy, lấy đâu ra phân".
Ông Đức cho biết thêm, phía UBND chưa nhận được đơn thư nào của người dân phản ánh về tình trạng này. Tuy nhiên, ở cấp độ quản lý, UBND có ra văn bản dán trên bảng tin và thông báo trên loa phát thanh về việc giới hạn thời gian phát máy dẫn dụ chim yến để hạn chế sự ảnh hưởng của âm thanh đến những người sống quanh khu vực.
Nói về vấn đề tuyên truyền các thông tin để người dân nhanh chóng được tiếp cận những thông tin liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình, ông Đức cho biết: Phía xã đang tiến hành xây dựng cổng thông tin riêng. Trong thời gian chờ đợi, phía cơ quan này vẫn thường xuyên truyền tải thông tin đến người dân thông qua bảng tin được đặt ở sân UNBD và phát loa thông báo hàng ngày để người dân được biết.
Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, theo quy định của Bộ NN-PTNT tại Thông tư số 35 ban hành năm 2013, các gia đình, cá nhân nuôi chim yến có trách nhiệm khai báo với phòng kinh tế huyện trước khi nuôi; vị trí nuôi phải phù hợp với quy hoạch hoặc được UBND huyện đồng ý bằng văn bản; cường độ âm thanh dẫn dụ yến không được vượt quá 70 dBA và chỉ được mở từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối.
Đến năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 66 quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm, trong đó có nội dung đề cập đến hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến, nhưng còn chung chung, thời gian không rõ ràng khiến các địa phương lung túng khi áp dụng.
Trước phản ánh dữ dội của người dân về tiếng ồn do chim yến gây ra trong khu dân cư, ngày 30/10/2018, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn đồng ý về chủ trương cho phép Sở NN-PTNT xây dựng Đề án quản lý và phát triển nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn 2030. Quyết định này sẽ giúp cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong công tác kiểm soát, quản lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, môi trường và dịch bệnh đối với hoạt động nuôi chim yến.
Thế nhưng khi được hỏi, người dân tại thị xã An Nhơn đều lắc đầu không biết tới quyết định này của UBND tỉnh. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng công tác tuyên truyền thông tin đến với người dân của chính quyền địa phương sở tại còn chưa được quan tâm đúng mức? và quyền được tiếp cận thông tin của người dân còn bị thờ ơ?
Chúng tôi có liên hệ với phía chính quyền TX. An Nhơn để hiểu rõ hơn về vấn đề cũng như tình hình thực hiện luật tiếp cận thông tin đến với người dân nhưng đại diện phía UBND từ chối vì lý do…lãnh đạo đi vắng hết.
Thiết nghĩ, phía chính quyền cần có biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên làm nhà theo kiểu vừa nuôi chim yến ở tầng trên, vừa để con người sinh sống ở bên dưới vì ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi có dịch bệnh xảy ra. Có như vậy, nghề nuôi chim yến mới phát triển bền vững, không gây ra những hệ lụy xấu tác động đến môi trường và đời sống của người dân ở địa phương.