Thị xã Nghi Sơn – sải cánh bay cao, vươn xa
15 năm xây dựng và phát triển, với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), mảnh đất phía Nam đã thực sự 'thay da đổi thịt', vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Một Tĩnh Gia nghèo khó, lam lũ nay là thị xã Nghi Sơn năng động, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.
Quy mô, tầm vóc của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Hương Thảo
Đối với chúng tôi, Nghi Sơn là mảnh đất vừa thân quen, gần gũi mà cũng thật mới mẻ. Chẳng thân quen, gần gũi sao được khi hương đất, tình người nơi đây tự bao đời vẫn gợi lên nỗi thương nhớ, bịn rịn cho những vị khách đã một lần ghé thăm. Chúng tôi nhớ nhung những buổi chiều trên xã đảo Nghi Sơn. Khi chiều buông dần bức rèm ánh nắng, khung cảnh nơi ấy bao giờ cũng gợn lên chút gì đó trầm mặc, man mác. Tưởng chừng như chỉ cần một cái chạm nhẹ của sóng vào đá cũng đủ khiến bốn bề không gian chênh chao. Bóng dáng con người trở nên nhỏ bé đến lạ mà lòng người thì tan vào cõi mênh mông. Bước chân trên dải đá xù xì, gai góc bởi biết bao con hàu theo sóng dạt vào đu bám, ngẩn ngơ hướng mắt trông theo những con thuyền đang dập dềnh theo con nước bỗng thấy lòng mình trỗi dậy một niềm thương yêu đến vô cùng.
Đứng trên vụng đảo này, hướng tầm mắt trông ra đường băng tải xi măng Nghi Sơn như dải lụa vắt qua hai đầu nỗi nhớ, hai thái cực đậm chất Nghi Sơn. Tại điểm xuất phát của đường băng tải, từ trong lòng KKTNS, đó là thái cực của sự phát triển sôi động - cái sôi động đầy danh giá, tự hào của một KKT đã khẳng định được vai trò to lớn của mình trong định hướng, chiến lược phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và trở thành một trong các KKT động lực của Việt Nam. Trên nền bức tranh KKT phát triển sôi động, một số dự án trọng điểm, mang tầm quốc gia như dấu ấn đậm nét, đóng góp quan trọng vào các chỉ số tăng trưởng và thu ngân sách hằng năm của tỉnh, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NARS), Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Xi măng Nghi Sơn, Dây chuyền 1 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh, các dự án may mặc, da giày... Trong đó, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được xác định là “trái tim” của KKT. Sự hiện diện của những công trình, dự án này đã góp phần nâng cao vị thế KKTNS trên bản đồ kinh tế Việt Nam.
KKTNS – ngọn lửa khát vọng
Có người đã từng hỏi chúng tôi rằng: “Các em đã bao giờ ngắm nhìn khung cảnh KKTNS lúc đêm về để thấy được nét đẹp rất nên thơ, mềm mại, quyến rũ giữa ngồn ngộn những công trình, dự án mang tầm cỡ quốc gia đang hiện hữu nơi đây?”. Chúng tôi thành thật lắc đầu. Không một ai trong chúng tôi cho rằng phải đợi đến khi có ánh đèn công nghiệp tráng lên khung cảnh nơi đây lớp men vàng rực rỡ thì KKTNS mới được biết đến là đẹp. Tự bao đời nay, mảnh đất nơi đây vẫn đẹp trong bức tranh khung cảnh làng quê thanh bình, đẹp trong những đêm trời sao lấp lánh... Nhưng bức tranh Nghi Sơn ngày đó vẫn thiếu một nét vẽ năng động, nhộn nhịp của kinh tế đa ngành. Hẳn rằng người dân nơi đây đã cảm nhận rất rõ sự khuyết thiếu ấy hiện diện trong đời sống vật chất và tinh thần của mình. Khát vọng về một sự đổi thay mạnh mẽ được nuôi dưỡng, ấp ủ qua nhiêu thế hệ lãnh đạo và người dân. Không có khát vọng vươn lên thì làm sao có sự kiện hàng nghìn hộ dân hai xã: Tĩnh Hải, Hải Yến đồng thuận rời bỏ mảnh đất chôn nhau cắt rốn, bao đời ông cha an cư lạc nghiệp để trao cho Nhà nước 350 ha đất làm Nhà máy Lọc hóa dầu. Và nếu không có khát vọng mãnh liệt về một sự “thay da đổi thịt” thực sự thì làm sao có sự kiện người dân các xã: Hải Thượng, Hải Hà sẵn lòng nhường đất, di dời đến nơi ở mới để Nhà máy Nhiệt điện về đứng chân.
Không phụ sự kỳ vọng, chung sức đồng lòng của người dân, với tiềm năng, lợi thế của mình, từ khi thành lập đến nay, KKTNS đã gặt hái được những thành tích đáng tự hào. Giờ đây, KKTNS không chỉ được biết đến là trọng điểm sản xuất xi măng của miền Bắc, trung tâm sản xuất điện năng của vùng Bắc Trung bộ mà còn là trung tâm lọc hóa dầu và dịch vụ cảng biển có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp – thương mại dịch vụ của KKTNS ước đạt hơn 390 nghìn tỷ đồng (đạt 94,2% kế hoạch). Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt: 3.713 triệu USD (vượt kế hoạch 2,6%). Thu ngân sách ước đạt: 51.863 tỷ đồng (đạt 65,6% kế hoạch)... Với kết quả sản xuất, kinh doanh ấy, KKTNS trở thành “miền đất hứa”, “bến đỗ” cho hàng chục nghìn kỹ sư, công nhân, người lao động từ khắp mọi miền đất nước đổ về. Với tiềm năng và lợi thế của mình, từ năm 2016 đến nay, KKTNS thu hút được 249 dự án (35 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 47.427 tỷ đồng và 3.300 triệu USD, nâng tổng số dự án thu hút vào KKTNS và các Khu công nghiệp lên 606 dự án (57 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 147.459 tỷ đồng và 13.246 triệu USD. 411 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Chương trình phát triển KKTNS và các Khu công nghiệp đạt nhiều kết quả đáng tự hào, góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 với những dấu mốc tăng trưởng kinh tế chưa từng có. Trước sự phát triển ngày càng sôi động của KKTNS, vào tháng 12–2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1699/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng KKTNS, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích lập quy hoạch 106.000 ha. Sự kiện này một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của KKTNS. Ngọn lửa đêm ngày rực cháy ở vị trí cao nhất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã thực sự thắp sáng ước mơ, hy vọng, mở ra cánh cửa tương lai cho cả một vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ.
