Thị xã Quảng Yên ước tính thiệt hại sau bão khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng

Theo thống kê sơ bộ, thị xã Quảng Yên là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề bởi bão số 3.

Trong đó, thiệt hại về tài sản của người dân gồm nhà cửa, lúa, hoa màu, vật nuôi, thủy sản... là hơn 2 nghìn tỷ đồng; công trình, tài sản công bao gồm trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị, ước thiệt hại trên 200 tỷ đồng. Số liệu trên chưa tính đến thiệt hại của các cơ quan Nhà nước thuộc Trung ương, tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã.

Thiệt hại tại khu công nghiệp Sông Khoai. Ảnh: Tiến Bảo

Thiệt hại tại khu công nghiệp Sông Khoai. Ảnh: Tiến Bảo

Lãnh đạo UBND thị xã Quảng Yên cho biết đã làm việc với các tổ chức tín dụng để nắm bắt thiệt hại của khách hàng và triển khai các giải pháp hỗ trợ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Thống kê từ 4 chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng ước tính có 1.297 khách hàng bị thiệt hại, tỷ lệ thiệt hại từ 40% đến 100% giá trị tài sản, tổng giá trị dư nợ bị thiệt hại ước tính là hơn 600 tỷ đồng.

Công nhân dọn lại đống đổ nát. Ảnh: Tiến Bảo

Công nhân dọn lại đống đổ nát. Ảnh: Tiến Bảo

Do tình hình mưa, lũ trên hệ thống sông Cầu, sông Thương, sông Kinh Thầy có khả năng dẫn đến nước dâng trên sông Đá Bạc, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến đê Đồng Bái với chiều dài 4 km và trên 3 vạn dân thuộc các xã, phường Đông Mai, Sông Khoai, Hiệp Hòa, Yên Giang và 2 khu công nghiệp: Amata và Đông Mai)

Công ty CP Đóng tàu và Vận tải biển Nam Phát đang hoàn thiện sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

Công ty CP Đóng tàu và Vận tải biển Nam Phát đang hoàn thiện sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

UBND thị xã đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư sẵn sàng cho công tác hộ đê. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống lũ; tổ chức chốt trực để theo dõi diễn biến lũ và triều cường trên các tuyến sông thuộc địa bàn thị xã.

Hệ thống cột điện đổ tại khu công nghiệp Sông Khoai. Ảnh: Tiến Bảo

Hệ thống cột điện đổ tại khu công nghiệp Sông Khoai. Ảnh: Tiến Bảo

Chỉ đạo công tác tiêu thoát nước để bảo vệ an toàn đê và hệ thống thủy lợi trong đê. Qua theo dõi, đến thời điểm báo cáo mực nước sông Bạch Đằng giữ ở mức tương đương lịch thủy triều; không có hiện tượng dâng cao đột biến.

Một trụ điện bị gãy gập. Ảnh: Tiến Bảo

Một trụ điện bị gãy gập. Ảnh: Tiến Bảo

Đối với xã Hiệp Hòa: theo dõi diễn biến mực nước, rà soát các điểm xung yếu trên tuyến đê, báo cáo tình hình 1 giờ/lần; xây dựng phương án di dân từ vùng trũng lên vùng cao, sẵn sàng phương án di dân từ các đầm ngoài đê vào nơi an toàn. Tập kết 15.000 bao tải, huy động 50 phương tiện xe, máy, 2 máy phát điện, các loại dụng cụ cuốc, xẻng, sẵn sàng triển khai khi có tình huống nước dâng cao bất thường. Dọn dẹp, phát quang các tuyến đường cơ động tiếp cận tuyến đê. Chuẩn bị trên 1.000 khối đất, cát sẵn sàng đóng bao để ngăn triều.

Một góc khu công nghiệp bị ảnh hưởng sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

Một góc khu công nghiệp bị ảnh hưởng sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

Đến thời điểm hiện tại, mực nước trên các sông Đá Bạc, sông Chanh trên địa bàn thị xã lên xuống theo thủy triều ổn định, các tuyến đê được duy trì kiểm tra thường xuyên, không có biến động bất thường. UBND thị xã Quảng Yên đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp đầu mối bảo đảm các nguồn cung ứng thiết yếu (xăng, dầu, nhu yếu phẩm…), kiểm soát giá cả nhất là giá nhu yếu phẩm.

Tôn bay lả tả sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

Tôn bay lả tả sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

Ngay sau khi bão số 3 giảm cường độ, tính đến 12 giờ ngày 8/9/2024 hoàn thành việc cứu hộ toàn bộ toàn bộ số dân mắc kẹt trên bè nuôi thủy sản tại khu Hòn Dấu (Hoàng Tân). Đến thời điểm báo cáo, thị xã không có người chết hoặc mất tích do bão.

Công nhân đang khắc phục sau cơn bão số 3. Ảnh: Tiến Bảo

Công nhân đang khắc phục sau cơn bão số 3. Ảnh: Tiến Bảo

Do số lượng thiệt hại lớn nên công tác khắc phục mất nhiều thời gian. Đến 10 giờ ngày 12/9/2024, một số tuyến thuộc phường Quảng Yên, xã Hiệp Hòa đã có điện. Điện lực đã khôi phục đóng điện 5 đoạn của 5 ĐZ trung thế, trong đó đóng điện được 39 TBA Điện lực quản lý + 24 TBA của khách hàng. Hiện tại ngành điện vẫn đang thực hiện đảm bảo khôi phục hệ thống trong thời gian sớm nhất.

Cũng trong ngày 12/9, các trường đã tổ chức cho học sinh đi học trở lại bình thường.

Các doanh nghiệp đang nhanh chóng khắc phục sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

Các doanh nghiệp đang nhanh chóng khắc phục sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

Đối với rác thải, chất thải ngay sau bão, thị xã đã huy động tối đa lực lượng để thu gom và xử lý vật liệu, cây cối đổ gãy do bão gây ra. Công ty CP Giao thông công chính, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức và Nhân dân đã tổ chức thực hiện dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Đến hiện tại công tác thu gom, xử lý rác thải, chất thải đã hoàn thành.

Các tấm tôn bị bay của một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Sông Khoai. Ảnh: Tiến Bảo.

Các tấm tôn bị bay của một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Sông Khoai. Ảnh: Tiến Bảo.

Do hậu quả cơn bão, gần như toàn bộ lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển bị phá hủy, trôi dạt vào các tuyến sông, biển (khối lượng cần thu gom khoảng 1.000 tấn). Nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn khi những bè hỏng trôi dạt ra vịnh Hạ Long, mặt khác thủy sản bị chết chưa được thu gom sẽ tiềm ẩn dịch bệnh trong môi trường nước.

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề sau bão. Ảnh: Tiến Bảo

UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch thu gom, xử lý toàn bộ rác thải trên biển từ các lồng, bè hỏng, hoàn thành xong trong tháng 9/2024.

Vĩnh Quân - Tiến Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-xa-quang-yen-uoc-tinh-thiet-hai-sau-bao-khoang-hon-2-nghin-ty-dong.html