Thị xã Duyên Hải: Triển vọng nhân rộng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng

Trồng dưa lưới trong nhà màng là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, được triển khai đến nông dân trong những năm qua. Mô hình giúp cây dưa lưới phát triển đồng đều, hạn chế sâu bệnh và nâng cao năng suất, sản lượng. Sản phẩm được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon, ngọt mát; gần đây, được đưa vào siêu thị, giá ổn định.

Thành viên HTX nông nghiệp thủy sản Trường Long Hòa kiểm tra độ sinh trưởng của dưa lưới.

Thành viên HTX nông nghiệp thủy sản Trường Long Hòa kiểm tra độ sinh trưởng của dưa lưới.

Đồng chí Huỳnh Văn Màu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải cho biết: hiện thị xã có 15 hợp tác xã (HTX), với 2.483 thành viên. Trong đó, lĩnh vực thủy sản 08 HTX, nông nghiệp 03, xây dựng 01, vận tải 02 và Quỹ tín dụng 01, tổng vốn điều lệ 44,025 tỷ đồng, 05/05 xã đều có HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, có 03/15 HTX tham gia trồng dưa lưới trong nhà màng: HTX Mỹ Loan Phương, xã Hiệp Thạnh, HTX phát triển nông sản Long Hữu và HTX nông nghiệp thủy sản Trường Long Hòa, có 06 nhà màng/03HTX, diện tích khoảng 6.000m2/03 HTX. Ngoài ra, có một số hộ trồng tự phát dưa lưới trong nhà màng cho thu nhập khá cao...

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại các HTX của 03 xã Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa và Long Hữu được đánh giá cao; tỉnh chọn làm điểm về mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao để nhân rộng trong phát triển của HTX, góp phần nâng các tiêu chí xã NTM, nhất là NTM nâng cao. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, từng bước được phổ biến và nhân rộng trên địa bàn thị xã Duyên Hải, do hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

Đồng chí Phạm Minh Lối, Chủ tịch UBND xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải cho biết: những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá vật tư nông nghiệp biến động, bất lợi cho nông dân, chi phí sản xuất cao… nên nông dân hướng đến quy trình sản xuất nông sản sạch, thông qua áp dụng công nghệ cao. HTX phát triển nông sản Long Hữu là một điển hình, áp dụng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao hiệu quả.

Bà Phạm Thị Hồng Hoa, thành viên của HTX cho biết: HTX trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm: ngăn chặn xâm nhập của côn trùng, sâu bệnh; hạn chế cỏ dại, lượng nước và thời gian tưới rút ngắn, giảm chi phí sản xuất, tưới theo quy trình tự động, khép kín duy trì độ ẩm trong khu vực trồng; nước tưới được bơm tự động lên bồn chứa, có hệ thống lọc, đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn cho dưa. Nhờ đó, trái dưa có màu sắc đẹp, trọng lượng đạt từ 1,5 - 1,7kg/trái, hiện giá bán từ 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng trên địa bàn 03 xã: Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa và Long Hữu hiện nay bình quân 1.000m2/nhà, chi phí đầu tư nhà lưới trên 100 triệu đồng/nhà, sử dụng từ 07 - 08 năm; trồng khoảng 2.700 gốc; sản lượng đạt hơn 3,5 tấn. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định: vốn đầu tư tương đối lớn, trồng dưa lưới đòi hỏi người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mới có dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình trồng dưa lưới luôn tuân thủ quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bồn cây, quá trình sinh trưởng, nước tưới đến thu hoạch... nên phổ biến rộng trong nông dân còn hạn chế.

Đồng chí Hà Vũ Bằng, Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa cho biết: hiện xã có 04 nhà màng trồng dưa lưới: 01 HTX có 03 nhà và 1 hộ dân, mỗi nhà có diện tích từ 1.000 - 1.200m2. Những năm qua, xã phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của địa phương để hỗ trợ HTX, nhằm duy trì hoạt động, sản xuất hiệu quả. Trong các HTX trồng dưa lưới hiệu quả hiện nay phải kể đến HTX nông nghiệp thủy sản Trường Long Hòa; mới thành lập vào đầu năm 2021 (vốn điều lệ gần 01 tỷ đồng), song HTX đã đi đúng hướng, bước đầu tạo hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên.

Ông Lâm Minh Thiện, Bí thư Chi bộ ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, Giám đốc HTX nông nghiệp, thủy sản Trường Long Hòa cho biết: HTX triển khai thực hiện mô hình trồng dưa lưới và dưa lê tại 03 điểm, mỗi điểm 1.000m2. Sau nhiều vụ trồng, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi quy trình canh tác chủ động gần như hoàn toàn về thời tiết khí hậu, phòng ngừa sâu bệnh gây hại, chất lượng trái đồng đều, được bao tiêu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhà lưới được thiết kế xung quanh có lưới chắn côn trùng, trong các nhà màng được bố trí hệ thống tưới phun tự động... chủ động tưới thực hiện theo nhu cầu nước của quá trình sinh trưởng của cây, đảm bảo môi trường thích hợp, cũng như chất dinh dưỡng cho cây phát triển.

Cùng với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay các HTX của 03 xã: Hiệp Thạnh, Long Hữu và Trường Long Hòa đang tiếp tục huy động vốn của thành viên đầu tư theo hướng kết hợp hoạt động dịch vụ: thu mua nông sản của nông dân trên địa bàn, với mục tiêu không để các mặt hàng nông sản của nông dân bị “dội chợ”; “cung vượt cầu”; tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, bền vững, vì chất lượng cuộc sống cộng đồng xã hội... tạo thành mô hình điểm, nhân rộng đến các HTX trên địa bàn có điều kiện thích hợp.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/thi-xa-duyen-hai-trien-vong-nhan-rong-mo-hinh-trong-dua-luoi-trong-nha-mang-38966.html