Bước ngoặt lịch sử, bừng sáng tương lai
“Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” – bài học kinh nghiệm sâu sắc về sự phát triển bền vững muôn đời là thế. Soi chiếu vào đó để thấy rõ rằng: Trong suốt hành trình đầy những chông gai, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói chung, thị xã Nghi Sơn nói riêng đã phải nỗ lực, phấn đấu như thế nào để có được dấu mốc phát triển đáng tự hào như hôm nay.
15 năm xây dựng và phát triển, với hạt nhân là KKTNS, mảnh đất phía Nam đã thực sự “thay da đổi thịt”, vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Một Tĩnh Gia nghèo khó, lam lũ nay là thị xã Nghi Sơn năng động, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Kinh tế - xã hội đạt kết quả nổi bật với những thành tựu vượt bậc về mọi mặt. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 29,7%, tăng 2,36% so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tĩnh Gia lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 48 triệu đồng/năm. Nơi đây đã và đang khẳng định là KKT ven biển có sức hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án đầu tư; có hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Trên cơ sở đó, ngày 24-4-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, thị xã Nghi Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ 455,61km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Tĩnh Gia. Thị xã Nghi Sơn có 31 đơn vị hành chính trực thuộc, 16 phường, gồm: Hải Châu, Hải Ninh, Hải An, Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Hòa, Bình Minh, Hải Thanh, Nguyên Bình, Xuân Lâm, Trúc Lâm, Hải Bình, Tĩnh Hải, Mai Lâm, Hải Thượng và 15 xã ngoại thị. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2020.
Thay tên gọi mới cho một vùng đất - đó là công việc đã từng diễn ra nhiều lần trong lịch sử. Nó không quá mới mẻ, không nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, hành trình từ danh xưng của một huyện tiến lên danh xưng thị xã, đối với Nghi Sơn, là cả bước ngoặt lịch sử. Ông Trần Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Nghi Sơn sâu sắc nhận định: “Việc thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã phù hợp với nguyện vọng của Đảng bộ và toàn thể Nhân dân, là kết quả phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển đô thị của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, theo định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Đồng thời, đã mở ra cơ hội khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo điều kiện phát triển một cực quan trọng trong “Tứ Sơn” theo tứ giác tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa”.
Không khí hân hoan, hồ hởi là điều có thể cảm nhận rất rõ khi về với thị xã Nghi Sơn những ngày này. Cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn đang chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất phục vụ Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến diễn ra trong thời gian tới, tại Quảng trường - Công viên thị xã Nghi Sơn. Công tác quản lý, chỉnh trang đô thị được tăng cường. Tiến độ thực hiện các dự án xây dựng, đặc biệt là các dự án về hạ tầng đô thị được đẩy nhanh nhằm bảo đảm an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, đáp ứng tiêu chí thị xã và phục vụ chương trình buổi lễ công bố... Các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, tiếp tục đoàn kết một lòng được đẩy mạnh, thực hiện sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân nhằm ra sức thi đua chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, quyết tâm xây dựng thị xã Nghi Sơn phát triển toàn diện, trở thành một trong những đô thị động lực của tỉnh Thanh Hóa.
Bất kỳ sự thay đổi về mặt hành chính nào cũng luôn tạo ra cả những thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn. Chông gai, thử thách là điều hiển hiện trước mắt. Người e dè, sợ hãi trước sự thay đổi sẽ bỏ lỡ cơ hội. Người tích cực, nhanh nhạy sẽ nhìn thấy trong khó khăn là những “cơ hội vàng” để phát triển, bứt tốc. “Đãi cát tìm vàng” – đó là điều mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Nghi Sơn vẫn luôn tâm niệm. Từ những ngày đồng đất, bãi biển mưu sinh đến hôm nay, đất và người nơi đây vẫn kiên gan, bền chí với ý chí vươn lên mãnh liệt. Từ bước ngoặt lịch sử này, thị xã Nghi Sơn tiếp tục phấn đấu hơn nữa, chung sức đồng lòng hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị động lực, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng, khai thác cảng biển, dịch vụ, du lịch đồng bộ và hiện đại, hướng tới đô thị “thông minh – xanh – bền vững”. Sự phát triển mạnh mẽ của KKTNS với những dự án có vốn đầu tư hàng đầu Việt Nam sẽ biến thị xã này thành đầu tàu kinh tế của tỉnh, trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đầu mối giao thương với tất cả các tỉnh trong nước, cầu nối quan trọng giữa Bắc bộ và Trung bộ, Tây Nguyên và các nước láng giềng như: Lào, Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thi-xa-nghi-son--sai-canh-bay-cao-vuon-xa/120465.htm