Thị xã Sơn Tây: Sáng tạo trong tuyên truyền pháp luật từ các cuộc thi
Thị xã Sơn Tây đã thể hiện sự sáng tạo, bứt phá, đổi mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ các cuộc thi về pháp luật. Đặc biệt, đã mở ra một hướng mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến pháp luật...
Tích cực tham gia các cuộc thi pháp luật
Thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội về tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, UBND thị xã ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 30/3/2023 tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Ban Tổ chức cuộc thi cấp thị xã đã chọn và cử đội thi của UBND phường Lê Lợi tham dự cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” cấp thành phố với tiểu phẩm “Bão yên” và đã đạt giải Ba.
Về cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”, thị xã Sơn Tây có 45.996 thí sinh tham gia thi, đứng thứ 8/30 quận, huyện, thị xã, trong khi dân số của thị xã Sơn Tây đứng thứ 29/30 quận huyện, thị xã. Kết quả này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực tham gia, hưởng ứng cuộc thi của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trong toàn thị xã, đặc biệt sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy các xã, phường đến cuộc thi.
Vừa qua, UBND thị xã Sơn Tây đã trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” và trao giải Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn năm 2023.
Một số xã, phường có số lượng bài thi tham dự cao như Cổ Đông (8.493 bài thi), Đường Lâm (7.498 bài thi), Lê Lợi (6.096 bài thi), Ngô Quyền (5.452 bài thi), Sơn Lộc (4.322 bài thi)...
Thông qua các cuộc thi đã góp phần làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật của cán bộ, công chức, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thị xã về định danh điện tử, xác thực điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Triển khai hiệu quả Luật Hòa giải cơ sở
Trưởng phòng Tư pháp thị xã Sơn Tây Đào Hiến Chương cho biết, trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, UBND thị xã đã ban hành 46 văn bản tổ chức, triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. 100% các xã, phường trên địa bàn đã xây dựng Kế hoạch triển khai tổ chức tại địa phương với nhiều hình thức phong phú. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể thị xã cũng đã triển khai quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, hội viên tại cơ quan, đơn vị.
UBND thị xã đã tiến hành tổ chức 21 hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức và đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn thị xã, đồng thời cấp phát hơn 78.000 tài liệu, sách pháp luật tới các tổ hòa giải ở cơ sở. Tại các xã, phường, trong 10 năm đã tổ chức 97 hội nghị tuyên truyền nội dung của Luật Hòa giải ở cơ sở và tập huấn nghiệp vụ cho các hòa giải viên.
Trong 10 năm, UBND thị xã đã tổ chức thành công 3 cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” (vào năm 2014, 2019, 2023); các đội thi thị xã tham dự cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” cấp thành phố đều đạt giải cao.
Hoạt động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn được tổ chức duy trì thường xuyên thông qua các đợt kiểm tra tư pháp định kỳ hàng năm của thị xã.
Trên địa bàn thị xã Sơn Tây hiện có 118 tổ hòa giải được kiện toàn với 760 hòa giải viên; trong đó có 21 người có trình độ chuyên môn luật, 657 hòa giải viên đã được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (đạt 86%). Đồng thời, UBND thị xã thường xuyên đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, quan tâm hỗ trợ kinh phí chi cho công tác hòa giải ở cơ sở, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành; chủ động thực hiện bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ (tổ chức các lớp tập huấn, cấp phát tài liệu; tổ chức các diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm…) cho hòa giải viên của đơn vị.
Hàng năm, ngay từ đầu năm, thị xã đều có chỉ đạo các đơn vị tổ chức đăng ký thực hiện theo tiêu chí tổ hòa giải “5 tốt”. Mô hình tổ hòa giải “5 tốt” được duy trì thường xuyên; các tổ hòa giải được đăng ký, định kỳ làm tốt việc đánh giá hoạt động thực chất chính xác theo tiêu chí “5 tốt” gắn với các nhiệm vụ ở tổ dân phố, thôn để nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải. Chú trọng nắm bắt kịp thời các việc mẫu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở để chủ động hòa giải, hạn chế đơn thư vượt cấp về xã, phường và thị xã, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Trong 10 năm, UBND các xã, phường có 1.178 vụ hòa giải; số vụ hòa giải thành là 919 (chiếm 78% so với tổng số vụ); số vụ hòa giải không thành là 252 (chiếm 22% so với tổng số vụ), trong đó: Mâu thuẫn giữa 02 bên là 128 vụ (chiếm 50%); tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình là 62 vụ (chiếm 25%) và vụ việc khác thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở là 62 vụ (chiếm 25%).